BỆNH HỌC

SỎI THẬN

Đại cương

Sỏi thận là bệnh phổ biến ở châu Âu và một số nước châu Á, châu Phi ít gặp.

Thường là nam gặp nhiều gấp đôi nữ. Lứa tuổi thường từ 30 đến 50.

Sỏi thận gây nhiều biến chứng phức tạp, vì vậy người bệnh cần được chăm sóc chu đáo.

Nguyên nhân

  • Sỏi thứ phát

Sỏi thứ phát là sỏi được hình thành do nước tiểu bị ứ trệ mà nguyên nhân chính là do cản trở ở bể thận hoặc niệu quản do bệnh bẩm sinh hay mắc phải, viêm chít hẹp do lao, giang mai…

  • Sỏi nguyên phát

Những viên sỏi được hình thành tự nhiên, quá trình hình thành sỏi rất phức tạp.

Thành phần, cấu tạo của sỏi rất khác nhau, vì vậy hiện nay chưa có một lý thuyết tổng quát về hình thành sỏi.

Triệu chứng

  • Triệu chứng cơ năng

Cơn đau quặn thận:

+ Đau dữ dội lăn lộn. Đau từ vùng thận bị bệnh lan dọc theo đường đi của niệu quản đến hết bộ phận sinh dục ngoài.

+ Kèm theo đau có thể có nôn, bí trung đại tiện, trướng bụng.

+ Cơn đau thường xảy ra sau vận động mạnh.

+ Có một số trường hợp không có cơn đau mà chỉ tình cờ phát hiện ra sỏi.

Tiểu tiện ra máu: tiểu máu toàn bãi.

Tiểu tiện ra mủ.

  • Triệu chứng thực thể

Khám thấy đau vùng thắt lưng.

Rung thận dương tính.

Nếu thận to chạm thận, bập bềnh thận dương tính.

  • Triệu chứng toàn thân

Không có gì đặc biệt trừ những trường hợp có biến chứng nhiễm khuẩn, suy thận.

  • Triệu chứng cận lâm sàng

Xét nghiệm:

+ Xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu, bạch cầu và vi khuẩn.

+ Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, urê máu tăng.

X quang, siêu âm:

+ Siêu âm: biết được kích thước thận. Tình trạng đài bể thận có giãn không.

+ X quang ổ bụng không chuẩn bị phát hiện sỏi cản quang.

+ Chụp hệ tiết niệu có bơm thuốc cản quang qua tĩnh mạch (UIV) phát hiện được sỏi, đánh giá được chức năng thận.

+ Chụp niệu quản bể thận ngược dòng để phát hiện sỏi không cản quang.

+ Chụp cắt lớp, chụp niệu đồ bằng đồng vị phóng xạ.

Biến chứng

Sỏi thận gây nhiều biến chứng tại chỗ và toàn thân.

  • Sỏi gây tắc đường tiết niệu, làm giãn đài bể thận, làm mỏng nhu mô thận dẫn đến suy giảm chức năng thận rồi mất hoàn toàn chức năng thận.
  • Nếu cả hai thận có sỏi gây tắc, người bệnh vô niệu, urê máu tăng cao, tử vong nhanh.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây sốc nhiễm khuẩn dễ tử vong. Người bệnh thường đau nhiều bên thận bị bệnh, sốt cao, rét run.

Hướng điều trị

  • Điều trị nội khoa chỉ có vai trò phòng bệnh và chống tái phát.
  • Điều trị ngoại:

+ Mở bể thận lấy sỏi.

+ Mở nhu mô thận lấy sỏi.

+ Những trường hợp thận mất chức năng, mổ cắt bỏ thận hoặc cắt bán phần thận.

  • Tán sỏi qua da : khi sỏi nhỏ đường kính dưới 2 cm.

SỎI NIỆU QUẢN

Đại cương

  • Sỏi niệu quản là bệnh ngoại khoa cấp cứu trì hoãn.
  • Một số trường hợp sỏi hai bên niệu quản gây tắc phải mổ cấp cứu, nếu không can thiệp kịp thời người bệnh có thể tử vong do vô niệu.

