VÔNG NEM
Tên khoa học của Vông nem – Erythrina oriantalis (L.) Murr., Họ đậu (Fabaceae). Cây vông nem còn gọi là hải đồng, thích đồng.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thân gỗ cao tới 10m, thân và cành có gai ngắn hình nón, cây phân nhánh nhiều. Lá mọc so le có 3 chét hình tam giác, mép lá nguyên, lá chét ở giữa to hơn lá chét hai bên và có chiều rộng lớn hơn chiều dài, lá thường rụng vào mùa khô. Hoa màu đỏ tươi mọc thành chùm dày. Đài hình mo rách dọc tới gốc, ở đỉnh có 5 răng không rõ lắm, tràng hoa xếp theo kiểu tiền khai cờ, cánh cờ to dài 4 – 9cm, rộng 2 -3cm; cánh thìa tự do dài 1 – 1,5cm, rộng 0,4 – 0,6cm. Có 10 nhị, 9 nhị hàn liền, 1 nhị rời, xếp thành 2 vòng. Chỉ nhị màu tím đỏ. Bao phấn màu vàng, đính lưng có xẻ rãnh. Nhụy dài hơn nhị và có núm nhụy. Cây có rất ít quả mặc dù có rất nhiều hoa. Quả loại đậu, thắt lại giữa các hạt. Mỗi quả có 4 – 8 hạt. Hạt hình thận màu nâu hay đỏ.
Cây vông nem mọc hoang và được trồng phổ biến khắp nơi ở nước ta. Cây còn mọc nhiều ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Mỹ và chây Phi. Cây có nhiều ở Ấn Độ, Myanma, Xrilanca, Indonesia, Campuchia và Lào.
Cây mọc tự nhiên hay được trồng bằng cách dâm cành, cây phát triển tốt ở ven biển và ven sông.
Bộ phận dùng, trồng, thu hái và chế biến
Thường dùng lá tươi hay phơi hoặc sấy khô (Folium erythrinae), vỏ thân phơi hay sấy khô (Cortex erythrinae).
 Vông nem được nhân giống dễ dàng bằng giâm cành. Chọn cành bánh từng đoạn 30-40 cm, đặt nghiêng thành hàng dọc,lấp đất gần kín hom giống. Có thể trồng quanh năm trừ thời kì mưa quá nhiều. Vào các tháng mùa khô, cần tười ẩm. Cây không cần chăm sóc, ít sâu bệnh. Lá thu hoạch quanh năm, mùa đông cây ngừng sinh trưởng.
Lá thu hái vào mùa xuân, dùng tươi hay sấy khô. Vỏ thân, cạo sạch lớp bần khô bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng.
Vi phẫu lá:
Phần gân giữa:Biểu bì trên và dưới gồm 1 lớp tế bào xếp đều đặn, riêng biểu bì dưới có mang lỗ khí và long tiết hình trứng, đầu đa bào chân đơn bào rất ngắn. Sát lớp biểu bì trên và dưới có mô dày. Trong mô rải rác có calci oxalat hình thoi và hình đa giác. Các bó libe gỗ xếp thành một vòng chính giữa gân lá. Vòng mô cứng bao bọc bên ngoài các bó libe gỗ. Mô mềm vỏ gồm những tế bào to, màng mỏng.
Phần phiến lá: Dưới biểu bì trên là mô mềm giậu gồm hai lớp tế bào dài chạy sâu vào gân giữa, dưới là mô mềm khuyết. Từng quãng có những bó libe gỗ của gân bên nối liền biểu bì trên và biểu bì dưới, cắt ngang mô mềm giậu và mô mềm khuyết. Rải rác có calci oxalat hình thoi và hình đa giác.
Vi phẫu vỏ thân:
– Lớp bần là một lớp tế bào dễ bong.
– Tế bào mô  mềm vỏ gồm các tế bào màng mỏng, trong mô mềm rải rác có những đám tế bào mô cứng.
– Tế bào chứa chất nhày
– Bó libe-gỗ.
– Tinh thể calci oxalat hình thoi hay hình khối nằm rải rác trong tế bào.
– Tia tủy.
Bột lá
– Bột màu lục xám, quan sát dưới kính hiển vi thấy:
  + Mảnh biểu bì trên có tế bào nhiều cạnh, ngoằn nghèo, màng mỏng.
  + Mảnh biểu bì dưới có lỗ khí kiểu cà phê và long tiết hình trứng đầu đa bào chân đơn bào rất ngắn.
  + Mảnh gân lá tế bào hình chữ nhật, màng mỏng có chứa calci oxalate hình thoi và hình đa giác.
  + Mảnh mô mềm giậu.
  + Bó sợi màng hơi dày.
  + Mảnh mạch mạng, mạch xoắn.
Bột vỏ thân:
– Màu vàng lục, soi kính hiển vi thấy:
  + Mảnh bần là những tế bào đều đặn xếp thành dày.
  + Mảnh tế bào mô mềm.
  + Tinh thể calci oxalat hình thoi và hình khối.
  + Các bó sợi mang tinh thể calci oxalat hình khối.
  +  Đám tế bào mô cứng.
  + Mảnh mạch.
