Mục lục
Tên khoa học:
Coptis teeta Wall. Họ khoa học: Họ Hoàng Liên (Ranunculaceae).
Tên khác: Xuyên liên, kê trảo liên, vân liên, vị liên, nhã liên.
Tiếng Trung: 黄连.
Nguồn gốc:
Đây là thân và rễ khô của cây hoàng liên tam giác diệp hoàng liên hoặc vân liên thuộc loài thực vật họ mao lương. Sản xuất chủ yếu ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc v.v… Ở nước ta cây mọc hoang ở độ cao 1300-1400m ở Quản Bạ tỉnh Hà Giang và trên 1.500m ở Sapa tỉnh Lào Cai, trong rừng kín thường xanh. Ta cũng đã gây trồng để nhân giống bằng hạt hoặc bằng tách khóm.
Phân biệt tính chất, đặc điểm:
Đây là những miếng mỏng không đồng đều nhau. Bề mặt bên ngoài màu vàng xám hoặc màu be vàng, sần sùi, có những hạch không đều nhau nổi gồ lên, có miếng còn cả rễ phụ hoặc dấu vết của rễ phụ. Mặt cắt phần vỏ màu be nâu, phần gỗ màu vàng kim, sắp xếp như hình tên bắn, đa số có khe hổng ở chính giữa. Vị cực đắng. Loại nào thả vào nước, lúc đầu chìm, sau đó nổi lên, là loại có chất lượng tốt.
Bảo quản:
Để nơi khô ráo, thoáng gió, phòng mốc.
Những cấm kỵ khi dùng thuốc:
Người không phải bị thấp nhiệt kiêng không uống hoàng liên. Người bị viêm dạ dày mạn, viêm gan, phụ nữ sinh nở xong ốm lâu cơ thể hư nhược, thiếu máu, mắc phải các bệnh gầy mòn, thân nhiệt thấp, kiêng không uống nhiều uống lâu độc vị hoàng liên.
Thành phần hóa học:
Người ta đã biết trong thân rễ có berberin, coptisin, palmatin, jatrorrhizin và magnoflorin. Có tài liệu còn cho biết có worenin, columbamin và có alcaloid có nhân phenol và alcaloid không có nhân phenol.
Dược lý hiện đại:
Theo các nghiên cứu hiện đại, hoàng liên ngoài tác dụng kháng khuẩn rất hiệu nghiệm ra, còncó tác dụng rất rõ rệt trong việc lợi mật, bảo vệ gan.
Hoàng liên (Xuyên Hoàng liên, Phụ: Hồ Hoàng liên)
Khí vị:
Vị đắng tính hàn, không có độc, vào Tâm kinh, vị hậu hơn khí, là âm dược, ghét các vị Cúc hoa, Huyền sâm, Nguyên hoa, Bạch tô bì, Bạch cương tàm, sợ Khoản đông hoa, Ngưu tất, kỵ thịt Lợn, Hoàng cầm, dùng Long cốt, Liên kiều làm sứ, có khả năng giảm độc Ba đậu và Phụ tử.
Chủ dụng:
Trấn Can, lương huyết, điều hòa Trường vị, bổ Đởm, tả Tâm, ráo thấp, khai uất, trừ phiền, giải khát, lợi thủy, sáng mắt, sát trùng, trừ giun, trừ bỉ, tiêu cam tích, thanh uất nhiệt của Tâm hỏa, trị chứng phát cuồng bởi dương độc, chứng kiết lỵ bởi thử nhiệt, chứng bĩ đầy bởi độc Rượu, chứng Trường phong hạ huyết, chứng hồi hộp, đau bụng, trị trẻ con viêm mũi, hết thảy các chứng thấp nhiệt mình gầy, hơi thở gấp, nhiệt độc lưu hành, các chứng sang lở, ác sang.
Hợp dụng:
Cùng dùng với Mộc hương chữa kiết lỵ, cùng dùng với Chỉ xác chữa bênh trĩ, cùng dùng với Quan quế làm cho Tâm Thận giao nhau.
