ĐỊNH NGHĨA MÔN HỌC
Dược liệu học là môn học chuyên môn trong chương trình đào tạo dược sĩ đại học. Thuật ngữ “Dược liệu học” tromg tiếng Anh là “Pharmacognosy” có nghĩa là các hiểu biết về thuốc do Seydler đưa ra vào năm 1815,  được ghép từ 2 từ Latinh (gốc Hy Lạp) là pharmakon (nghĩa là thuốc) và gnosis (nghĩa là hiểu biết).
Ngày ngay, môn Dược liệu học thường được quan niệm là khoa học về các nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc sinh học. Đây là môn học nghiên cứu về sinh học và hóa học những nguyên liệu dùng làm thuốc có nguồn gốc sinh vật mà trong đó các cây thuốc là đối tượng chính. Nội dung môn học sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức bao gồm nguồn gốc, thành phần hóa học, kiểm nghiệm, tác dụng và công dụng của dược liệu. Yêu cầu chủ yếu là xác định được sự thật giả, đánh giá được chất lượng và hướng dẫn sử dụng dược liệu.
Trước đây, nguồn nguyên liệu tự nhiên làm thuốc tập trung chủ yếu vào các nguyên liệu trên cạn. Ngày nay, các dược liệu từ nguồn tài nguyên biển cũng rất được chú ý. Các nguồn nguyên liệu tự nhiên cung cấp các chất nội tiết (động vật), các kháng sinh (vi sinh vật) và các cây độc, nấm độc, các cây cỏ gây dị ứng, các cây diệt côn trùng cũng được đề cập tromg một số chương trình giảng dạy môn Dược liệu ở một số nước. Đối tượng nghiên cứu của dược liệu học hiện nay còn là các sinh vật sử dụng trong hương liệu và mỹ phẩm.
Dược liệu học ngày nay tập trung vào nghiên cứu bốn lĩnh vực chính:
 – Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.
 – Kiểm nghiệm và tiêu chuẩn hóa dược liệu.
 – Chiết xuất dược liệu.
 – Nghiên cứu thuốc mới từ dược liệu.
Dược liệu có thể là tất cả các bộ phận của cây hoặc con thuốc hoặc chỉ là một hay vài bộ phận của chúng. Những chất tiết ra hay được tách chiết ra từ cây cỏ hoặc động vật như gôm, nhựa, sáp, tinh dầu, dầu mỡ cũng thuộc phạm vi dược liệu. Theo quan niệm hiện nay thì môn dược liệu không chỉ nghiên cứu nguyên liệu thô mà cả những tinh chất chiết ra từ dược liệu ví dụ hoa Hòe và rutin, lá Dương địa hoàng và digitalin, rễ Ba gạc và reserpin, Dừa cạn và vinblastin.
Không có một ranh rới rõ ràng giữa cây con làm thuốc với các loại cây khác như cây lương thực, cây công nghiệp, cây cảnh, cây gia vị… Ví dụ như Cà phê, Trà, Gừng, Quế… là các dược liệu nhưng cũng đồng thời là các dược liệu nhưng cũng đồng thời là nguyên liệu dùng trong thực phẩm.
Là một trong môn học chuyên môn, môn dược liệu có liên quan đến những môn học khác như thực vật, hóa hữu cơ, hóa phân tích và dược lý. Do đó sinh viên cần liên hệ kiến thức của các môn học trên khi học môn dược liệu.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU

THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

0/50 ratings
Bình luận đóng