Khái niệm

Khí trệ là tên gọi chung cho những chứng trạng do một bộ phận cơ thể, một Tạng Phủ, hoặc một Kinh Lạc mà sự lưu thông khí cơ bị chướng ngại, xuất hiện tình trạng “khí đi không thông”, “không thông thì đau, “Đa số do bệnh tà xâm nhập, tình chí không thư thái, hoặc do nhân tố ngoại thương gây nên; chứng này thường gặp ở thời kỳ đầu của tật bệnh, cho nên có thuyết nói “Bệnh lúc bắt đầu là thuộc Khí” thuộc Thực chứng.

Đặc điểm chủ yếu trên lâm sàng của chứng Khí trệ là: trướng đầy bĩ tức khó chịu và đau, riêng về trướng đầy và đau lúc nhẹ lúc nặng, bộ vị thường cố và đau xiên đau nhói; Bĩ trướng cũng lúc có lúc không, lúc tan lúc tụ; Trướng đầy mà khó chịu có thể giảm nhẹ khi ợ hơi hoặc trung tiện, đồng thời có liên quan tới nhân tố tinh thần, rêu lưỡi mỏng, mạch Huyền.

Chứng Khí trệ thường gặp trong các bệnh “Vị quản thống”, “Hung thống”, “Phúc thống “Hiếp thống”, “Yêu thống”, “Thống kinh” và “Uất chứng”.

Cần chẩn đóan phân biệt chứng Khí trệ với các “chứng Khí nghịch”, “chứng Khí trệ huyết ứ”, “chứng Khí trệ hạ lỵ”, “chứng đàm với khí câu kết”.

Phân tích

Chứng này vì bộ vị bệnh biến và bệnh tà không giống nhau nên biểu hiện lâm sàng cũng khác nhau khá xa. Ngoại cảm nhiệt bệnh mà biểu hiện chứng Khí trệ, xin tham khảo các điều liên quan tới bệnh Thương hàn và Ôn bệnh, trọng điểm ở đây chỉ giới thiệu phương diện Tạp bệnh.

– Vì Khí trệ mà đau có rất nhiều bệnh chứng. Ví dụ khí trệ ở Trung tiêu xuất hiện “Vị quản thống”, không cứ gì Hàn tà hay Nhiệt tà hay Can khí phạm Vị thuộc Thực chứng, đều do Vị khí bất hoà, khí lưu hành bị uất trệ gây nên.Nếu là hàn tà phạm Vị, hàn tích ở trong Vị khí gặp hàn thì ngưng trệ không thông, không thông thì đau, có triệu chứng Vị quản đau dữ dội, hay ợ hơi, thích xoa bóp, gặp nóng thì đỡ đau, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Khẩn; điều trị nên ôn trung lý khí giảm đau, chọn dùng bài Lương phụ hoàn (Lương phương tập dịch) gia giảm.

Nếu là nhiệt tà phạm Vị, nhiệt kết ở Vị phủ, Vị khí uất kết không thông, có chứng đau Vị quản, khát nước muốn uống lạnh, miệng phá lở và hôi, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng mạch Sác có lực; điều trị nên thanh vị tiết nhiệt, chọn dùng bài Điều vị thừa khí thang (Thương hàn luận) gia giảm.

Nếu do Can khí phạm vị, Can uất làm cho Vị khí trệ, khí cơ ở trung tiêu không thư sướng. Vị mất hoà giáng, có triệu chứng Vị quản đau dữ dội, xiên suốt hai bên sườn, ợ hơi đắng miệng, chân tay lạnh, rêu lưỡi mỏng, mạch Huyền, điều trị nén điều hoà Can Vị, vận chuyển trung tiêu và lý khí, cho uống Tứ nghịch tán (Thương hàn luận) gia giảm.

– Lại như bệnh Hung thống, vị trí ngực ở phía trên, bên trong có hai tạng Tâm Phế. Nếu Phế khí không tuyên thông, đàm nhiệt nghẽn ở trong làm cho khí trệ đau vùng ngực, có triệu chứng đau vùng ngực và khái suyễn, khạc ra đàm vàng dính mùi tanh, phiền muộn, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Hoạt Sác, điều trị theo phép khoan hung khai uất, thanh nhiệt hóa đàm, cho uống bài Tiểu hãm hung thang, (Thương hàn luận) hợp với bài Thiên kim hành thang (Thiên kim yếu phương) gia giảm.

