Mục lục
HÀ THỦ Ô TRẮNG
Tên khác: Dây sữa bò, củ vú bò, cây sừng bò, dây mốc, mã bên an, khau cần cà (Tày), chừa ma sìn (Thái), xạ ú pẹ (Dao). Tên khoa học: Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. Họ Thiên lý (Asclepiadaceae)
MỎ TẢ
Dây leo, có thân hình trụ, màu nâu nhạt, phủ đầy lông, ngọn non có lông dày hơn. Lá mọc đối, mép nguyên, mặt trên xanh lục sẫm, có lông thưa, mặt dưới phủ lông dày mịn, màu trắng nhạt.
Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá; hoa nhỏ màu vàng nâu, đài và tràng có 5 thùy, nhị dính liền thành khối.
Quả đại chẽ ra hai bên như sừng bò, dài, màu vàng nâu khi chín, có nhiều lông; hạt nhỏ, dẹt, có mào lông trắng ở đầu.
Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Mùa hoa quả: tháng 7 – 12.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Hà thủ ô trắng phân bố chủ yếu ở châu Á.
Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở các tỉnh vùng núi, trung du. Thường gặp ở đồi cây bụi, ven rừng, đất rẫy bỏ hoang.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Rễ, trông giống củ sắn, thu hái vào mùa thu, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, thái phiến mỏng, thường để sống.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Rễ hà thủ ô trắng chứa tinh bột, alcaloid.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Hà thủ ô trắng có tác dụng kích thích tiêu hóa, hạ thân nhiệt, tiêu viêm, kích thích hô hấp và nhu động ruột, lợi tiểu.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Rễ hà thủ ô trắng được dùng chữa cảm, sốt nóng, sốt rét, ra nhiều mồ hôi, sưng tấy, ít sữa, đái buốt, viêm ruột, tiêu chảy.
Liều dùng hàng ngày: 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc rượu ngâm.
Dùng ngoài, rễ và lá hà thủ ô trắng giã nát, đắp chữa rắn cắn.
Chú ý: Người gầy yếu, tạng lạnh không dùng hà thủ ô trắng.
BÀI THUỐC
– Chữa sốt nóng, sốt rét, ra nhiều mồ hôi: Rễ hà thủ ô trắng (500g), trần bì (5g), gừng sống (3g). Ba thứ tán nhỏ, ngâm vào 1 lít rượu 35° – 40°, trong 10 – 15 ngày, càng lâu càng tốt. Lọc. Pha thêm 100g đường kính.
Ngày uống hai lần, mỗi lần một cốc nhỏ.
– Chữa viêm tai giữa: Rễ hà thủ ô trắng và lá tai chuột, với lượng bằng nhau, giã nhỏ, lấy nước nhỏ tai, ngày vài lần.