Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L) Schott = Sophora Japonica L.
Họ: Đậu (Fabaceae)
1. Mô tả, phân bố
Hòe thuộc loại cây nhỡ, cao 6 – 10m, sững lâu năm. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mỗi lá có 1 – 17 lá chét. Hoa nhỏ, mọc thành chùm ở đầu cành, màu vàng sáng. Quả loại đậu, trong chứa 1 – 4 hạt. Cây Hòe được trồng Ở nhiều tỉnh trên đất nước ta. Các tỉnh có trồng nhiều hòe hoa là: Thái Bình, Nam Hà, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, v.v…
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Hòe là nụ hoa (Hòe hoa). Thu hái về mùa hạ, khi hoa chưa nở. Bẻ lấy những chùm hoa, đem phơi nắng nhanh hay sấy nhẹ cho khô. Ngoài ra, còn dùng quả già để làm thuốc với tên gọi là Hòe giác.
Dược liệu hòe hoa có mùi nhẹ, màu vàng lục, vị hơi đắng. Hòe hoa đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học của Hòe hoa chủ yếu là hợp chất glycosid, trong đó hoạt chất chính là rutin (chiếm tối 20% trở lên). Trong Hòe giác cũng có chứa rutin nhưng tỉ lệ thấp hơn so với Hòe hoa.
4. Công dụng, cách dùng
4.1. Dược liệu hòe hoa có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu và làm bền thành mạch, giảm huyết áp. Dùng chữa các chứng bệnh: Chảy máu cam, băng huyết, huyết áp tăng và các trường hợp xuất huyết khác.
Cách dùng: Sắc hoặc hãm để uống với liều từ 8 – 16g/ngày.
Lưu ý: Muốn có tác dụng hạ huyết áp thì nên dùng sống, các trường hợp khác nên dùng loại sao.
4.2. Hòe giác có tác dụng trừ phong nhiệt, lợi gan mật, tăng cường tiêu hóa.
Dùng chữa các chứng: Viêm ruột đi ngoài ra máu, trì, tim hồi hộp, chóng mặt, đau mắt đỏ, đẻ khó.
Cách dùng: Uống 6 – 9g/ngày, dạng thuốc sắc.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng Hòe giác.
Ngoài công dụng chữa bệnh, Hòe hoa còn là nguyên liệu chính để chiết xuất rutin.