Nếu Tâm khí không tuyên thông, Hung dương bị tê nghẽn, trọc âm ứ lại ở trong làm cho khí trệ đau vùng ngực, có chứng đau vùng ngực xiên suốt sang lưng, ngực như bị chèn ép, hồi hộp không yên, thở gấp, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch Trầm Tế, điều trị nên khai hung tuyên tý để hóa đàm trọc, cho uống bài Quát lâu giới bạch bán hạ thang,(Kim Quỹ yếu lược) hợp với bài Điên đảo mộc kim tán (Y tông kim dán) gia giảm.

– Lại như chứng Phúc thống là chỉ bộ phận dưới Hạ quản, khí trệ ở trong bụng, có liên quan tới khí cơ ở Vị Trường bất lợi, lâm sàng có thể có chứng trạng do hàn, nhiệt và thực tà nghẽn trệ mà đau bụng thuộc Thực chứng. Nếu hàn tà ngưng tự ở trong bụng thì thấy đau bụng kịch liệt, ưa ấm thích xoa bóp, chân tay lạnh, đại tiện lỏng, tiểu tiện trắng trong, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Khẩn, điều trị theo phép ôn tán hàn tà, hành khí giảm đau, dùng bài Lý Trung hoàn, (Thương hàn luận) gia giảm. Nếu là nhiệt kết ở trong bụng, có chứng đau bụng chướng đầy, đại tiệnết, bụng rắn đầy mà cự án, miệng khô tâm phiền, rêu lưỡi vàng xốp, mạch Trầm Thực có lực, chọn dùng bài Đại thừa khí thang, (Thương hàn luận) gia giảm. Nếu là thực trệ ở Đại trường, có chứng bụng chướng đầy, ợ hơi sôi bụng, đại tiện lỏng uế trọc mùi hôi, không thiết ăn uống, rêu lưỡi dày nhớt, mạch Hoạt Sác, điều trị theo phép tiêu đạo tích trệ, cho uống bài Chỉ thực đạo trệ hoàn, (Nội ngoại thương biện hoặc luận) gia giảm.

– Chứng Hiếp thống thường là bệnh biến ở Can Đảm; vì tình chí ức uất, Can không điều đạt mà gây nên đau sườn cũng là chứng thường gặp; Đau sườn do Can khí uất trệ có chứng hai bên sườn trướng đau, len lỏi không cố định, vùng ngực khó chịu, đắng miệng, ợ hơi liên tục, chứng trạng tăng hay giảm còn tuỳ theo sự trao đảo của tình chí, điều trị theo phép sơ Can lý khí, cho uống bài Sài hồ sơ Can tán (Cảnh Nhạc toàn thư) gia giảm.

– Chứng Yêu thống có thể do khí trệ vì vấp ngã ngoại thương gây nên, đa số là dùng sức mang vác không thận trọng bị xút lưng, vùng lưng đau thường thấy ở một bên hoặc có điểm đau cục bộ, sưng chướng khó cúi ngửa, điều trị nên hành khí giãn lưng, tan kết giảm đau, cho uống Thông khí tán (Y tông kim giám) gia giảm.

– Lại như khí trệ gây nên Uất chứng, phần nhiều do tình chí uất ức, khí cơ không thông sướng; Ngũ uất luận sách y kinh sô hồi tập viết “Bệnh lúc bắt đầu, phần nhiều do uất, uất có ý nghĩa trệ mà không thông”, nói lên do khí trệ mà uất là tiền đề nhất thiết phải có của Uất chứng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là Can khí uất kết, có chứng tinh thần ức uất, tâm phiền không yên, ngực sườn chướng đầy, hay thở dài, ợ hơi kém ăn, kinh nguyệt không đều, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch Huyền, điều trị theo phép sơ Can lý khí, giải uất khai kết, dùng bài Việt cúc hoàn (Đan Khê tâm pháp) hoặc Tiêu giao tán (Thái Bình huệ dân hoà tễ cục phương) gia giảm. Nếu ợ hơi không bớt, có thể dùng thêm Toàn phúc đại giả thang Thương hàn luận).

