Tên khoa học

Glycyrrhiza uralensis Fisch. Họ khoa học: Họ Cánh Bướm (Fabaceae).

Tên gọi:

Cam có nghĩa là ngọt, thảo là cây cỏ. Cam thảo là cây có vị ngọt, vì vậy được dùng để gọi tên.

Tên khác: Điềm cam thảo, phấn cam thảo, điềm thảo căn, Sinh cam thảo.

Cam thảo
Cam thảo

Mô tả

Cây thảo, cao 0,3 – 1m. Rễ màu vàng. Thân hình trụ, có lông ngắn. Lá kép lông chim, mọc so le, có nhiều lá chét mọc đối.

Hoa màu tím nhạt mọc thành bông ở kẽ lá.

Quả đậu, cong, hơi thắt lại giữa các hạt, màu nâu đen, phủ lông, dày; hạt nhỏ dẹt, màu nâu bóng.

Mùa hoa quả: tháng 6 – 9.

Phân bố, nơi mọc

Cam thảo bắc phân bố ở vùng á nhiệt đới thuộc châu Á, tập trung nhiều ở vùng Trung Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Iran, Mông cổ.

Cây chịu được nhiệt độ cao về mùa hè và băng giá về mùa đông, trên nhiều loại đất (đất có vôi, đất cát khô cằn, đất nhão nhiều mùn).

Ở Việt Nam, cam thảo bắc được nhập từ Trung Quốc về trồng ở Tam Đảo, Sa Pa, Hà Nội, Hải Dương.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Rễ cam thảo bắc được thu hoạch ở cây trồng được 4 – 5 năm. Thu tốt nhất vào mùa thu đông, lúc này rễ chứa nhiều hoạt chất và cây tàn lụi. Rễ to, rễ nhỏ đều dùng. Đem về, làm sạch đất cát bằng bàn chải, không rửa nước, rồi phơi hoặc sấy nhẹ cho khô.

Khi dùng, để nguyên vỏ hoặc cạo sạch, dùng sống hoặc chế cam thảo chích theo cách sau: Sau khi sấy khô, đem tẩm mật (tỷ lệ 1 kg cam thảo phiến và 200g mật pha loãng với nước) tẩm đến hết nước mật, rồi sao vàng cho thơm.

Cam thảo dây
Cam thảo dây

Phân biệt tính chất, đặc điểm

Là những miếng mỏng hình tròn hoặc hình bầu duc ngoai màu nâu đỏ hoặc đen nâu, bóc vỏ đi sẽ có màu vàng trắng, miếng cắt có màu vàng trắng đến màu nâu nhạt, ở giữa có lớp vân vong và đường tên bắn rất rõ rệt, màu nâu, bẻ ra có xơ, có tinh bột, chất nhẹ, xốp. Sao tẩm mật xong, trên bề mặt có màu vàng sậm, chất hơi dính, hơi có ánh quang. Loại nào thân khô, vỏ nhỏ mà chắc, màu nâu đỏ, chất cứng, thể nặng, tinh bột cao là loại tốt.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng gió, phòng phân huỷ thành chất độc, phòng mọt.

Thành phần hóa học

Rễ cam thảo chứa tinh bột (4 – 5%), hoạt chất glycyrhizin (5 -10%), các Flavonoid gồm liquiritin, liqumtigenin, isoliquiritin.

Tác dụng dược lý

Cam thảo đã được nghiên cứu thấy có tác dụng giải độc, ức chế thần kinh trung ương, giảm ho, giảm co thắt, hàn vết loét, chống viêm, lợi tiểu. Theo các nghiên cứu hiện đại, cam thảo có tác dụng chống viêm nhiễm, chống dị ứng, giảm bớt chất đạm cố thuần, trợ tim, giảm đau, giải được các cơn co giật.

Tính vị và công hiệu

Cam thảo tính bình, vị ngọt, lợi về các kinh tâm, phế, tì, thận. Có công hiệu thanh nhiệt giải độc, giảm ho lui suyễn, bổ tỳ ích khí. Phù hợp với những người tỳ hư, ăn ít, ỉa lỏng, viêm loét hành tá tràng, đau bụng, gân mạch co cấp tính, viêm phế quản, ho, sưng đau họng, ngộ độc thuốc và thức ăn, viêm gan, chức năng của hành tuỷ bị giảm sút, histeria, sưng loét, lao phổi, nẻ, nứt da v.v…

Công dụng và liều dùng

Rễ cam thảo bắc làm cho các dạng thuốc thêm ngọt, làm dịu dễ uống như thuốc viên, thuốc phiến, kẹo ngậm.

Cam thảo sống được dùng chữa cảm, ho, đau họng, đau dạ dày, ngộ độc. Cam thảo chính là thuốc bổ chữa suy nhược, mệt mỏi, gầy yếu, hay tiêu chảy.

Liều dùng hàng ngày: 4 – 20g dưới dạng thuốc, sắc, hãm hoặc thuốc bột, cao mềm.

