Tên khác: Hoàng cúc – Cam cúc – Dã cúc (TQ)
Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L.
Họ: Cúc (Asteraceae)
1 . Mô tả, phân bổ
Là loại cây thảo sống hàng năm, có nhiều cành, cao độ 80 – 90cm. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng, xẻ thành thùy sâu mép có răng cưa. Hoa tự đầu, hình cầu nhỏ, màu vàng, có mùi rất thơm.
Hoa mọc đầu cành hay ở kẽ lá. Cúc hoa vàng được trồng nhiều ở nước ta để lấy hoa làm thuốc, ướp chè… Cây được trồng nhiều nhất là ở Nghĩa Trai (Hưng Yên), Nhật Tân (Hà Nội), Hà Nam…
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của Cúc hoa vàng là hoa. Hoa được thu hái vào mùa thu – Xuân (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau) và có thể thu hái từ 5 – 7 đợt. Thu hái vào lúc sáng sớm khi tiết trời khô ráo. Hoa được hái về quây cót sấy sinh (trong 2 – 3 giờ) cho đến khi hoa chín mềm là được, xong đem nén chặt (khoảng 1 đêm) đến khi thấy nước đen chảy ra thì đem phơi nắng nhẹ hay sấy nhẹ cho khô. Cúc hoa đã chế biến có mùi thơm mát, vị hơi ngọt và đắng. Cúc hoa đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Trong hoa cúc vàng có tinh dầu, vitamin A, B1 và một số chất khác như adenin, cholin và sắc tố.
4. Công dụng, cách dùng
Cúc hoa vàng có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, làm sáng mắt, tăng thị lực, giải độc, hạ huyết áp. Dùng chữa các chứng bệnh nhức đầu chóng mặt, cảm sốt, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, mụn nhọt, lở ngứa.
Cách dùng: Uống 8 – 10g/ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc hãm, dùng ngoài rửa mắt đau, đắp mụn nhọt.