DIẾP CÁ

Tên khác: Rau giấp cá, lá giấp, tập thái, ngư tinh thảo, co vầy mèo (Thái), phjắc hoảy (Tày), cù mua mía (Dao) Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.

Họ Giấp cá (Saururaceae)

MÔ TẢ

Ngư tinh thảo ( dấp cá)

Cây thảo nhỏ có thân ngầm mọc bò ngang, màu trắng, bén rễ ở các mấu. Thân trên không, đứng thẳng, cao 20 – 40cm, màu tím đỏ, có khía. Lá mọc so le, hình tim, mặt dưới màu tím, hai mặt hơi có lông, cuống lá dài có bẹ.

Cụm hoa mọc thành bông ngắn ở ngọn thân; hoa nhỏ, nhiều, màu vàng nhạt, lá bắc 4 cái màu trắng, không có bao hoa, nhị 3.

Quả nang, hạt nhẵn.

Cả cây vò ra có mùi tanh như mùi cá.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, diếp cá phân bố ở vùng nhiệt đới châu

Á, bao gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.

ở Việt Nam, cây mọc hoang ở các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi. Thường mọc ở nơi ẩm, ướt nhiều mùn trong ruộng nước nông, bò khe suối, mương máng.

Cây còn được trồng ở một số nơi để làm rau ăn và làm thuốc.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Cả cây diếp cá, trừ rễ, thu hái vào mùa xuân – hè, đem về, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, dùng tươi (phổ biến hơn) hoặc phơi khô.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Cả cây diếp cá chứa tinh dầu, trong đó, có nhóm aldehyd và các dẫn xuất ceton như methy-l-nnonyl ceton, nhóm terpen gồm a-pinen, camphen, limonen, linalol, caryophylen, geraniol…, các acid caprinic, acid hexade- canoic, acid palmitic, acid stearic,… alcaloid cordalin, các flavonoid như rutin, quercitrin…

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Lá diếp cá có tác dụng kháng trực khuẩn mủ xanh trong bệnh đau mắt, ức chế thần kinh trung ương, kéo dài thời gian gây ngủ, hạn chế co giật. Hoạt chất quercitrin trong diếp cá có tác dụng lợi tiểu mạnh. Alcaloid cordalin có tác dụng kích ứng da gây phồng rộp.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Theo các sách thuốc cổ, diếp cá có vị chua, cay, mùi tanh như cá, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, lợi tiểu, tiêu thũng, được dùng chữa lòi dom, trĩ, đau mắt đỏ hoặc nhiễm trực khuẩn mủ xanh, sốt, phát ban, viêm ruột, kiết lỵ, tiểu tiện khó, đái nhắt, đái buốt, sản giật trẻ em, tắc sữa.

Liều dùng hàng ngày: 6 – 12g (cây khô) hoặc 20 – 40g (cây tươi) dưới dạng ép lấy nước, sắc làm bột hoặc viên. Dùng ngoài, lá tươi giã đắp.

Đặc biệt, lá diếp cá được dùng rất phổ biến trong nhân dân làm thuốc chữa lòi dom và đau mắt. Để chữa lòi dom, lấy muối ăn hòa với nước, rửa sạch dom, rồi giã nhỏ lá diếp cá đặt lên lá chuối, đắp vào dom, băng lại. Còn để chữa đau mắt đỏ, loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh, lấy lá diếp cá tươi, rửa sạch, giã nát, ép vào hai miếng gạc sạch rồi đắp lên mắt khi đi ngủ. Viện Mắt trung ương đã cải tiến dạng dùng dân gian này thành dạng thuốc nước nhỏ mắt dùng cho rất nhiều trường hợp khỏi bệnh, đạt kết quả hơn 83%.

BÀI THUỐC

A- Theo Tuệ Tình (Nam dược thần hiệu)

  • Chữa đơn sưng, cả người nóng, sốt, mẩn đỏ: Diếp cá, nhọ nồi, cải rừng, xương sống, dưa chuột, khế, đơn đỏ, huyết dụ, nhài, mía dò (tất cả dùng lá, mỗi thứ 15g), xích hoa xà (3 lá), bí đao (3 miếng), củ nâu (3 miếng). Tất cả giã nát, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống, lấy bã xoa đều khắp chỗ sưng đỏ.
  • Chữa trĩ sưng đau: Diếp cá (50g) nấu với nước cho đặc, đem xông, rồi đợi khi nước còn ấm, rửa sạch trĩ, đắp bã vào chỗ đau. Nếu trĩ chảy máu, lấy diếp cá (2 phần), rễ bạch cập (1 phần), phơi khô, tán bột, ngày uống 6 – 12g, chia 2 – 3 lần.

B- Theo kinh nghiệm dân gian:

  • Chữa đái nhắt, đái buốt: Diếp cá (20g), rau má (20g), mã đề (10g). Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước uống trong ngày.
  • Chữa sốt nóng, trẻ em sài giật: Diếp cá (8g), củ sả (6g), quả xuyên tiêu (2g). Tất cả giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp vào thái dương.
  • Chữa sởi: Diếp cá (16g), rau dệu (16g), đậu chiều (12g), cam thảo đất (12g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Thuốc chủ yếu làm sỏi phát ra bên ngoài.
  • Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Diếp cá (20g), xuyên tâm liên (16g), hoàng bá (8g). Thái nhỏ, sắc uống ngày một thang.
  • Chữa viêm tắc tia sữa: Diếp cá (20g), lá cải trời (20g). Hai thứ dùng tươi, giã nát, thêm nước nguội, vắt lấy nước cốt mà uống; đồng thời, lấy bã dược liệu chưng nóng với ít giấm, đắp.

0/50 ratings
Bình luận đóng