VI. ĐỊNH LƯỢNG:

            Có nhiều phương pháp:
Phương pháp bột da. Nguyên tắc của phương pháp: chiết tanin trong dược liệu bằng cách đun với nước cất nhiều lần cho đến khi nước cất âm tính với thuốc thử sắt ba rồi chia nước chiết thành 2 mẫu. Một mẫu trích một thể tích chính xác đem bốc hơi, sấy khô, cân; mẫu còn lại thì cho thêm bột da, quấy lọc, phần dịch lọc trích một thể tích như trên đem bốc hơi rồi cân. Sư chênh lệch khối lượng giữa 2 lần cho phép ta tính được hàm lượng tanin. Có khi người ta phối hợp phương pháp này với các phương pháp khác (xem ở dưới) để thay giai đoạn cân.
Phương pháp oxy hoá. (Phương pháp Lowenthal)
            Chiết tanin trong dược liệu bằng nước như phương pháp trên. Pha loãng rồi chuẩn độ bằng dung dịch KMnO4 0,1N, chỉ thị màu là dung dịch sulfo-indigo, 1ml KMnO4 tương ứng với 4,157mg tanin.
            Dược điển Việt Nam và Liên Xô qui định định lượng tanin bằng phương pháp này.
            Vì trong dược liệu ngoài tanin cũng còn một số chất khác cũng bị KMnO4 oxy hoá nên có khi người ta chuẩn độ trước và sau khi loại tanin bằng gelatin có mặt của kaolin hoặc loại tanin bằng than xương hoặc bột da. Phương pháp này cũng không thật chính xác vì dung dịch KMnO4 trong môi trường acid chỉ oxy hoá các dẫn chất o. hoặc p.dihydroxyphenol và thường không oxy hoá monohydroxy hoặc metadihydroxy. Nếu có điều kiện thì nên chuẩn hoá với một dung dịch có chứa tanin đã được biết có trong dược liệu.
Phương pháp tạo tủa với đồng acetat. Chiết tanin trong dược liệu bằng cồn 60o, thêm dung dịch đồng acetat 15%, lọc tủa, sấy, cân. Nung tủa sẽ thu được đồng oxyd. Lấy hiệu số giữa đồng tanat và đồng oxyd rồi qui về phần trăm.
            Có thể kết hợp phương pháp tạo tủa nói trên với phương pháp đo Iod: Chiết tanin trong dược liệu bằng nước, nếu có pectin thì tủa bằng cồn, sau đó thêm một lượng chính xác dung dịch đồng acetat đã biết độ chuẩn. Lọc tủa đồng tanat, dịch lọc được thêm H2SO4 10% và KI. Acetat đồng thừa sẽ tác dụng lên KI trong môi trường acid để giải phóng Iod.
2Cu(CH3COO)2  + 4 KI   ®  4KCH3COO   + Cu2I2 + 2I
            Chuẩn độ iod bằng Natri thiosulfat  rồi tính theo công thức sau:
E = D – C  trong đó C = ( A–B) x 1,2517
E  là lượng tanin trong dung dịch đem định lượng.
D  là lượng đồng tanat xác định bằng phương pháp cân.
C  là lượng đồng oxyd kết hợp  với tanin.
A  là lượng đồng cho vào dung dịch lúc ban đầu.
B  là lượng đồng thừa trong dung dịch  sau khi lọc loại đồng  tanat xác  định bằng phương pháp đo Iod.
(1ml natrithiosulfat 0,1N ứng với  0,00635g đồng)
1,2517 là hệ số CuO/Cu
Phương pháp đo màu với thuốc thử Folin.
            Thuốc thử là dung dịch acid phosphowolframic (10g natri wolframat đun 3 giờ với 8ml H3PO4 85% + 15ml nước, gạn lấy dung dịch).
            Dịch chiết nước cho tác dụng với thuốc thử trên trong môi trường kiềm natri carbonat. Sau đó xác định mật độ quang của dung dịch màu xanh tạo thành sau 120 giây. Để loại trừ sai số thừa do những chất không phải tanin, người ta tiến hành 2 mẫu: một mẫu thì loại tanin bằng bột da trước khi cho tác dụng với thuốc thử Folin, một mẫu thì không loại tanin. Hiệu mật độ quang giữa 2 lần cho ta kết quả của dung dịch định lượng, tiến hành song song trên một dung dịch pyrogallol đã biết nồng độ rồi tính hàm lượng tanin trong dược liệu theo pyrogallol.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
5/52 ratings
Bình luận đóng