Kỵ dụng:
Trong Trường Vị có hàn, bệnh thương hàn mà cho hạ sớm quá, làm cho âm hư mà ỉa ra máu, cũng như tổn hại Tỳ mà huyết chẳng về nguồn, cho đến chứng huyết ít khí hư, phiền nóng tiêu khát, Tỳ, Vị hư yếu, đàn bà huyết hư, phát sốt, đau bụng, ỉa chảy, các chứng như lỵ mà không phải là lỵ… đều cấm dùng.
Cách chế:
Để sống dùng thì chữa các chứng phát ban, điên cuồng, phiền khát, sao với nước Ngô thù thì điều hòa Trường Vị, sao với Hoàng thổ thì chữa tích thực, dẹp được cơn giun quấy, chữa được bệnh cam trẻ con, sao với Muối thì chữa Hạ tiêu phục hỏa, chứng sưng đau âm hộ của đàn bà, sao với Rượu thì chữa bệnh ở Thượng tiêu, sao với Gừng thì chữa bệnh ở Trung tiêu, chế bớt hàn của nó.
Nhận xét:
Hàn Thị nói: cổ nhân dùng Hoàng liên với Mộc hương để chữa kiết kỵ, Thủy hỏa tản dùng Hoàng liên với Cam thảo, Sinh khương, Tả kim hoàn dùng Hoàng liên với Ngô thù, Khương hoàng tán dùng Hoàng liên với Sinh khương, đều là một vị hàn một vị nhiệt, về cách chế phương rất là kỳ diệu, cho nên được thành công mà không lệch bên nào. Hoàng liên rất đắng, rất hàn, quyết không được dùng lầm, dùng nhiều.
PHỤ: HỒ HOÀNG LIÊN (ngoài vàng trong đen, bẻ thấy cứng, gãy ra thấy màu như khói là đúng).
Chủ dụng:
Thương hàn phát nhiệt, ho lao, tiểu tiện đỏ, nóng âm ỉ trong xương, cam tích, lỵ mạn tính, đau mắt, tất cả các bệnh do thấp nhiệt sinh ra, đàn bà có thai động kinh… đều chữa được cả.
Tham khảo sách cổ:
Hoàng liên là thuốc dùng nhiều cho các bệnh ở Tâm, Tỳ, Tràng, Vị, còn ở Can, Thận thì ít dùng.
“Ngoại đài bí yếu”
Bài Hoàng liên giải độc thang
Hoàng liên 6-8g, Hoàng cầm 6-8g, Hoàng bá 6-8g, Chi tử 8- 12g. Sắc, chia uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng tả hỏa, giải độc.
Chữa các chứng nhiệt đôc thịnh, hỏa độc, sốt cao, phiền tảo, miệng ráo, họng khô, điên cuồng, mê loạn, hoàng đản thấp nhiệt, kiết lỵ, mụn nhọt chảy nước vàng. Nóng quá đến thổ huyết, mũi chảy máu, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác hữu lưc. Đối với các chứng xuất huyết có thể dùng thêm các vị lương huyết như Huyền sâm, Sinh địa, Đơn bì, Mao căn.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Hoàng liên thang
Bán hạ chế 10-12g, Hoàng liên, Cam thảo, Quế chi, Đại táo đều 6g, Nhân sâm 4-6g, Can khương 2-6g.Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa các chứng: Đau dưới mỏ ác, ăn không tiêu, rêu lưỡi vàng, miệng hôi, đại tiện khi táo, khi lỏng, ấy là viêm Dạ dày, Ruột.Thuốc cũng dùng chữa viêm miệng, viêm Ruột do giun, viêm Gan, Mật; các hiện tượng đau thực nhiệt ở ổ bụng kể cả phụ nữ có bệnh viêm phụ khoa, hành kinh đau.
Hoàng liên a giao thang
Hoàng liên 6g, Hoàng cầm 12g, Bạch thược 12g, A giao đều 12g, Trứng gà 2 quả. Các vị trên sắc xong, cho A giao vào khuấy tan, rồi cho trứng vào khuấy đều, uống nóng.
Trị âm hư, hỏa vượng, Tâm phiền, mất ngủ, lưỡi đỏ, rêu khô, mạch tế sác.
