Phenylalanin và tyrosin

Các acid amin thơm được chuyển hóa rất phức tạp và các chu trình chuyển hóa có liên quan chặt chẽ với nhau. Một vài men trong chu trình chuyển hóa có thể bị thiếu hụt gây ra bệnh với những biểu hiện ở mắt. Bình thường phenylalanin được chuyển hóa thành tyrosin nhờ men phenylalanin hydroxylase. Thiếu men này sẽ gây phenylketon niệu, có khả năng dẫn tối bạch biến kèm rung giật nhãn cầu vì thiếu tổng hợp melanin.

Tyrosin có thể được oxy hoá ở gan, rồi đi vào con đường chuyển hóa melanin hoặc được sử dụng ở tuyến thượng thận, tuyến giáp để tổng hợp adrenalin và thyroxin. Thiếu hụt trên quá trình oxy hoá có thể xảy ra, gây rối loạn chuyển hóa tyroxin hoặc alcapton niệu. Thiếu tổng hợp melanin gây bạch tạng.

Bạch tạng

Sinh hoá: melanin được sản sinh bởi các hắc tố bào (melanocyt). Hắc tố bào phát triển từ nguyên bào hắc tố (melanoblast) có nguồn gốc từ mào thần kinh nguyên thuỷ. Ngoại trừ tế bào biểu mô sắc tố võng mạc có nguồn gốc từ cốc thị giác. Trong các hắc tố bào, có các bào quan chứa tyrosinase gọi là thể tiền melanin (premelanosome). Melanin được hình thành khi các thể tiền melanin biến thành thể melanin và cuối cùng là các hạt sắc tố. Tyrosinase là men chứa đồng. Men này chuyển tyrosin thành dopa (hydroxyphenylalanin). Tuy nhiên, tham gia vào phản ứng này có các men khác như peroxydase. Dopa chuyển thành dopachrom và cuối cùng là indole. Chất này liên hợp với protein rồi bị polyme hoá thành melanin. Men tyrosinase có thể được xác định bằng cách ủ một chân tóc của bệnh nhân trong dung dịch tyrosin, chân tóc sẽ biến thành màu đen nếu có men tyrosin. Có 3 thể bạch biến chính:

Bạch tạng hoàn toàn hay bạch tạng thể tyrosinase âm tính

Bạch tạng không hoàn toàn hay bạch tạng thể tyrosinase dương tính

Bạch tạng mắt

  • Bạch tạng hoàn toàn

Bệnh nhân có tóc trắng, nước da rất hồng và rất nhạy cảm với bức xạ mặt tròi. Lông mày và lông mi đều trắng. Mống mắt màu xanh hồng nhạt để ánh sáng xuyên qua dễ dàng. Ánh đồng tử đỏ do ánh sáng phản xạ từ võng mạc và mạch máu của màng bồ đào trên nền củng mạc màu trắng. Thường không có ánh trung tâm hoàng điểm. Soi đáy mắt thấy hắc mạc không có sắc tố. Một số trường hợp vẫn có sắc tố ở lớp tế bào biểu mô sắc tố võng mạc.

Thị lực kém kèm theo rung giật nhãn cầu, sợ ánh sáng. Nguyên nhân do thiếu sắc tố cần thiết cho hấp thụ ánh sáng và một phần có thể do hoàng điểm kém biệt hoá. Tật khúc xạ cao và các bất thường khác như không có mống mắt, hoặc khuyết mống mắt.

Điều trị các triệu chứng mắt bằng cách đeo kính râm, hoặc đeo kính áp tròng có một lỗ nhỏ, trong ở trung tâm.

Di truyền: bệnh di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể thường.

  • Bach tang không hoàn toàn

Triệu chứng giống như bạch tạng hoàn toàn nhưng tóc, da và mống mắt đỡ nhạt màu hơn. Có thể có những nốt tàn nhang trên da. sắc tố thường phát triển muộn hơn. Thị lực thường giảm nhưng không nặng bằng thể hoàn toàn và có thể cải thiện theo tuổi.