Chứng Khí trệ ngoài những nguyên nhân do bệnh tà xâm nhập hoặc ngoại thương, lâm sàng cũng gặp nhiều trường hợp do nội thương thất tình gây nên. Chứng Khí trệ có quan hệ chặt chẽ với Can; Can chủ về sơ tiết và điều đạt. Can mất sơ tiết điều đạt thì khí trệ mà uất kết. Những công năng này của Can có ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy tinh thần hoạt động, cho nên tình tự ức uất, tâm hung thắt hẹp, hay nghi ngờ cáu giận, rất dễ xúc động gây nên chứng này. về phương diện tật bệnh trong phụ khoa, vì phụ nữ coi Can là tiên thiên, Can chứa huyết mà mạch Xung Nhâm mới được đầy đủ, kinh nguyệt ra đúng kỳ, thai nghén được an toàn. Nhưng Can chứa huyết, công năng sơ tiết bị ảnh hưởng Can khí uất kết tất nhiên dẫn đến công năng tàng trữ và điều tiết của Can huyết thất thường, cho nên chứng Khí trệ còn thường gặp trong các chứng bệnh kinh nguyệt không đều, thống kinh, bế kinh, có thai buồn nôn, đau bụng, thũng trướng, sản hậu máu hôi không ra, nhũ ung và thiếu sữa v.v… Đến như cục bộ kinh lạc, vì nhiễm phải phong hàn thấp tà, dẫn đến khí vận hành của kinh lạc không trôi chảy, cũng làm cho khí trệ gây chướng đau. Nạn 22 sách Nạn kinh viết “Khí lưu lại không thông, là khí bị bệnh trước”. Nếu phong hàn thấp tà ẩn náu ở chân tay mình, kinh mạch và các khớp, sẽ gây nên Tý chứng, có các chứng trạng các khớp chân tay đau mỏi, hoạt động khó khăn.

Cũng cần nói rõ chứng này là bệnh chứng thường gặp trong các bệnh biến thuộc về Khí, và cũng là cơ sở biến hóa của các bệnh về Khí. Ví dụ do Khí trệ không thư sướng, sẽ dẫn đến công năng thăng giáng vào ra của khí cơ bị trở ngại mà xuất hiện khí cơ rối loạn, khí nghịch lên trên thành chứng Khí nghịch. Vì Khí trệ không thư sướng, dẫn đến công năng thu nạp, ngấu nhừ và vận hóa thủy cốc của Tỳ Vị bị giảm yếu, xuất hiện chứng Khí hư. Vì khí trệ không thư sướng, dẫn đến bệnh tà không chịu rút lui, tà khí hữu dư mà xuất hiện chứng Hoả nhiệt do tà khí úng thịnh tà uất hóa hoả. Vì Khí trệ không thư sướng dẫn đến sự vận hành, phân bố, bài tiết tân dịch ở ba tạng Phế, Tỳ, Thận bị thất thường, xuất hiện chứng Thủy thũng vì khí không vận hành thủy, thủy thấp ứ đọng… Vì khí huyết cùng một nguồn gốc, âm dương hỗ căn, cho nên bệnh của khí có thể giãn đến bệnh ở huyết, vì vậy mới có thuyết” khí hành thì huyết hành, khí trệ thì huyết ứ”. Trái lại, chỗ bị huyết ứ, mạch lạc ứ nghẽn, huyết đọng lại không lưu thông được, cũng có thể xuất hiện Khí trệ. Ví dụ chứng tích tụ, phần nhiều do thất tình tổn thương, khí cơ uất kết, khí trệ mà thành Tụ, bệnh lâu ngày, huyết ứ mà thành Tích. Bệnh ngoại khoa trên lâm sàng, thường do ngoại thương cục bộ huyết ứ thành sưng, sẽ thấy cả chứng trạng do khí trệ mà kinh mạch lưu thông không thư sướng. Bởi thế trên lâm sàng phân tích chứng này cần có nhận thức về quan hệ tư sinh và tồn tại của khí và huyết, hai thứ này có mối quan hệ nhân quả với nhau chứ hoàn toàn không tách rời được.