“Đan khê tâm pháp”
Bài Tả kim tán
Hoàng liên tẩm nước Gừng sao 60g Ngô thù du tẩm nước Muối sao 10g
Cùng tán nhỏ, ngày uống 4-6g. Có tác dụng thanh tả Can hỏa.
Trị Can khí phạm Vị gây ra hông sườn đau, Dạ dày viêm loét cẩp và mạn, nôn mửa ợ chua, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Bài này cũng chữa Can khí phạm Vị, Thổ không sinh được Kim, gây ho nhiệt, sườn đau.
“Y học chính truyền”
Bài Liên phụ lục nhất thang
Hoàng liên 24g, Phụ từ 4g, thêm Gừng táo, sắc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng tả Can hỏa, chỉ Vị thống.
Trị Vị quản, Dạ dày đau. Bài này ôn hơn bài Tả kim tán.
Hoàng liên gấp 6 lần Phụ tử cho nên gọi Liên phụ lục nhất.
“Thánh tế tổng lục”
Bài Hương liên hoàn
Hoàng liên 100g (bỏ rễ, sao chung với Ngô thù, rồi bỏ Ngô thù đi), Mộc hương 100g (quấn giấy bản thấm ướt rồi nướng).
Cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 4-6g, ngày 2 lần. Có tác dụng hòa Tỳ, Vị, điều khí trệ.
Trị tiêu chảy do thử tà, lỵ ra máu mủ.
“Hòa tễ cục phương”
Bài Mậu kỷ hoàn
Hoàng liên, Ngô thù, Bạch thược-mỗi vị 40g.
Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 6-8g, ngày 2 lần, uống lúc đói.
Có tác dụng thanh nhiệt, hóa thấp, hòa huyết, chỉ thống.
Trị Tỳ kinh bị thấp làm hại, tiêu chảy không cầm, thức ăn không tiêu, Dạ dày đau, loét, ợ chua (Can, Tỳ bất hòa)
“Lan thất bí tàng”
Bài Thanh vị tán
Đương quy 1,5g, Thăng ma 4g, Sinh địa 1,5g, Đan bì 2g, Hoàng liên l,5g.
Cùng tán nhỏ, chia uống vài lần trong ngày.
Có tác dụng thanh Vị, lương huyết.
Trị Vị tích nhiệt, răng đau. (rêu lưỡi vảng, mạch hoat sác). Bài này gia giảm có thể chữa đau thần kinh tam thoa, viêm miệng.
Gia giảm: Táo bón gia Đại hoàng, Mang tiêu.
Miệng khát thích uống nước lạnh bỏ Đương quy, thêm Huyền sâm, Thiên hoa phấn để dưỡng âm, sinh tân.
Đau răng do phong hỏa thêm Phòng phong, Bạc hà để khu phong, chỉ thống.
Các bài thuốc thường dùng:
Não huyết thông ẩm (thuốc uống thông mạch máu não)
Toàn trùng 10g
Bán hạ 10g
Toàn qua lâu 30g
Xuyên khung 15g
Linh chi 10g
Bồ hoàng 10g
Hoàng liên 10g
Cân đằng 30g
Cương tàm 10g
Chỉ thực 10g
Rết 5 con
Xích thược 15g
Đan sâm 30g
Sắc 2 nước, trộn lẫn, uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm, tối. 30 ngày là 1 liệu trình. Dùng cho người do bị xơ cứng động mạch não dẫn tới đau đầu, đầu luôn bị váng, hay quên, trong lòng buồn bực mà phiền não, hay bị buồn nôn, tê liệt nửa người, mệt mỏi không có lực.
Giới bạch thang gia giảm (thang hoàng liên, giới bạch)
Qua lâu 15g – Uất lý nhân 6g
Chỉ thực sao 3g – Giới bạch 9g
Lộ lộ thông 6g
Pháp bán hạ 9g
Hậu phác 3g
Khương hoàng 3g
Hoàng liên 3g
Giáng hương 9g
Sắc uống ngày 1 thang.