Di truyền: thể này có thể không đồng nhất khi có nhiều men gây thiếu melanin. Bệnh thường di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể thường, nhưng cũng có trường hợp di truyền trội.

  • Bach tang mắt

Sắc tố ở cơ thể vẫn bình thường nhưng giảm hoặc không có sắc tố ở mắt. Triệu chứng ở mắt tương tự như thể trên.

Di truyền: bệnh di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể X, vì thế gặp ở nam đơn hợp tử và nữ đồng hợp tử. Nữ mang gen bệnh thường có mống mắt trong (ánh sáng có thể xuyên qua mống mắt), sắc tố đáy mắt phân bố theo hình vằn. Theo Lyon, đây là nhiễm sắc thể X bị bất hoạt không đồng đều. Một số hắc tố bào (melanocyte) có nhiễm sắc thể X hoạt động mang gen bình thường, trong khi những hắc tố bào khác có nhiễm sắc thể X hoạt động mang gen bất thường, hậu quả là sắc tố phân bố không đồng đều.

Hội chứng Chediak Higashi

Hội chứng này có thể giống bạch tạng. Trẻ bị bệnh có sức đề kháng rất kém với nhiễm khuẩn. Thường tử vong sớm. Da rất nhợt nhạt, sinh thiết da cho thấy sắc tố tụ lại thành từng hạt lớn. Bạch cầu trung tính trong máu cũng có những hạt lớn.

Di truyền: bệnh di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể thường. Nhưng nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa còn chưa rõ ràng.

Homocystin niệu

Bệnh được Carson và Niell phát hiện năm 1962 trong khi khám sàng lọc những trẻ bị trì trệ tâm thần.

Sinh hoá: đường chuyển hóa bình thường từ methionin thành cystein như sau:

 

Rối loạn chuyển hóa Acid Amin gây bệnh ở mắt

Thiếu men cystathionin sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành cystein từ homocystin, methionin sẽ bị ứ lại trong máu và homocystein trong nước tiểu.

Đặc điểm lâm sàng: khoảng 50% số trẻ bị bệnh có thiểu năng về tâm thần. Trẻ thường có tóc sáng màu, gò má đỏ, dị dạng xương, và lệch thể thủy tinh.

Vì vậy có thể nhầm với hội chứng Marfan. Một số trẻ có tinh thần bình thường, bệnh được phát hiện nhờ các triệu chứng ở mắt do lệch thể thủy tinh. Bệnh có nguy cơ bị huyết khối trong lòng mạch cao trong khi gây mê. Lệch thể thủy tinh có thể không biểu hiện ngay từ khi sinh. Thể thủy tinh thường bị lệch xuống phía dưới, ngược lại với hội chứng Marfan là thể thủy tinh hay bị lệch lên trên.

Điều trị: có nhiều chế độ ăn được đưa ra, nhưng nói chung là giảm methionin và tăng cystein. Vitamin B6 có thể làm giảm nồng độ homocystin huyết trong 50% số bệnh nhân.

Di truyền: bệnh di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể thường. Có thể chẩn đoán được trước khi sinh.

Bệnh do lắng đọng cystin

Bệnh được chia thành 3 thể: thể ở trẻ còn bú, thể ở thiếu niên, và thể ở người lớn. Thể nặng ở trẻ còn bú biểu hiện bằng hội chứng Fanconi với acid amin niệu, nhiễm acid, còi xương, suy thận. Triệu chứng quan trọng nhất ở mắt là lắng đọng các tinh thể cystin ở giác mạc, do đó bệnh nhân sợ ánh sáng, có thế loét giác mạc do hiện tượng ăn mòn. Có thể thấy các đám rối loạn sắc tố ở võng mạc. Các dấu hiệu này cũng có thể gặp ở thiếu niên và người lớn.

Sinh hoá: có thể do bất thường ở lysosome ngăn cản quá trình vận chuyển cystin từ lysosome vào bào tương làm cho các tinh thể cystin lắng đọng tại lysosome.

Di truyền: bệnh di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể thường.

0/50 ratings
Bình luận đóng