Trung Xung
Tên Huyệt:
Huyệt ở đỉnh ngón tay giữa (trung), nơi chạm với (xung) mạch khí của Tâm kinh, vì vậy gọi là Trung Xung (Trung Y Cương Mục).
Xuất Xứ:
Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính:
Huyệt thứ 9 của kinh Tâm Bào.
Huyệt Tỉnh, thuộc hành Mộc.
Huyệt Bổ của kinh Tâm Bào.
Huyệt đặc biệt để trị rối loạn ở kinh Biệt của Tam Tiêu và Tâm Bào.
Vị Trí huyệt:
Tại điểm giữa của đầu ngón tay giữa.
Giải Phẫu:
Dưới da là chỗ bám của gân ngón giữa, cơ gấp chung ngón tay sâu, đầu đốt 3 xương ngón tay giữa. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7 hoặc C8.
Tác Dụng:
Khai khiếu, thanh Tâm, thoái nhiệt.
Chủ Trị:
Trị hôn mê, kích ngất, sốt cao, tim đau quặn.
Phối Huyệt:
1. Phối Đại (Thái) Uyên (Phế 9) + Kinh Cừ (Phế 8) + Lao Cung (Tâm bào.8) + Liệt Khuyết (Phế 7) trị + Thiếu Xung (Tm.9) lòng bàn tay nóng, khuỷtay sưng (Thiên Kim Phương).
2. Phối Mệnh Môn (Đc.4) trị người sốt, đầu đau như búa bổ (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Quan Xung (Tam tiêu.1) + Thiếu Thương (Phế 11) + Thiếu Trạch (Tiểu trường.1) + Thiếu Xung (Tm.9) + Thương Dương (Đại trường.1) trị trúng phong bất tỉnh (Châm Cứu Đại Thành).
4. Phối Liêm Tuyền (Nh.23) trị dưới lưỡi sưng đau (Bách Chứng Phú).
5. Phối Đại Chùy (Đc.14) + Hợp Cốc (Đại trường.4) trị thương hàn phát sốt (Dương-Kính-Trai Châm Cứu Toàn Tập).
Cách châm Cứu:
Châm thẳng 0, 1 – 0, 2 thốn hoặc châm xuất huyết – Cứu 1 – 3 tráng – Ôn cứu 3 – 5 phút.
Ghi Chú: Bệnh tâm thần nên cứu.
Tham Khảo:
“ Thiên ‘Quyết Bệnh’ ghi: “ Tai điếc, châm huyệt quanh tai, thủ huyệt ở ngón tay áp út, nằm ở chỗ giao nhục với móng tay (Trung Xung), sau đó chọn huyệt ở chân [Đại Đôn] “ (Linh khu.24, 26-27).