Bài thuốc

  • Chữa ho đờm: Cam thảo (8g), cát cánh (4g), thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa đau loét dạ dày: Bột cam thảo (0,10g), cao cam thảo (0,03g), natri bicarbonat (0,15g), magnesi carbonat (0,20g), bismuth nitrat (0,05g), bột đại hoàng (0,02g), tá dược vừa đủ 1 viên có tên là thuốc Kavet. Ngày uống 2 – 4 viên mỗi lần, làm 2 – 3 lần.

Cấm kỵ khi dùng thuốc

Cam thảo nếu dùng lượng quá nhiều dễ sinh ra bệnh tim và cao huyết áp.

Cam thảo sử dụng lâu dài, có tới 20% người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng phù nề, chân tay bải hoải, co quắp và tè liệt, nhức đầu, đau đầu…

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng

Cam mạch thang (thang cam thảo, phù tiểu mạch)

Cam thảo 10g – Táo tầu 5 quả

Hoàng kỳ 20g – Con hà tươi 30g

Phù tiểu mạch 30g

Sắc uóng ngày 1 thang, chia 2 lần: sớm, tối.

Dùng cho người lao phổi, đổ mồ hôi trộm.

Cam thảo thang (thang cam thảo)

Cam thảo 100g

Vân nam bạch dược 2g

Cam thảo sắc bỏ bã, cô lại còn 150ml. Dùng thang ấy để uống thuốc bạch dược Vân Nam, ngày 3 lần.

Dùng cho người bị bệnh tử điên đó bị dị ứng.

Cam trúc ẩm (Trà cam thảo trúc đạm)

Lá đạm trúc 12g – Cam thảo 10g

Cây mã đề (xa tiền thảo) 100g

Sắc lấy nước, cho đường phèn vừa phải, uống thay trà, ngày 1 thang, 7-10 ngày là 1 liệu trình.

Dùng cho người bị viêm nhiễm đường tiết niệu.

Cam thảo ẩm (trà cam thảo)

Lá sen 3g – Cam thảo 3g

Hãm nước sôi uống thay trà.

Dùng cho người viêm ngứa đau nhức họng, khản tiếng, ho v.v…

Cam xích thang (thang cam thảo, xích thược)

Xích thược 20g – Cam thảo 10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm, tối.

Dùng cho người viêm tuyến sữa cấp tính.

Cảm thảo thang (thang cam thảo chữa sởi)

Ngưu tất 20g – Cam thảo 10g

Sắc hai nước, trộn lẫn lấy độ 100ml. Cứ 20-40 phút, uống từ 5-10ml. Dùng để chữa sởi, có viêm họng;

Cam ích thang (thang cam thảo, ích trí nhân)

Ích trí nhân 5g – Kha tử 2g

Ngũ vị tử 3g – Cam thảo 2g

Nghiền chung thành bột thô, đựng trong túi vải, hãm nước sôi làm trà, uống nhiều lần. Dùng cho người chảy nước dãi.

Cam hồng thang (thang hồng hoa cam thảo)

Hồng hoa 10g

Toan qua lâu 20g

Cam thảo 6g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm, tối.

Dùng cho người lên sởi có mụn mọng nước, mọc thành từng dải.

Đông sang tẩy dịch (thuốc rửa vết nứt nẻ do bị lạnh)

Cam thảo 30g – Nguyên hoa 30g

Sắc hai nước, lấy nước thuốc đó ngâm rửa chỗ đau ngày lần, mỗi lần ngâm rửa trong 20 phút.

Dùng cho người da thịt tổn thương do bị lạnh.

Bì dưỡng chỉ tẩy dịch (thuốc rửa da liễu)

Cam thảo 30g – Sà sàng tử 30g

Sắc 2 nước. Quết thuốc lên từng vùng trên da, ngày 2 – 3 lần. Nếu da khô pha thêm 1 ít cam du vừa phải và 3g băng phiến.

Dùng chữa cho người già bị bệnh da liễu.

Cam xuyên tẩy dịch (thuốc rửa mắt cam thảo, xuyên tiêu)

Cạm thảo 10g – Xuyên tiêu 10g

Hạnh nhân 10g

Sắc hai nước, trộn lẫn, lọc sạch, dùng nước lọc đó rửa mắt ngày 2-3 lần. Dùng cho người viêm giác mạc.

Cam ngũ tán (thuốc bột cam thảo ngũ vị tử)

Ngũ vị tử 30g – Cam thảo 30g

Nghiền chung thành bột. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 6 – 9g.

Dùng cho người di tinh.

Trúc cam thang (thang cam thảo, lá tre)

Cam thảo 9g – Lá tre 6g

. Hãm nước sôi, uống thay trà nhiều lần.

Dùng cho người bị thấp nhiệt sinh ra đái nhiều, đái gấp, đai bị đau…

Giải độc ẩm (thuốc uống giải độc)

Cam thảo 30g – Đậu xanh 30g

Sắc nước, uống rất nhiều lần. Bài thuốc này có thể giải độc bách dược.

Dùng cho người bị ngộ độc ô đầu và các vị dược phẩm khác.

