1.Định nghĩa và vai trò mô che chở:
+ Mô che chở là các mô được chuyên hóa từ mô phân sinh, có nhiệm vụ bảo vệ các bộ phận của cây chống tác dụng có hại của môi trường ngoài như sự xâm nhập của các giống ký sinh, điều hòa sự bay hơi nước quá mạnh, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Mô che chở ở mặt ngoài của các cơ quan của cây. các tế bào xếp xít nhau và vách tế bào biến thành một chất không thấm nước và khí.
+ Thực hiện chức năng trao đổi với môi trường bên ngoài: hơi nước, khí.
2. Phân loại mô che chở :
- Biểu bì
Biểu bì cấu tạo bởi một lớp tế bào sống bao bọc các phần của cây Vách ngoài của tế bào biểu bì đã hóa cutin thành tầng cutin không thấm nước và khí, Chất cutin do chất tế bào tạo ra thấm qua vách cellulose ra ngoài Tầng cutin dày hay mỏng tuỳ theo điều kiện khí hậu. Ở khí hậu khô khan thì tầng cutin dày ở khí hậu ẩm ớt thì tầng cutin mỏng. Tầng cutin có thể lồi lên trước mặt mỗi tế bào hoặc có những đường vân đặc sắc cho một số cây.
Trên biểu bì còn có hai bộ phận rất quan trọng đối với việc kiểm nghiệm dược liệu đó là lỗ khí và lông.
Dưới biểu bì có 1-2 lớp tế bào hạ bì là những lớp tế bào chứa đầy nước và kích thước lớn hơn tế bào biểu bì, ở ngay dưới biểu bì trước lớp mô giậu
a. Lỗ khí
Lỗ khí là những lỗ thủng trong biểu bì, dùng để trao đổi khí. Mỗi lỗ khí cấu tạo bởi hai tế bào hình hạt đậu gọi là tế bào lỗ khí mang nhiều lạp lục, úp vào nhau bởi mặt lõm, để hở một khe nhỏ gọi là khe lỗ khí thông với một khoảng trống ở dưới gọi là khoang dưới lỗ khí. Để giảm bớt hơi nước, lỗ khí có thể đặt ở đáy một cái hố nhỏ gọi là giếng, hoặc các lỗ khí có thể tập trung trong một hốc nhỏ khoét trong lá và phủ đầy lông gọi là phòng ẩn lỗ khí, hoặc đặt trong những cái rãnh.
Tế bào lỗ khí thường đi kèm với 1. 2, 3, 4 tế bào kèm gọi là tế bào bạn, hình dạng khác hẳn các tế bào biểu bì ở xung quanh. Số lượng và vị trí của các tế bào bạn là những đặc điểm mà người ta có thể sử dụng để kiểm nghiệm các dược liệu. Thông thường, người ta phân biệt 5 kiểu lỗ khí, dựa vào các tế bào bạn, như sau:
+ Kiểu hỗn bào: Lỗ khí bao bọc bởi những tế bào bạn giống tế bào biểu bì.
+ Kiểu trực bào : Lỗ khí bao bọc bởi hai tế bào bạn xếp thẳng góc với khe lỗ khí.
+Kiểu dị bào : Lỗ khí được bao bọc bởi ba tế bào bạn trong đó có một tế bào nhỏ hơn hai tế bào kia.
+ Kiểu song bào : Lỗ khí bao bọc bởi hai tế bào bạn song song với khe lỗ khí.
– Kiểu vòng bào: Lỗ khí được bao quanh bởi các tế bào bạn xếp nối tiếpnhau theo chiều dài thành một vòng đai liên tục.
b. Lông che chở
Lông che chở là những tế bào biểu bì mọc dài ra ngoài để tăng cường vai trò bảo vệ, hoặc để giảm bớt sự thoát hơi nước. Tế bào của lông có thể vẫn còn sống hoặc đã chết và chứa đầy không khí làm cho lớp lông có màu trắng. Hình dạng các lông rất quan trọng để phân biệt các loài. Dưới đây là một số dạng lông thường gặp:
Lông đơn bào: Cấu tạo bởi một tế bào, thẳng hay cong, có khi phân thành nhánh
Lông đa bào: Cấu tạo bởi nhiều tế bào xếp thành một dãy.
– Lông hình thoi: Cấu tạo bởi một tế bào hình thoi. nằm ngang, song song với mặt biểu bì, dính ở giữa trên một tế bào chân ngắn.
– Lông tỏa tròn: Cấu tạo bởi một chân ngắn và một đầu đa bào từ chân đó mọc tỏa ra trong một mặtphẳng. Nếu các tế bào từ chân lông toả ra khắp mọi phía trong không gian. ta có lông hình sao.
– Lông ngứa : cấu tạo bởi một tế bào chứa acid formic. Đầu ngọn lông có silic nên giòn, dễ gãy khi
chạm vào da người, để giải phóng chất ngứa ở trong lông vào trong da.Lông này có tác dụng bảo vệ cây khỏi bị súc vật ăn. Ngoài các lông che chở nói trên, biểu bì còn có thể mang lông tiết
- Bần và thụ bì
a.Bần
Cấu tạo bởi nhiều lớp tế bào chết, bao bọc các phần già của cây. Tất cả các vách tế bào đã biến thành chất bần (suberin) không thấm nước và khí, có tính co dãn. do đó tế bào bần là những tế bào chết, chứa đầy không khí cho nên có tác dụng bảo vệ cây chống lạnh hiệu quả. Bần được tạo thành bởi tầng sinh bần cho nên có cấu tạo bởi những tế bào hình chữ nhật xếp rất đều thành dãy xuyên tâm và vòng tròn đồng tâm.
Sự trao đổi khí xảy ra qua những khe hở gọi là lỗ vỏ chứa đầy tế bào tròn gọi là tế bào bổ sung. Các lỗ vỏ này tạo thành những nốt sần ở ngoài mặt vỏ cây, dễ dàng trông thấy bảng mắt thường rất rõ.
b.Thụ bì:
Lớp bần sau khi được tạo thành, ngăn cách các mô ở phía ngoài lớp bần đó với các mô ở phía trong làm cho các mô ở phía ngoài khô héo dần rồi chết, tạo thành thụ bì là một lớp mô che chở phủ thêm
lên mặt ngoài lớp bần. Người ta gọi bần và các mô đã chết ở phía ngoài là vỏ chết.
c.Chu bì:
Tập hợp của ba lớp: Bần. tầng sinh bần và lục bì. Những loài có tầng sinh bần hoạt động một thời gian rồi được thay bằng tầng sinh bần mới thì cứ mỗi tầng sinh bần và các mô bần bên ngoài cùng với lục bì bên trong nó được gọi là chu bì.