- Định nghĩa mô nâng đỡ
Mô nâng đỡ, còn gọi là mô cơ giới, cấu tạo bởi những tế bào có vách dày cứng, làm nhiệm vụ nâng đỡ, tựa như bộ xương của cây.
- Phân loại mô nâng đỡ
Tùy theo bản chất của vách tế bào, người ta phân biệt hai loại mô nâng đỡ: Mô dày và mô cứng.
2.1. Mô dày
Mô dày cấu tạo bởi những tế bào sống, có vách dày nhưng vẫn bằng cellulose. Sự dày lên của vách tế bào có thể chỉ xảy ra ở góc tế bào: Đó là mô dày góc như ở thân cây Nhọ nồi (Eclipta prostrata L.), Cà gai leo (Solanum procumbens Lour.), Bí đỏ (Cucurbita moxima L.) và Cà rốt (Daucus carota L.). Nếu sự dày lên xảy ra một cách đều đặn xung quanh tế bào: đó là mô dày tròn như ở cuống lá Gạo (Bombax malabaricum DC): khoang tế bào thành một hình tròn. Nếu vách tế bào chỉ dày lên theo hướng tiếp tuyến thôi, ta có mô dày phiến như ở thân cây Cơm cháy (Sambucus javanica Reinw ex. Blume) hoặc Rau má (Centella asiatica Urban).
Nếu giữa các tế bào của mô dày có khoang gian bào, ta gọi là mô dày xốp ví dụ: Rau muối (Chenopodium album L.), Rau diếp (Lactuca sativa L.). Mô dày thường tập trung ở xa trung tâm, tại những chỗ lồi của cuống lá và thân cây. Ví dụ: thân vuông của các cây họ Bạc hà (Lamiaceae), thân có khía dọc của các cây họ Cần (Apiaceae), cuống lá Mã đề (Plantngo major L.). Cây lớp Hành không có mô dày. Mô dày được nhuộm hồng bởi đỏ son phèn.
2.2. Mô cứng
Mô cứng cấu tạo bởi những tế bào chết có vách dày hóa gỗ ít nhiều. Vách này có nhiều ống nhỏ đi xuyên qua để cho những sự trao đổi có thể xảy ra được khi tế bào còn sống. Nhìn trước mặt thì những ống nhỏ để trao đổi hiện ra dới dạng những lỗ thủng nhỏ. Mô cứng thường đặt sâu trong những cơ quan không còn khả năng mọc dài được nữa. Có ba loại mô cứng:
a.Tế bào mô cứng
Đây là các tế bào có đường kính đều bằng nhau. Thường hình khối nhiều mặt. Vách dày hóa gỗ nhiều và có ống nhỏ trao đổi. Trên vách dày, người ta nhận thấy có những vân tăng trởng đồng tâm. Các tế bào này có thể đứng riêng lẻ như ở lá cây Tràm hoặc đứng tụ họp thành từng đám gọi là tế bào đá. Ta thường gặp các tế bào đá, trong thịt quả Lê (Pyrus pyrifolia Nakai), quả Na (Annona squamosa L.), lạo xạo dưới răng nh sau khi ta nhai phải. Các tế bào mô cứng còn có thể tạo thành những lớp dày xung quanh các hạt hoặc thành hạch cứng của các quả hạch nh Mận (Prunus salicina Lindl.), Đào (Prunus persica L. Batsch.), Trám (Cananum spp.), Táo ta (Ziziphus mauritiana Lam.), v.v…
b.Thể cứng
Là những tế bào mô cứng riêng lẻ tương đối lớn, có khi phân nhánh. Thường có trong lá Chè (Camellia sinensis O. Ktze), cuống lá cây Ngọc lan ta (Michelia alba L.).
c.Sợi mô cứng
Cấu tạo bởi những tế bào dài hình thoi. Vách rất dày, ít nhiều hóa gỗ và có nhiều ống trao đổi đi xuyên qua. Cắt ngang thấy trong vách dày có nhiều vân tăng trưởng đồng tâm; khoang tế bào rất hẹp. Tuỳ theo vị trí người ta phân biệt hai loại sợi:
+ Sợi vỏ: Ở trong phắn vỏ của cây. Tuỳ theo vị trí, người ta lại chia ra làm ba loại nữa:
+ sợi. vỏ thật: Ở trong lớp vỏ theo đúng nghĩa thực vật nghĩa là từ nội bì trở ra.
+ Sợi trụ bì: Sinh ra bởi sự biến đổi của các tế bào trụ bì.
+ Sợi libe: Ở trong libe; ví dụ: Móng rồng (Artabotrys uncinatus Baill. ex. Merr.), Na (Annona squamosa L.), Dứa Mỹ (Agave Americana L.) v.v… có thể kết tầng như ở thân cây Râm bụt (Hibiscus rosa- sinensis L.).
Đặc điểm của sợi là rất dài và hẹp. Sợi vỏ Quế (Cinnamomum cassia Presl.) dài 0,5-0,7mm; sợi vỏ Canhkina (Cinchona spp. ) dài 0,5-0,8mm; sợi Gai (Boehmeria nivea Gaud.) dài 60 -250mm – gấp 1000 lần bề ngang; sợi Gai dầu (Cannabis sativa L.) dài l0mm; sợi Lanh (Linum usitatissimum L.) 40mm. Đầu của sợi có thể nhọn hay tù; thể chất có thể khác nhau. Sợi mềm (Lanh, Gai) để dệt vải. Sợi cứng (Đay – Corchorus capsularis L., Tra làm chiếu – Hibiscus tiliaceus L.) dệt bao tải, bện thừng. Những
sợi hóa gỗ có thể nhuộm xanh bởi phẩm lục iod.
+Sợi gỗ: Ở trong phần gỗ của cây, ngắn hơn sợi libe (chỉ dài độ 2mm), vách tế bào hóa gỗ. Tế bào sợi gỗ cũng có hình thoi dài, vách dày.
- Cách phân phối các mô nâng đỡ trong cây
Mô nâng đỡ có tính chắc và tính co dán rất lớn. Thành của các tế bào mô cứng có khả năng chống gẫy không kém thép còn sức chống cong thì bằng thép. Do đó tế bào mô cứng có thể bị đè nén rất nặng mà không bị biến dạng. Các phần tử nâng đỡ của cây được sắp xếp trong các cơ quan theo đúng các quy luật cơ học. Trong thân cây tròn, chúng được xếp theo vòng tròn ở gần phía ngoài. Trong thân cây vuông, các mô nâng đỡ được đặt ở bốn góc. Trong thân, các mô nâng đỡ được sắp xếp như vậy để thích ứng với việc chống lại sự gập cong dưới tác dụng của gió. Trái lại trong rễ cây các mô cơ giới lại tập trung vào phía trung tâm của cơ quan đó, giúp rễ có thể chịu đựng được tác dụng của trọng lực đè từ trên xuống.