Tên khác: Hải đồng – Thích đồng (TQ).
Tên khoa học: Erythrina variegata L.
Họ: Đậu (Fabaceae)
1 . Mô tả và phân bố
Vông nem thuộc loại cây thân gỗ cao tới 10 – 20m, thân có gai ngắn. Lá mọc so le vòng quanh thân; lá kép có 3 lá chét hình trứng. Hoa mọc thành chùm, màu đỏ thắm. Quả loại đậu, trong chứa 1 – 8 hạt hình tròn màu đỏ sẫm. Vông nem mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta.
2. Bộ phận dùng thu hái
Vông nem có 2 bộ phận dùng làm thuốc, đó là: Lá và vỏ thân.
Lá được thu hái vào tháng 4 – 5, khi tiết trời khô ráo: Hái lấy lá bánh tẻ không bị sâu, cắt bỏ cuống, đem phơi nắng thật nhanh rồi hong khô trong râm.
Vỏ thân thu hái vào tháng 5, bóc lấy vỏ cây có gai, cắt thành từng mảnh dài khoảng 60cm, rộng 30cm, phơi khô.
3. Thành phần hóa học chính
Lá và vỏ Vông nem đều có chứa alcaloid, saponin.
4. Công dụng, cách dùng
4.1. Lá Vông nem có tác dụng an thần, gây ngủ, chữa các bệnh như: mất ngủ, khó ngủ, máu xấu.
Cách dùng: Uống 5 – 10g/ngày, dạng thuốc sắc hay hãm hoặc dùng phối hợp với Lạc tiên ở dạng cao lỏng.
4.2. Vỏ Vông nem có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc, sát khuẩn.
Cách dùng: Uống 5 – 1og/ngày, bằng cách sắc, tán thành bột hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài da trị ghẻ, ngứa.