HOÀNG CẦM
Radix Scutellariae
            Dược liệu là rễ cây hoàng cầm – Stecullaria baicalensis Georgi, họ Hoa môi – Lamiaceae
Đặc điểm thực vật và phân bố.
Cây thuộc thảo, sống nhiều năm, thân có 4 cạnh, lá mọc đối, dài 1,5-4cm, rộng 3-8mm, phiến lá hình mác hẹp, gần như không cuống, mép lá nguyên và có lông. Hoa mọc hướng về một phía ở ngọn. Cứ mỗi nách lá có một hoa. Hoa hình môi, màu xanh lơ. Cây đã được trồng thí nghiệm ở Sapa, chưa phát triển. Vị thuốc còn phải nhập.
            Thu hái: rễ, thu hái vaò mùa xuân hoặc mùa thu, đào về bỏ rễ con, bỏ thân, lá, phơi gần khô thì đập bỏ lớp vỏ ngoài rồi lại phơi khô.
Đặc điểm dược liệu.
Dược liệu hình chuỳ trên to dưới nhỏ, có vết tích của rễ con, có thớ vặn, dài 8-20cm, đường kính 1-3cm, mặt ngoài màu vàng thẫm, chất dòn dễ bẻ, mặt bẻ màu vàng, giữa có lõi màu nâu hoặc những vụn mục màu nâu đen.
            Khi bị ẩm mặt bẻ chuyển thành màu xanh vàng. Vị đắng. Rễ to, dài, rắn chắc, màu vàng, đã loại sạch vỏ là tốt. Nếu ngắn, xôp, mặt bẻ màu vàng thẫm là loại kém.
Chế biến: hoàng cầm, ngâm nước một lúc vớt ra để đống một đêm cho mềm, thái lát phơi khô. Không nên phơi nắng to và lâu vì sẽ bị xẫm màu. Trong y học dân tộc cổ truyền còn chế “tửu hoàng cầm” và “hoàng cần thán”.
Tửu hoàng cầm: Hoàng cầm đã thái lát đem phun rượu cho ướt, trộn đều, dùng lửa nhỏ sao qua, lấy ra phơi khô là được. Cứ 100g hoàng cầm thì dùng 10-15g rượu.
Hoàng cầm thán: Hoàng cầm đã thái nhát, đem sao lửa cho đến cháy xém nhưng vẫn còn tồn tính, phun nước vào, lấy ra phơi khô là được.
Thành phần hóa học.
            Từ rễ hoàng cầm có nhiều hợp chất flavonoid đã được phân lập và xác định cấu trúc. Các chất quan trọng là baicalin, baicalein, scutellarein, scutellarin, wogonin.
Baicalein           R=H,   R1= H
Baicalin            R=glc A, R1= H           
Scutellarein  R= H,   R1=OH
Scutellarin         R= glc A, R1=OH
Wogonin
            Ngoài thành phần flavonoid trong rễ hoàng cầm còn có tanin thuộc nhóm pyrocatechic (2-5%), nhựa.
            Thân và lá cũng có flavonoid.
Bột hoàng cầm: màu vàng, soi kính hiển vi thấy: mô mềm với tế bào chứa tinh bột, các hạt tinh bột có đường kính 4-11mm có hạt kép đôi, ba; sợi hình thoi dài 170-230mm có khi đứng riêng lẻ có khi kết với nhau thành bó; tế bào mô cứng có thành dày; mạch mạng và mạch chấm.
Định lượng flavonoid. Dược điển Trung quốc qui định hàm lượng flavonoid trong rễ hoàng cầm không dưới 4% tính theo baicalin. Định lượng bằng phương pháp đo phổ tử ngoại dịch chiết ở bước sóng 279±1nm và tính theo E1%1cm của baicalin là 673.
Tác dụng.
– Hoàng cầm có tác dụng hạ nhiệt.
– Có tác dụng kháng khuẩn.
– Làm giảm các triệu chứng của bệnh cao huyết áp.
– Tăng sức và làm chậm nhịp tim.
– Làm giảm co thắt cơ trơn của ruột.
– Có tác dụng an thần.
            – Y học dân tộc cổ truyền dùng hoàng cầm để chữa sốt, ho, lỵ, ỉa chảy, mắt đỏ sưng đau, chảy máu cam, mụn nhọt, thai động không yên. Ngoài ra còn chữa viêm dạ dày và ruột.
Dùng dưới hình thức thuốc sắc với liều 12g một ngày, người lớn có thể dùng 30-50g một ngày.
            – Baicalein cũng được chiết xuất và chuyển thành dạng ester phosphat (để tăng độ tan), dùng để chữa các bệnh dị ứng.
            – Hoàng cầm cũng được dùng dưới dạng cồn thuốc Tinctura Scutellariae để chữa bệnh cao huyết áp, nhức đầu, mất ngủ. Uống lâu không thấy có tác dụng phụ.
 https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

0/50 ratings
Bình luận đóng