Chẩn đóan phân biệt

– Chứng Khí nghịch và chứng Khí trệ, cả hai đều là bệnh biến của Khí. Nhưng chứng Khí nghịch chủ yếu là do sự thăng giáng khí cơ không điều hoà, biểu hiện là khí thăng lên quá mức, khí cơ bị nghịch lên, có chứng khái thấu dồn ngược lên, suyễn thở và nấc, ợ hơi liên tục, nôn mửa buồn nôn v.v… Chứng Khí trệ biểu hiện chủ yếu là khí không thư sướng, cho nên lấy cục bộ đau nhức, chướng đầy và lấy triệu chứng trướng làm chủ yếu, bệnh lúc nặng lúc nhẹ, bộ vị không nhất định, hơn nữa còn do ảnh hưởng chao đảo của trình tự. Cho nên bệnh nhân và bệnh cơ hoàn toàn khác nhau, biểu hiện lâm sàng cũng không giống nhau, phân biệt không mấy khó khăn.

– Chứng Khí trệ huyết ứ với chứng Khí trệ, cả hai đều biểu hiện khí trệ, nhưng loại trên thường từ cơ sở khí trệ phát triển thêm, vì kiêm cả biểu hiện huyết ứ. Như cổ trướng, thời kỳ đầu phần nhiều chứng Khí trệ, đến thời kỳ cuối, phần nhiều là chứng khí trệ huyết ứ. Thoạt tiên thấy Can khí uất trệ mà Tỳ thấp không hóa được, thủy thấp nghẽn ở trong mà bụng to ấn vào không rắn, vùng sườn trướng đau, ợ hơi, chán ăn, thời kỳ cuối thấy bụng to và đầy chắc, sườn trướng đau cố định, nổi gân xanh, sắc mặt đen sạm, làng bàn tay đỏ hồng, lưỡi có nốt ứ tía. Về phép trị, thời kỳ đầu chủ yếu phải hành khí hóa thủy và công tà; thời kỳ cuối nên hoạt huyết hóa ứ, hành khí tiêu ứ, vừa công vừa bổ; cho nên chẩn đóan phân biệt hai chứng này không khó khăn.

– Chứng Khí trệ hạ lỵ với chứng Khí trệ; Khí trệ hạ lỵ cũng gọi là Trệ hạ; gây nên bệnh phần nhiều do thấp nhiệt, dịch độc hoặc ăn những thức sống lạnh không sạch đến nỗi tổn hại Trường Vị, làm cho Đại trường mất chức năng truyền đạo, khí cơ không thư sướng, xuất hiện các triệu chứng thấp tà dồn xuống đau quặn, khí trệ trong ruột làm cho mót rặn, trướng bụng, đau bụng, lý cấp hậu trọng, hạ lỵ ra trắng và đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt hoặc trắng nhớt, mạch Hoạt Sác hoặc Nhu Hoãn. Điểm chủ yếu để phân biệt Khí trệ hạ lỵ với chứng Khí trệ là:

  1. Hai loại đều do tà khí hàn, nhiệt ẩn náu ở trong ruột gây nên Khí trệ, nhưng chứng Khí trệ hạ lỵ phần nhiều có kiêm thấp nhiệt.
  2. Hai loại đều có chứng đau bụng, trướng bụng, tiết tả, nhưng chứng khí trệ hạ lỵ có đặc điểm là lý cấp hậu trong và hạ lỵ ra trắng và đỏ.