Nguyên nhân

  • Sỏi nguyên phát: thường sỏi từ thận rơi xuống 80%.
  • Sỏi thứ phát:

+ Do hậu quả của một số bệnh mắc phải như: viêm lao, giang mai, thương tổn niệu quản do các phẫu thuật gây chít hẹp niệu quản.

+ Do dị dạng niệu quản: niệu quản giãn to, niệu quản sau tĩnh mạch chủ, niệu quản đôi. Nước tiểu ứ trệ ở phía trên chỗ hẹp lắng cặn hình thành sỏi.

Triệu chứng

  • Triệu chứng cơ năng

Cơn đau do sỏi dịch chuyển. Người bệnh đau từng cơn dữ dội vùng thắt lưng, đau lan xuống phía dưới.

Khi có ứ đọng nước tiểu ở thận, niệu quản người bệnh đau âm ỉ, căng tức vùng thắt lưng.

Khi đau người bệnh có thể có nôn, trướng bụng.

Tiểu ra máu toàn bãi, thoáng qua.

Tiểu buốt, rắt khi sỏi sát bàng quang gây kích thích.

  • Triệu chứng thực thể

Trong cơn đau sỏi niệu quản, khám người bệnh thấy co cứng cơ thắt lưng, cứng nửa bụng bên niệu quản có sỏi, bụng trướng.

Khi sỏi gây tắc niệu quản, gây ứ nước, ứ mủ thận, khám thấy thận to.

  • Triệu chứng toàn thân

Thể trạng ít thay đổi khi chỉ có sỏi một bên.

Người bệnh có sốt khi sỏi gây tắc niệu quản và có nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Sỏi niệu quản hai bên gây tắc nước tiểu, toàn thân người bệnh suy sụp nhanh vì gây urê máu cao, thiểu niệu, vô niệu.

  • Triệu chứng cận lâm sàng

Xét nghiệm:

+ Xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu, bạch cầu và vi khuẩn.

+ Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, urê máu tăng.

Siêu âm thấy hình ảnh sỏi, tình trạng bể thận, niệu quản phía trên sỏi.

Chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị thấy hình ảnh sỏi niệu quản cản quang.

Chụp hệ tiết niệu có thuốc cản quang thấy vị trí sỏi, đường đi của niệu quản, đánh giá chức năng thận.

Chụp niệu quản, bể thận ngược dòng phát hiện sỏi, nhất là sỏi không cản quang.

  • Biến chứng

Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Thận to do ứ nước, ứ mủ.

Vô niệu khi có sỏi hai bên gây tắc nước tiểu.

Suy thận.

Tăng huyết áp.

CHĂM SÓC

CHĂM SÓC TRƯỚC MỔ

Nhận định người bệnh

  • Nhận định toàn trạng: thể trạng người bệnh, da, niêm mạc, dấu hiệu sinh tồn.
  • Nhận định cơn đau của người bệnh: Người bệnh đã đau thời gian bao lâu? Đau từng cơn hay đau liên tục? Người bệnh thấy đau dữ dội hay đau âm ỉ? Vị trí đau?
  • Nhận định tiểu tiện của người bệnh: Tiểu bao nhiêu lần trong 24h? Số lượng nước tiểu trong 24h? Tiểu tiện có buốt, rắt, nước tiểu có máu, mủ hoặc bí tiểu không?
  • Nhận định thực thể:

+ Bụng người bệnh có trướng không.

+ Xem hai hố thận có đầy không, thận có to không?

+ Xem người bệnh có ống thông tiểu không? Nếu có thì ống thông chảy tốt không? Nước tiểu trong hay đục?

Những vấn đề cần chăm sóc

  • Nguy cơ urê máu cao.
  • Người bệnh đau vùng hố thận.
  • Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Lập và thực hiện kế hoạch chăm sóc

  • Những trường hợp trước mổ cần phải ăn uống đủ chất.
  • Đối với người bệnh có nguy cơ urê máu cao:

+ Cho ăn chủ yếu gluxid, hạn chế protid.

+ Truyền dịch theo y lệnh. Dùng dung dịch đường là chính, hạn chế dịch muối, truyền dung dịch natribicacbonat 1,4%.

+ Làm thông đường tiểu: đặt ống thông niệu đạo – bàng quang.

  • Giảm đau cho người bệnh:

+ Để người bệnh nghỉ ngơi, tránh vận động.

+ Dùng thuốc giảm đau theo y lệnh.

  • Làm cho người bệnh ngủ được:

+ Giải thích về bệnh tật để người bệnh yên tâm điều trị.

+ Làm giảm rối loạn tiểu tiện: đặt thông tiểu.

+ Cho nằm phòng thoáng mát yên tĩnh.

+ Dùng thuốc ngủ theo y lệnh.

  • Làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:

+ Đặt thông tiểu phải bảo đảm vô khuẩn.

+ Vệ sinh ống thông tiểu.

+ Thay ống thông tiểu đúng thời hạn, đặt thông tiểu thường từ 5 – 7 ngày phải thay thông mới.

+ Dùng kháng sinh theo y lệnh.

CHĂM SÓC SAU MỔ

Nhận định sau mổ

  • Hỏi người bệnh đã mổ được bao lâu?
  • Xem toàn trạng có tốt không?
  • Người bệnh ăn ngủ, vận động có tốt không?
  • Nhận định tiểu tiện có tốt không?
  • Nhận định vết mổ, các ống dẫn lưu đặt trong mổ tiết niệu.

Những vấn đề cần chăm sóc

  • Người bệnh có nguy cơ viêm phổi, loét.
  • Người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
  • Chăm sóc các ống dẫn lưu đặt trong mổ tiết niệu.

Lập và thực hiện kế hoạch chăm sóc

  • Chống viêm phổi, loét:

+ Tập vận động sớm.

+ Vỗ rung lồng ngực, xoa vùng tỳ đè, cho nằm đệm chống loét.

  • Chống nhiễm trùng vết mổ:

+ Theo dõi thay băng vết mổ hằng ngày.

+ Nếu vết mổ tấy đỏ cắt chỉ sớm, vết mổ có mủ phải tách mép vết mổ.

  • Chăm sóc các ống dẫn lưu đặt trong mổ tiết niệu:

+ Chăm sóc ống dẫn lưu hố thận: loại ống dẫn lưu này đặt vào hố thận trong trường hợp mổ vào thận.

  • Sau mổ ống dẫn lưu này chảy ra ít dịch tiết, máu. Dịch chảy qua ống ít dần sau 3 ngày thì rút ống. Nếu nước tiễu qua ống dan lưu hố thận quá 200 ml/24h thì không được rút ống và báo với phẫu thuật viên.

+ Chăm sóc ống dẫn lưu bễ thận: dẫn lưu này thường là ống Malecot hoặc ống Petzer, dẫn lưu mủ hoặc nước tiễu. Nếu đặt quá 25 ngày, rút thay ống mới, ống này bơm rửa được.

+ Chăm sóc ống dẫn lưu niệu đạo bàng quang: thường dùng là ống Nelaton trong trường hợp đặt thông tiễu xong rút ngay. Loại ống Foley đặt lưu thông. Bơm rửa khi bàng quang có máu, mủ hoặc tắc ống. Đặt từ 5 đến 7 ngày rút thay ống mới. Chú ý vệ sinh chân ống tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.

ĐÁNH GIÁ

Một số kết quả mong chờ:

  • Người bệnh không có biến loạn dấu hiệu sinh tồn do urê máu cao.
  • Người bệnh không nhiễm khuẩn ngược dòng.
  • Không nhiễm trùng vết mổ.
  • Các ống dẫn lưu không tắc, rút đúng thời gian.

0/50 ratings
Bình luận đóng