ĐẠI
Cortex et flos Plumeriae
            Dược liệu  là vỏ thân hoặc cành  và hoa phơi hay sấy đến khô của cây đại hay còn gọi là cây bông sứ – Plumeria rubra L. var  acutifolia (Poir.) Bailay; họ Trúc đào – Apocynaceae.
Đặc điểm thực vật.
            Cây nhỡ  cao  có thể  đến 6m. Thân phân cành 2 hoặc 3 ngã. Cành mập, xốp dễ gãy. Lá to nguyên  dài  15-30cm rộng 8cm, mọc so le, thường tập trung ở đầu  cành, khi rụng để lại các vết sẹo rất rõ trên cành. Lá hình mác, gốc và đầu nhọn, gân lá hình lông chim, gân mép rõ và ở xa mép. Càng và lá  có nhựa mủ trắng. Hoa  màu trắng bên ngoài, mặt trong màu vàng nhạt rất thơm, tràng gồm 5  cánh, khi còn nụ thì  vặn xoắn lại.
            Cây thường được trồng làm  cảnh ở các đền chùa, trồng bằng dâm cành  bánh tẻ. Sau khi cắt cành không nên dâm ngay,  đợi vài ba ngày để  vết cắt khô rồi  dâm vào bầu đã trộn phân với đất, không nên tưới nhiều nước.
Thu hái chế biến.
            Vỏ thân hoặc cành được cạo sách lớp  vỏ ngoài  đem thái mỏng rồi phơi hoặc sấy khô. Hoa  hái  lúc mởi  nở phơi hoặc sấy nhẹ  đến  khô.
Thành phần  hoá học.
            Thành phần hoạt chất của  vỏ cây  đại  là các  chất thuộc nhóm iridoid có bộ khung trên 10 carbon (homoiridoid). Đây là những thành phần  có vị đắng. Fulvoplumierin là chất  đầu  tiên được Schmid và Bencze phân  lập và  xác  định cấu trúc năm  1953, kết tinh  hình kim màu vàng da cam đ.c. 151-152oC. Khi tác dụng với alcali trong  ethanol thì cho màu đỏ. Các  chất  khác là  plumierid, plumericin, b-dihydroplumericin, và b-dihydroplumericinic acid.

 

Hoa cũng có Fulvoplumierin. Tinh dầu của hoa có hàm lượng khoảng 0,05% trong thành phần có farnesol, linalol, geraniol, citronellol và một số thành phần khác.
Tác  dụng và  công dụng.
            – Fulvoplumierin có tác dụng  ức chế  các chủng  khác  nhau của  Mycobacterium  tuberculosis ở nồng độ 1-5mg/1ml.
            – Plumierid và plumericin  có tác dụng ức chế một số vi khuẩn thuộc gram âm và gram dương.
            – Nước sắc vỏ thân có tác dụng nhuận: 4g vỏ sao thơm, sắc với  200ml nước  chia làm  3 lần uống trong ngày. Nếu liều  8-10g  thì có tác  dụng tẩy xổ.
            – Chữa chân  răng sưng đau: 10-20g vỏ thân ngâm trong  200ml  rượu 25-35o. Rượu này dùng để  ngậm, không được nuốt, ngày ngậm 3-4 lần.
            – Hoa  dùng chữa ho. Ngày dùng 4-12g sắc với 200ml nước, chia làm 3-4 lần  uống trong ngày.
            – Lá tươi giã đắp dùng chữa mục nhọt. Kiêng kỵ: Người  đang bị tiêu chảy hoặc  có thai không được  dùng.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng