Thận niệu quản đôi là một dị tật tiết niệu hay gặp tuy nhiên chỉ có chỉ định điều trị khi có các biến chứng hoặc có niệu quản đổ ra ngoài bàng quang.

CHẨN ĐOÁN

Triệu chứng lâm sàng

  • Đái rỉ liên tục ngoài lần đái chính (Khi niệu quản đơn vị thận trên đổ ngoài bàng quang).
  • Nhiễm trùng tiết niệu kéo dài: đái đục, đái mủ, đái rắt.
  • Đái khó khi túi sa niệu quản lan xuống niệu đạo.
  • Đôi khi túi sa niệu quản thoát xa ra ngoài lỗ niệu đạo trông như một khối u.

Cận lâm sàng

  • Siêu âm: cho hình ảnh hai nhóm đài bể thận, có niệu quản giãn, túi sa niệu quản.
  • UIV: có thể cho hình ảnh trực tiếp 2 nhóm đài bể thận hoặc các hình ảnh gián tiếp bao gồm đài bể thận dưới bị đẩy xuổng thấp và nằm ngang (hình hoa củ), bể thận nằm cách xa cột sống, bóng thận to hơn bên đối diện.
  • Chụp bàng quang khi đái: hình ảnh choán chỗ của túi sa niệu quản.
  • Cấy nước tiểu + kháng sinh đồ.
  • Chụp đồng vị phóng xạ nếu có điều kiện.
  • Các xét nghiệm cần thiết cho phẫu thuật.

ĐIỀU TRỊ

Chuẩn bị trước mổ

Điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ trong 7 ngày.

Kỹ thuật mổ

Thận niệu quản đôi có niệu quản lạc chỗ ngoài bàng quang

  • Nếu chức năng thận phụ còn tốt không nhiễm trùng, niệu quản không quá giãn: nối niệu quản lạc chỗ với niệu quản chính.

Rạch da theo đường Pfannenstiel. Bóc tách mặt bên bàng quang tìm 2 niệu quản. Niệu quản bệnh thường giãn hơn niệu quản lành, cắt rời niệu quản bệnh khỏi phần tận cùng. Nối niệu quản bệnh với niệu quản lành bằng chỉ tiêu 6/0 hoặc 7/0. Dẫn lưu cạnh bàng quang. Đóng cân cơ, tổ chức dưới da và khâu trong da.

– Nếu thận giãn không còn chức năng: cắt đơn vị thận trên + niệu quản bằng nội soi hoặc mổ quy ước.

Kỹ thuật mổ quy ước: bệnh nhân nằm ngửa có độn sau lưng. Rạch da theo đường ngang từ bò ngoài cơ thẳng to ra phía bên và sau. Bóc tách đẩy phúc mạc vào trong tìm 2 niệu quản. Tách rời niệu quản bệnh khỏi niệu quản lành, cắt đôi niệu quản bệnh. Phẫu tích xuống sát thành bàng quang, cắt rời niệu quản bệnh khỏi phần tận cùng. Tiếp tục tách niệu quản trên (niệu quản bệnh) khỏi niệu quản lành cho đến sát bể thận. Luồn niệu quản phía sau cuống mạch thận kéo niệu quản trên lên trên cuống mạch. Cặp cắt và buộc động mạch và tĩnh mạch của đơn vị thận trên, cắt đơn vị thận trên cùng với niệu quản và bể thận, cầm máu diện cắt. Dẫn lưu hố thận. Đóng vết mổ theo các lổp giải phẫu.

Cắt đơn vị thận – niệu quản trên bằng nội soi. Vào ổ bụng bằng 3 troca: 1 cho ống soi và 2 cho dụng cụ phẫu thuật. Bóc tách và kéo đại tràng trái hoặc phải sang phía đối diện. Tìm niệu quản và tiến hành các thì mổ như trong phẫu thuật quy ước.

Thận đôi có túi sa niệu quản

  • Bước 1: nội soi, cắt chỏm túi sa.
  • Bước 2: siêu âm + chụp UTV, bàng quang sau 3 tháng để có hướng điều trị tiếp.

Nếu thận phụ không có chức năng + còn túi sa niệu quản: mổ cắt thận niệu quản + túi sa niệu quản 1 lần và khâu lại lỗ niệu quản bằng đường ngang thắt lưng + Ptannenstiel hoặc bằng nội soi + Pfannenstiel.

Nếu thận phụ còn chức năng nhưng có luồng trào ngược bàng quang niệu quản qua túi sa niệu quản: cắt túi sa niệu quản và trồng lại cả 2 niệu quản.

Nếu thận phụ còn chức năng không còn túi sa niệu quản, không có luồng trào ngược bàng quang niệu quản: tiếp tục theo dõi.

Nếu có thoát vị túi sa niệu quản qua lỗ niệu đạo

Gây tê tại chỗ cắt chỏm túi sa, khâu cầm máu đẩy vào bàng quang, 3 tháng sau khám lại làm các xét nghiệm và chỉ định điều trị giống như các trường hợp trên.

Theo dõi và chăm sóc sau mổ

Truyền dịch đến khi có trung tiện.

  • Giảm đau bằng paracetamol đặt hậu môn trong 24 giờ.
  • Kháng sinh 7 ngày: cephalosporin thế hệ thứ 3 liều 50mg/1kg cân nặng + gentamicin liều 5mg/lkg cân nặng.
  • Hẹn tái khám sau 3 tháng.
0/50 ratings
Bình luận đóng