Tên khác: Bìm bịp lớn

Tên khoa học: Centropus sinensis Stephens

Họ Cu cu (Cuculidae)

MÔ TẢ

Chim có thân mình dài, đầu tròn múp về phía mỏ to nhọn. Đôi mắt tròn, màu đỏ. Cánh rộng và đuôi dài. Chân có 4 ngón chẽ ra 2 trước, 2 sau, móng dài và sắc. Bộ lông màu đen tuyền, trừ hai cánh màu nâu đỏ, đầu các lông cánh màu sẫm hơn.

Bìm bịp
Bìm bịp

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Bìm bịp phân bố ở một số nước Đông Nam A như Thái Lan, Mianma, Lào, Campuchia và miền Nam Trung Quốc. Đó là loài chim định cư chỉ sống quanh quẩn ở khu vực mà nó làm tổ.

Ở Việt Nam, bìm bịp có ở khắp vùng từ đồng bằng đến miền núi cao không quá 1000m. Chim sống ở những lùm cây, ven rừng chỗ có nhiều cây bụi rậm rạp, bay kém nên thường ở trên mặt đất.

Bìm bịp ăn cóc, nhái, cào cào, châu chấu, trứng chim, cua đồng, rắn nhỏ, đôi khi cả các loại hạt thực vật.

Mùa sinh sản của bìm bịp vào tháng 5 – 8, làm tổ trên các bụi tre, mỗi lứa 3 – 4 trứng màu trắng.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIÊN

Toàn con bìm bịp được săn bắt quanh năm, trừ mùa sinh sản. Đem về, làm sạch lông và loại bỏ hết phủ tạng.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Bìm bịp được dùng làm thuốc bổ huyết, giảm đau chữa suy nhược cơ thể, ứ huyết bầm tím, đau lưng, tê thấp, chân tay nhức mỏi. Dạng dùng thông thường là rượu ngâm. Một lít rượu trắng ngâm với 2 con bìm bịp (một lớn, một nhỏ) trong 2 – 3 tháng, càng lâu càng tốt. Ngày uống hai lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn.

Dùng riêng hoặc ngâm chung với tắc kè và sâm cau. Rượu này còn chữa liệt dương, hen suyễn, suy thận, rất tốt cho những người cao tuổi.

 

0/50 ratings
Bình luận đóng