Dùng cho người tính tình nóng nảy, hay cáu gắt ở thời kỳ đầu mới mắc bệnh, tự cảm thấy trong họng có cái gì vương vướng, dần dần lại thấy có cảm giác bị tắc nghẽn, thậm chí hơi đau, không thiết ăn uống, ngực và bụng cảm thấy trướng, ợ hơi, sau khi làm mệt thường thấy tim đập mạnh, tâm tình hoảng hốt, ngủ không ngon giấc, nhiều mộng mị v.v…
Nhị hoàng gia giảm thang (thang gia giảm nhị hoàng)
Hoàng liên 5g – Sài hồ 10g
Hoàng cầm 10g – Cát ngạnh 10g
Bán hạ 10g – Qua lâu bì 10g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Kiêng ăn chất béo.
Dùng cho người đầu váng mắt hoa, đứng không vững, động làm là nôn mửa, trong lòng buồn bực, tim đập hoảng hốt, không thiết ăn uống, tức ngực, phiền não, họng khô miệng đắng, mắt hoa, tai trong ù v.v…
Chỉ ẩu thang (thuốc chống buồn nôn)
Hoàng liên 0,6g – Tô diệp 2g
Sắc uống thay trà, ngày 1 thang. Dùng cho người ốm nghén hay buồn nôn.
Thanh tâm tả hoả thang (thuốc thanh tâm hạ nhiệt).
Hoàng liên 2g – Sinh địa 6g
Hoàng cầm 4g – Phục linh 8g
Sơn chi sao 4g – Thạch cao sống 15g
Sắc uống ngày 1 thang. Chữa trẻ con bị nhiệt miệng, tưa lưỡi, bí ỉa đái ít một, nước đái đỏ.
Vị ninh ẩm (thuốc ổn định dạ dày)
Hoàng liên 500g – Sơn tra 1000g
Đường trắng 500g – Giấm 500ml
Thêm nước sôi 4000ml, ngâm hỗn hợp 7 ngày là có thể đem ra dùng được. Uống ngày 3 lần sau bữa ăn, mỗi lần 50ml.
Dùng cho người bị viêm co thắt dạ dày.
Hoàng liên dịch (dung dịch hoàng liên)
Hoàng liên vừa phải, sắc thành dung dịch 100% để uống, chữa bệnh ho bách nhật. Cũng có thể lấy dung dịch 10% thấm vào băng vải mỏng, nhét vào khoang mũi, chữa bệnh viêm co thắt mũi.
Phúc phương nhị phân cao (cao nhị phấn kép)
Thanh phấn 9g – Huyết kiệt 9g
Hoàng liên 30g – Hồng phân 9g
Thanh đại 9g – Sáp ong 90g
Hổ phách 9g – Nhũ hương 15g
Dầu thơm 300ml – Ngọc trai sao 0,1g
Thuốc nghiền chung thành bột dùng sau. Đổ dầu thơm vào chảo đun sôi, cho sáp ong vào cho tan,, dập lửa chờ nguội, đổ bột thuốc vào trộn đều cho nhuyễn thành cao. Khi nào dùng thì bôi vào chỗ đau.
Dùng cho người bị kết hạch, chi dưới viêm loét, phụ nữ bị viêm loét âm bộ.
Hoàng liên tán (bột hoàng liên)
Hoàng liên vừa phải nghiền bột mịn, đổ vào chai sạch dùng dần.
Dùng cho người da thịt bị nung mủ hoặc mọng nước, mọng nước thường, mọng nước cả mảng, viêm lỗ chân lông thường xuyên, bị loét, bị nhọt, bị bỏng ngoài da.
Hoàng liên kê tử thang (thang hoàng liên, trứng gà)
Hoàng liên 10g – Bạch thược 15g
Huyền sâm 20g – Hoàng cầm 10g
Ngũ vị tử 15g – Sinh giả thạch 30g
Cam thảo 10g – Sinh địa 20g
Trai ngọc 30g – Keo da lừa 15g
Táo nhân 20g – Dạ giao đằng 30g.
Lòng đỏ trứng gà : 1 quả
Các vị thuốc trên sắc 2 nước, trộn lẫn, đun sôi lên, cho lòng đỏ trứng gà vào chần, uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống hết.
Dùng cho người bị uất ức về tư tưởng, tình cảm, không ngủ được, ngũ tâm phiền nhiệt, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt tiều tụy, ánh mắt đờ đẫn, biểu hiện bệnh trạng của các giác quan thần kinh.