Thành phần hóa học
Lá, vỏ thân và hạt đều chứa alcaloid. Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá: 0,1-0,16%, vỏ thân là: 0,06 – 0,09%, hạt: 2%
Trong lá và thân alcaloid là erysotrin, erysodin, erysovin, erysonin, erythranin, erysopin, erythrinin, erythralin. Trong hạt có erythralin và hypaphorin.

Ngoài ra trong lá vả vỏ thân còn có saponin như mygarin; tanin, flavonoid. Trong hạt có chất béo, protein và các chất vô cơ.
6.Kiểm nghiệm
a. Định tính
– Lấy 2g bột dược liệu cho vào bình nón,thấm ẩm bằng amoniac đặc rồi cho vào bình 15-20ml chloroform, lắc nhẹ, đặt trên nồi cách thủy sôi trong 2 – 3 phút, lọc qua giấy lọc vào bình gạn, lắc 2 lần, mỗi lần 5ml dung dịch acid hydrochloric 0,1N, để yên cho dung dịch tách thành 2 lớp,gạn lấy lớp acid, gộp dịch chiêt acid rồi chia vào 3 ống nghiệm
Ống 1 cho them 2 giọt TT Bourchardat sẽ xuất hiện tủa nâu
Ống 2 cho them 2 giọt Tt Mayer sẽ xuất hiện tủa vàng nhạt
Ống 3 cho them 2 giọt TT Dragendorff sẽ xuất hiện tủa vàng cam.
– Định tính bằng sắc kí lớp mỏng
Chấm dịch chiết lên bản mỏng đã tráng chất hấp phụ silicagel G, khai triển bằng hệ dung môi: CHCl3-MeOH-NH4OH (50:9:1) phun hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff.
b . Định lượng
Cân chính xác khoảng 3g bột lá khô,làm ẩm bằng amoniac đặc. Sau 30 phút cho dược liệu vào bình Soxhlet chiết bằng chloroform trên cách thủy cho đến kiệt alcaloid. Cất thu hồi bình dung môi rồi bốc hơi tới khô. Hòa tan cắn trong HCl 2% (5 lần x 5ml). Lọc vào bình gạn, kiềm hóa dịch lọc bằng amoniac tới pH 8-9. Lắc với CHCl3 (5 lần x 10ml). Gộp dịch chiết, cất thu hồi dung môi. Hòa tan cắn bằng dung dịch HCl 2%. Lọc vào bình gạn rồi lại kiềm hóa bằng amoniac tới pH 8-9. Chiết bằng chloroform cho hết alcaloid. Lọc dịch chiết qua giấy lọc có Na2SO4 khan vào cốc đã sấy khô và cân từ trước. Sau khi rửa giấy lọc và Na2SO4 khan bằng 5ml CHCl3. Bốc hơi dung môi trên cách thủy rồi sấy cắn ở 800C tới khối lượng không đổi rồi đem cân.
  Tính hàm lượng alcaloid toàn phần trong dược liệu theo công thức sau:
                            X%=(a-b)/(m-c).100
     a: khối lượng bì và cắn alcaloid (g)
     b: khối lượng bì (g)
     m: khối lượng dược liệu đem chiết (g)
     c: độ ẩm của dược liệu
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,12% alcaloid toàn phần.
Tác dụng và sử dụng
Alcaloid toàn phần chứa trong lá vông nem ít độc, có tác dụng:
– Bằng đường uống cả hai liều 75mg và 125mg/kg cân nặng thỏ, có tác dụng ức chế hoạt tính điện của vùng vỏ não và cấu trúc dưới vỏ, thể hiện song chậm chiếm ưu thế trên hình ảnh điện não đồ và biên độ điện não giảm.
– Có tác dụng kéo dài giấc ngủ của hexobarbital đối với chuột thí nghiệm.
– Có tác dụng gây hiện tượng gục đầu thỏ điển hình với liều 15mg/kg súc vật sau khi tiêm vào tĩnh mạch vành tai thỏ 3-5 phút, kéo dài 10 phút.
– Có tác dụng giãn cơ làm chuột mất khả năng bám dây gần giống D-tubocurarin
– Làm ếch mất hoàn toàn phản xạ lật sấp. Với nồng độ 0,01% có tác dụng ức chế co cơ hoành của chuột cống trắng cô lập và ở nồng độ 0,03% thì làm mất khả năng co cơ ở ruột chuột lang cô lập.
– Dung dịch alcaloid toàn phần 2% có tác dụng ức chế một số vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Bacillus puminus, Bacillus cereus, E. coli.
Nhân dân ta dùng lá vông sắc uống hoặc luộc ăn chữa mất ngủ, dịu thần kinh hay thần kinh suy nhược kém ăn, kém ngủ. Ngày dùng 8 – 16g
Một số cơ sở y tế dùng cao lá vông kết hợp với một số vị dược liệu khác (cao lá sen, rotundin hoặc củ bình vôi, lạc tiên, lá dâu, long nhãn…) làm thuốc an thần, trấn kinh, chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược.
Ngoài ra còn dùng lá giã nát hơ nóng đắp chữa trĩ ngoại, bột lá rắc lên vết thương chống nhiễm khuẩn.
Nhân dân Trung Quốc dùng vỏ cây làm thuốc chữa bệnh đau khớp, chữa sốt, sát khuẩn, an thần, gây ngủ, chữa lỵ. Dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc.
https://hoibacsy.vn 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

0/50 ratings
Bình luận đóng