Hai mươi năm nay, giới y học trong nước ngóng đợi sự mầu nhiệm của dược chất taxol lấy từ cây thông đỏ Lâm Đồng. Nay đã hé mở những tín hiệu tốt lành đầu tiên.
Vườn dược liệu của Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Đà Lạt – Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Cùng thời điểm này, bốn năm trước, tôi ngược núi Voi ở cao nguyên Lang Bian (Lâm Đồng) chứng kiến quần thể những cây thông đỏ cổ thụ cuối cùng bị người ta hạ gục, xẻ gỗ tanh bành mà xót xa. Vậy mà nay ở xã ngoại ô Tà Nung cách trung tâm Đà Lạt chừng 19km, tôi lại được đi giữa một trang trại trồng hàng ngàn cây thông đỏ quý giá đã tốt ngập người. Không chỉ có 4ha ở đây, phía ngoài đầu dốc Vạn Thành cũng có một vườn với 3ha thông đỏ như thế. Những công nhân đang chăm sóc vườn nói những cây thông non này đã được trồng lần lượt từ bốn, năm năm nay, lấy giống từ cành của những cây thông đỏ cổ thụ cuối cùng trên núi Voi. Vẫn với cách giâm cành, dùng hóa chất kích thích cho ra rễ, sau đó vô bầu rồi mang đi trồng song trước đó người ta đã mất không ít năm để khảo nghiệm, thuần hóa thứ cây rừng quý giá này.  
Đi tìm tinh chất Taxol
Trên cao nguyên Lang Bian, các nhà sinh học và lâm học đã phát hiện vài quần thể thông đỏ (tên khoa học là Taxus wallichina Zucc) sót lại ở vùng rừng tự nhiên núi Voi, Cấu Đất, Cổng Trời… Các quần thể thông đỏ này teo dần theo từng năm, hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể, do nạn phá rừng và chính quyền không có cơ chế quản lý đặc biệt.
Ở trang trại thông đỏ Tà Nung và Vạn Thành, các công nhân cho hay cứ vài tháng họ cắt lấy những cành thông đỏ non đưa vào xưởng sấy rồi xay nát. Số nguyên liệu sơ chế này được đưa về Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM (thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế) để chiết tách qua nhiều công đoạn cho đến khi ra được tinh chất taxol. Dược sĩ Lê Thị Hạnh – người đã gắn bó suốt ba mươi năm qua với Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Đà Lạt (trước thuộc Viện Dược liệu, nay thuộc Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex, sau khi cổ phần hóa trung tâm này) cho hay taxol chiết tách từ thông đỏ Đà Lạt mà đơn vị bà đang triển khai thu được ở dạng tinh thể. Từ đây, tinh thể taxol được hòa với dịch truyền để chữa trị bệnh nhân ung thư, việc ứng dụng chữa trị thử nghiệm đang được thực hiện ở một bệnh viện tại TP.HCM. Bà Hạnh cũng cho biết chín dòng thông đỏ đang được trồng ở hai vườn trại nói trên là những dòng có hàm lượng chất taxol cao và tốt nhất vốn được lọc chọn ra từ 49 dòng thông đỏ có trong rừng nguyên sinh ở cao nguyên Lang Bian.
7ha thông đỏ ở hai trại thông đỏ nói trên cho thu hoạch mỗi đợt chừng nửa tấn lá tươi. Việc chế biến bước đầu cho thấy để có 1g taxol phải mất đến 1 tấn lá thông đỏ khô và để có 1 tấn lá khô phải mất đến 2,5-3 tấn lá thông đỏ tươi.
Kích hoạt một dự án lớn với Taxol
Những thành quả đầu tiên thu được với tinh chất taxol là kết quả một hành trình dài đi từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Lâm Đồng năm 2006, sau được nâng cấp thành một đề tài cấp bộ (2008) để nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, lấy nguyên liệu đến chế biến thuốc, theo dược sĩ Hạnh. Tới đây, Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Đà Lạt sẽ trồng thêm 5-9ha thông đỏ ở Tà Nung và Vạn Thành. Trong vườn ươm của trung tâm, hàng vạn

cây thông đỏ giống đang được nhân trồng.

Dù vẫn rất thận trọng khi nói về những bệnh nhân ung thư đang được điều trị bằng hoạt chất taxol chiết xuất từ thông đỏ Đà Lạt, ông Vương Chí Hùng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Đà Lạt, xác nhận cuối tháng 3 tới, Vimedimex sẽ xin cấp phép cho dự án lập nhà máy chế biến dược phẩm taxol đầu tiên ở VN với kinh phí đầu tư 100 tỉ đồng, quy mô sản xuất 5-10kg taxol/năm. Mỗi năm, toàn VN có 150.000 bệnh nhân ung thư, theo đó, lượng taxol và taxotere cần cho việc chữa trị phải có từ 5-9kg. Vì vậy, nguồn lá thông đỏ cần cho việc chủ động sản xuất thuốc chữa trị ung thư mỗi năm có thể lên đến trên 100 tấn. Vimedimex dự kiến đến năm 2012 sẽ đưa ra thị trường sản phẩm này ở dạng thuốc tiêm.

0/50 ratings
Bình luận đóng