3. Phân bố trong thiên nhiên

3.1. Alcaloid có phổ biến trong thực vật, ngày nay đã biết khoảng trên 6000 alcaloid từ hơn 5000 loài, hầu hết ở thực vật bậc cao chiếm khoảng 15-20% tổng số các loài cây, tập trung ở một số họ: Apocynaceae (họ Trúc đào) có gần 800 alcaloid, Papaveraceae (họ Thuốc phiện) gần 400 alcaloid, Fabaceae (họ Đậu) 350 alcaloid, Rutaceae (họ Cam) gần 300 alcaloid, Liliaceae (họ Hành) gần 250 alcaloid, Solanaceae (họ Cà) gần 200 alcaloid, Amaryllidaceae (họ Thủy tiên) 178 alcaloid, Menispermaceae (họ Tiết dê) 172 alcaloid, Rubiacea (họ Cà phê) 156 alcaloid, Loganiaceae (họ Mã tiền) 150 alcaloid, Buxaceae (họ Hoàng dương) 131 alcaloid, Asteraceae (họ Cúc) 130 alcaloid, Euphorbiaceae (họ Thầu dầu) 120 alcaloid…
Có những họ có tới trên 50% loài cây chứa alcaloid như Ranuculaceae, Berberidaceae, Papaveraeae, Buxaceae, Cactaceae.
Ở nấm có alcaloid trong nấm cựa khỏa mạch (Claviceps purpurea), nấm Amanita phalloides.
Ở động vật, cũng đã tìm thấy alcaloid ngày càng tăng, alcaloid samandarin, samandaridin, samanin có trong tuyến da của loài kỳ nhông Salamandra maculosaSalamandra altra. Bufotenin, bufotenidin, dehydrobufotenin lấy từ nhựa cóc (Bufo bufo gargorizans, B. bufo asiaticus, B. melansiticus… – Bufobudae). Batrachotoxin có trong tuyến da của loài ếch độc (Phyllobates aurotaenia).
3.2. Trong cây, alcaloid thường tập trung ở một số bộ phận nhất định. Ví dụ: Alcaloid tập trung ở hạt như Mã tiền, Cà phê, Tỏi độc… ở quả như Ớt, Hồ tiêu, Thuốc phiện; ở lá như benladin, Coca, Thuốc lá, Chè…; ở hoa như Cà độc dược…; ở thân như Ma hoàng; ở vỏ như Canhkina, Mức hoa trắng, Hoàng bá; ở rễ như Ba gạc, Lựu, ở củ như Ô đầu, Bình vôi; Bách bộ…
3.3. Rất ít trường hợp trong cây chỉ có một alcaloid duy nhất mà thường có hỗn hợp nhiều alcaloid, trong đó alcaloid có hàm lượng cao được gọi là alcaloid chính, còn những alcaloid khác hàm lượng thấp hơn thường gọi là alcaloid phụ. Những alcaloid trong cùng một cây thường có cấu tạo tương tự nhau nghĩa là chúng có một nhân cơ bản chung. Ví dụ: Isopelletierin và metyisopelletierin trong vỏ rễ Lựu đều có nhân piperidin; các chất tropin, hyoscyamin, atropin trong lá Benladon đều có nhân tropan.
Các alcaloid ở trong những cây cùng một họ thực vật cũng thường có cấu tạo rất gần nhau. Ví dụ: Alcaloid trong một số cây họ Cà như Atropa belladonna L., Hyoscyamus niger L.; Datura metel L., Datura stramonium L., Datura tatula L. đều có chung nhân tropan. Nhưng cũng có những cây trong cùng một họ thực vật mà chứa những alcaloid hoàn toàn khác nhau về cấu trúc hóa học. Ví dụ: Một số cây trong họ Cà phê (Rubiaceae) như cây Cà phê có cafein (nhân purin), cây Ipeca có emetin (nhân isoquinolin), cây Canhkina có quinin (nhân quinolin).
Cũng có alcaloid có thể gặp ở nhiều cây thuộc những họ khác nhau như ephedrin có trong Ma hoàng (họ Ma hoàng – Ephedraceae), trong cây Thanh tùng (họ Kim giao – Taxaceae), trong cây Ké đồng tiền (họ Bông – Malvaceae). Becberin có trong cây Hoàng liên (họ Hoàng liên – Ranunculaceae), cũng có trong cây Hoàng bá (họ Cam – Rutaceae), có trong cây Vàng đắng (họ Tiết dê – Menispermaceae)…
3.4. Hàm lượng alcaloid trong cây thường rất thấp, trừ một số trường hợp như cây Canhkina hàm lượng alcaloid đạt 6-10 %, trong nhựa thuốc phiện (20-30%). Một số dược liệu chưa 1-3% alcaloid đã được coi là hàm lượng khá cao.
Hàm lượng alcaloid trong cây phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khí hậu, ánh sáng, chất đất, phân bón, giống cây, bộ phận thu hái và thời kỳ thu hái. Vì vậy đối với mỗi dược liệu cần nghiên cứu cách trồng trọt, thu hái và bảo quản để có hàm lượng hoạt chất cao.
3.5. Trong cây, alcaloid ít khi ở trạng thái tự do (alcaloid base), mà thường ở dạng muối của các acid hữu cơ như citrat, tactrat, oxalat, acetat… (đôi khi có ở dạng muối của acid vô cơ) tan trong dịch tế bào, ở một số cây alcaloid kết hợp với tanin hoặc kết hợp với acid đặc biệt của chính cây đó như acid meconic trong Thuốc phiện, acid tropic trong một số cây họ Cà, acid aconitic có trong cây Ô đầu… Có một số ít trường hợp alcaloid kết hợp với đường tạo ra dạng glycoalcaloid như solasonin và solamacgin trong cây Cà lá xẻ (Solanum laciniatum).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng