Đuối nước là một dạng của ngạt, do hoặc nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước.
Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước,…nơi mà mức nước chỉ sâu vài chục centimet. Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ, khẩn trương, đúng phương pháp. Mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ô xy cho nạn nhân.
Xử trí ban đầu:
– Đưa nạn nhân ra khỏi nước:
+ Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi và không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ.
+ Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước, chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi. Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
+ Sau khi tiếp cận nạn nhân bất tỉnh ở dưới nước, nắm tóc nạn nhân để đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước. Tát mạnh 2-3 cái vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Sau đó quàng tay qua nách nạn nhân và lôi vào bờ. Khi chân người đi cứu đã chạm đất, thổi ngạt miệng – miệng ngay.
+ Khi lên bờ, để nạn nhân nằm ưỡn cổ, lấy khăn lau sạch mũi, họng, miệng rồi tiến hành thổi ngạt miệng – miệng. Nếu sờ không thấy có mạch cảnh, tiến hành cấp cứu như trong cấp cứu ngừng tuần hoàn.
+ Tiến hành hô hấp miệng – miệng và ép tim ngoài lồng ngực theo phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cho đến khi kíp cấp cứu đến hoặc khi tim đập trở lại và hoạt động hô hấp trở lại
Chú ý:
- Không nên dốc ngược nạn nhân trước khi cấp cứu.
- Giữ ấm cho nạn nhân.
- Chuyển nạn nhân khi nạn nhân đã thở lại, kêu la được.
- Nếu nạn nhân còn mê, nhưng đã có mạch và nhịp thở, tốt nhất chờ đội cấp cứu đến hỗ trợ.
- Đặt nạn nhân nằm tư thế nằm nghiêng an toàn trong khi chờ đội cấp cứu đến hỗ trợ.