7. Chế tạo dầu mỡ:

    a. Chế tạo dầu mỡ thực vật:
Để chế tạo dầu mỡ nguồn gốc thực vật có thể dùng các phương pháp: Ép, chiết bằng dung môi hữu cơ và phương pháp kết hợp.
* Phương pháp ép: Có 2 loại, ép nóng và ép nguội. Đa số dầu được điều chế bằng phương pháp ép nóng. Một số theo yêu cầu sử dụng thì mới điều chế bằng phương pháp ép nguội (ví dụ dầu thầu dầu). Nguyên liệu trước hết cần phải được loại các tạp chất như đất đá, mảnh kim loại v.v… và loại vỏ. Để tăng độ xốp khi ép, người ta thường để lại 15% vỏ hạt. Nghiền nhỏ nguyên liệu và đóng thành bánh. Nếu ép nóng phải qua giai đoạn đồ nguyên liệu rồi cho vào máy ép. Bã còn lại sau khi ép (gọi là khô dầu) sẽ được xay nhỏ và sử lý như trên để ép lại lần thứ 2. Dầu ép lần thứ nhất có phẩm chất tốt thường được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm, trong Ngành dược. Dầu ép lần thứ 2 phẩm chất xấu hơn, thường được dùng trong kỹ nghệ xà phòng v. v…
Dầu sau khi ép phải lọc để loại cặn bã, ly tâm để loại nước. Nếu dùng trong thực phẩm hoặc trong Ngành dược phải trung hoà các acid tự do.
* Phương pháp dùng dung môi: Dung môi thường dùng là benzen, aceton, ehter, ether dầu hoả, tetraclorurcarbon v.v… Nguyên liệu trước hết phải được loại tạp chất, loại vỏ, nghiền nhỏ và sấy khô. Sau khi chiết cần phải tinh chế để loại dung môi và các tạp chất khác hoà tan trong dầu.
Phương pháp này lấy kiệt được dầu, nhưng đòi hỏi phải có thiết bị kỹ thuật tinh chế tốt, nhất là đối với dầu mỡ dùng trong thực phẩm và trong Ngành dược
* Phương pháp kết hợp: Khi điều chế dầu mỡ bằng phương pháp ép, có khoảng từ 5 đến 10% dầu, do lực kết dính sẽ gắn chặt vào thành tế bào, nên dầu không ra được. Tốt nhất là kết hợp cả 2 phương pháp ép và dung môi. Đầu tiên điều chế bằng phương pháp ép dùng trong thực phẩm và Ngành dược, bã sau khi ép được chiết kiệt bằng dung môi hữu cơ. Dầu này dùng trong kỹ nghệ xà phòng và các ngành kỹ nghệ khác.
    b. Chế tạo dầu mỡ động vật:
Nguyên liệu nguồn gốc động vật đòi hỏi phải có thiết bị bảo quản tốt. Vì khác với nguyên liệu nguồn gốc thực vật, loại nguyên liệu này rất dễ bị thiu thối. Trước khi đưa vào chế tạo, nguyên liệu cần được bảo quản trong các phòng lạnh, khô và được xử lý qua các giai đoạn làm sạch (loại máu, thịt, gân, và các phần còn dính với mỡ) nghiền nhỏ và loại bớt nước, rồi áp dụng các phương pháp làm nóng chảy khác nhau để điều chế.
* Phương pháp làm nóng chảy ướt: Dùng hơi nước hoặc nước nóng đun với nguyên liệu. Sau một thời gian, mỡ nổi lên trên, để lắng và chiết lấy lớp mỡ ở trên.
* Phương pháp làm nóng chảy khô: Thường dùng các ống dẫn hơi nước hay nước nóng dẫn vào trong các thùng đựng nguyên liệu. Các ống dẫn hơi này có thể quay được, để đảm bảo nhiệt độ trong thùng luôn luôn đồng đều. Dùng nước nóng có thể điều chỉnh được nhiệt độ và được áp dụng để điều chế dầu mỡ cần làm nóng chảy ở nhiệt độ thấp.
Để điều chế dầu gan cá, có thể áp dụng các phương pháp đã nêu ở trên. Gan cá phải được lấy từ cá còn tươi, loại bỏ mật và các tạp chất khác rồi đưa vào chế tạo ngay. Sau đó để lắng ở nhiệt độ thấp (-5oC) để loại các tạp chất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
5/51 rating
Bình luận đóng