Lâm sàng dựa vào các điểm khác nhau nói trên mà có thể phân biệt. Chứng Đàm khí câu kết với chứng Khí trệ, cả hai đều do tình trí ức uất, Can khí uất kết gây nên. Nhưng chứng Đàm khí câu kết là khí trệ kết hợp với Đàm, còn chứng Khí trệ là Can khí uất kết. Hơn nữa chứng Đàm khí câu kết xuất hiện trên lâm sàng các khối sưng hoặc như có vật gì kết tụ mà không có vật thực sự. Ví dụ đàm khí câu kết ở phía trước cổ mà thành Anh Lựu, thì thấy hai bên cạnh cổ có khối sưng, sắc da không thay đổi, ấn vào thấy mềm và tuỳ theo sự mừng giận mà trướng to. Lại như chứng Mai hạch khí cảm thấy vướng mắc ở trong họng, trong họ có đàm, khạc không ra nuốt không trôi. Do đó chứng trạng khác nhau rất xa đối với chứng này là do Can khí uất kết mà xuất hiện các chứng khí trệ ở Can kinh như hai bên sườn trướng đau, ngực khó chịu và đau, ợ hơi… đơn thuần là Khí trệ mới có.

Y văn trích dẫn

– Vì mộc uất mà phát bệnh, thì người ta bị đau ở Tâm Vị (Chí chân yếu đại luận – Tố Vấn).

– Chứng Khí thống ở Tam tiêu, bên trong bên ngoài đều bị bệnh. Khí ở con người tuần hoàn không lúc nào ngừng. Nếu do thất tình lục khí và uống ăn mệt nhọc chèn ép đến nỗi ngưng đọng ở Thượng tiêu thì vùng Tâm Hung bĩ đau (nên dùng Chỉ quất thang, Thanh cách thương sa hoàn). Nếu ngưng trệ ở trung tiêu thì bụng và sườn nhói đau(nên dùng các bài Mộc hương phá khí tán, Tràng khí A nguỳ hoàn). Ngưng trệ ở Hạ tiêu thì là Sán Hà, đau lưng (nên dùng các bài Tứ ma thang, Mộc hương tân lang hoàn). Ngưng trệ ở bên trong thì là ứ tích đau đớn (nên dùng Hóa tích hoàn, Tam lăng tán). Ngưng trệ ở bên ngoài thì là khắp mình đau buốt, hoặc phù thũng, hoặc trướng tắc (nên dùng các bài Lưu khí ẩm tử, Mộc hương lưu khí ẩm).Nói tóm lại, còn có cái gì không phải Khí gây ra tật bệnh đó sao? (Chư khí – Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc)

Ngoại cảm phong hàn thì lấy tà khí làm hại chính khí, thoạt tiên là hai khí tiếp xúc, tiếp theo là qua con đường của khí mà vào Kinh (Phàm lệ – Thương hàn luận tập chú).

Nếu do vấp ngã xút lưng ứ tích ở trong, thì xoay chuyển đau như bị đòn, đại tiện phân đen, mạch sắc hoặc Khâu, đó là do ứ huyết, nên uống Trạch lan thang. Nếu đau buốt nơi này chuyển đến nơi khác, lúc tụ lúc tan, mạch Huyền Cấp, đó là Khí trệ, cho uống Quất hạch hoàn (Yêu thống – Y học tâm ngộ).

– Các loại hữu hình, tích trệ do ăn uống, hoặc máu mủ ứ đọng; các loại nước bọt ngưng đọng, quyện lại thành hòn khối, đều thuộc loại Tích, bệnh phần nhiều ở Huyết phận, vì Huyết là vật hữu hình mà tĩnh.

Các loại vô hình, hoặc trướng hay không trướng, hoặc đau hay không đau, thường tuỳ theo xúc động mà phát sinh, lúc tới lúc lui, đều thuộc loại Tụ, bệnh phần nhiều ở Khí phận, vì Khí thì vô hình mà động (Tích tụ – cảnh Nhạc toàn thư).

Bệnh Tả Lỵ, thủy cốc hoặc tiêu hóa hoặc không tiêu hóa, đều không phải rặn quá, chỉ cảm thấy rất mệt mỏi. Nếu là trệ hạ thì không thế, hoặc máu hoặc mủ, hoặc máu mủ lẫn lộn, hoặc nhão nát ở ruột, hoặc không có cặn bã, tuy có các tình huống đau, không đau, hoặc đau dữ dội, khác nhau, nhưng đều phải mót rặn lý cấp hậu trọng, bức bách khổ người bệnh (Trệ hạ Cục phương phát huy).

0/50 ratings
Bình luận đóng