Cam mật ẩm (thuốc uống cam thảo, mật ong)

Cam thảo 9g – Mật ong 30ml

Giấm 10 giọt

Hãm nước sôi làm trà uống.

Dùng cho người bị viêm phế quản mạn tinh

Cam thảo trà (trà cam thảo)

Cam thảo 30g. Hãm nước sôi, uống nhiều lần, thay trà. Dùng cho người bị ho bách nhật, loét dạ dày, trẻ con bí ỉa.

Kết thạch tán (thuốc tiêu sỏi)

Địa phu tử 30g – Hải kim sa 9g

Cam thảo 6g

Hãm nước sôi, uống nhiều lần thay trà.

Dùng cho người bị sỏi đường tiết niệu.

Giảm phì thang (thang thuốc giảm béo)

Hoàng kỳ 15g – Cam thảo 3g

Tiêu sơn tra 15g – Đại hoàng tươi 2g

Lá sen 10g

Sắc uống thay trà. Dùng cho người bị béo phi.

Thấp độc tẩy tễ (thuốc tẩy độc phát ban)

Cam thảo 30g. sắc nước, rửa vào chỗ đau, ngày .3 – 5 lần

Dùng cho người bừu dái bị phát ban.

Theo “Dược phẩm vựng yếu”

CAM THẢO

Khí vị:

Vị ngọt, khí bình, không độc, đi vào Tỳ kinh, thăng được, giáng được, là dương trong âm dược. Lại vào cả 3 kinh âm. Dùng Bạch truật, Khổ sâm làm sứ, ghét Viễn chí, phản Đại kích, Nguyên hoa, Cam toại, Hải tảo, kỵ lá Tùng, thịt Lợn.

Chủ dụng:

Giải mọi loại độc, lợi đau cuống họng, khỏe Tỳ Vị, bổ Tam tiêu, ngăn đi tả, khát phiên, điều hòa các tính thuốc, chữa đau gấp ở rốn và bụng, tả nhiệt ở tạng phủ, thuốc nhiệt dùng nó để bớt nhiệt, thuốc hàn dùng nó để bớt hàn, bổ tỳ mà hòa trung khí, nhuận Phế mà giải nhiệt, đuôi của nó chữa đau trong Ngọc hành, mắt của nó chữa thũng độc, sang lở, hột của nó trừ nhiệt ở ngực, thân của nó bổ Trung tiêu. Lại nói trị ho gấp, lui khí nghịch, chữa chứng Phế nuy, mửa ra máu mủ, chữa xích bạch lỵ, dưỡng huyết, cứng gân xương, thêm da thịt.

Kỵ dụng:

Phàm khí của Tỳ Vị quá thừa, trong lòng đầy, cùng với các chứng thũng trướng, nôn mửa, đi lỵ lúc mới phát đều không dùng được, chứng đầy ở Trung tiêu thì cấm dùng, thuôc đi xuông Hạ tiêu chớ cho vào. Lại nói bệnh Rượu, bệnh trướng đều kiêng dùng.

Cách chế:

Cam thảo trong vàng, ngoài đỏ, đầy đủ màu sắc quẻ Khôn, quẻ Ly, vị ngọt, khí bình, nhờ công của Mậu kỷ nên điều hòa mọi vị thuốc, chữa trăm thứ tà, có tác dụng vương đạo, vị ngọt ở trung ương mà kiêm cả năm hành, trên dưới, trong ngoài đều dùng được cả.

Dùng sống: thanh nhiệt giải độc, tiêu khát. Sao thơm: bổ Tỳ, Vị, trị Tỳ hư, ỉa chảy.Tẩm Mật sao nhuận bổ.

PHỤ. Nhân trung hoàng trị hết thảy các chứng độc, độc dịch lệ, rất thần hiệu

Cách chế:

Lấy một cái ống tre, cạo bỏ vỏ xanh, bỏ mắt một đầu, dồn Cam thảo bột vào đầy ống, lấy dầu và tro bịt lại, đúng ngày lập đông bỏ vào hố tiêu, sang xuân lấy ra rửa sạch, phơi chỗ râm nửa ngày, rồi lấy bột Cam thảo, phơi khô dùng.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO Bài Cam thảo thang (Hòa tễ cục phương)

Ma hoàng (không bỏ mắt), Hạnh nhân (không bỏ vỏ và đầu nhọn), Cam thảo (không trích) liều lượng bằng nhau. Cùng tán nhỏ, mỗi lần dùng 20g, Gừng tươi 5 lát, sắc nước uống ấm một lần sau bữa ăn (duy nhất), đắp chăn kín, chờ một lúc cho ra mồ hôi. Trị ngoại cảm phong hàn, mũi nghẹt, cơ thể nặng nề, khó nói ra tiếng, hoặc bị gió lạnh nhức đầu chóng mặt, hoa mắt, ho nhiều đờm, hơi thở ngắn.

“Kim quỹ yếu lược”

Bài Cam mạch đại táo thang

Cam thảo 10g, Tiểu mạch 20g, Đại táo 3 quả. sắc, chia uống 2 lần trong ngày. Có tác dụng dưỡng Tâm, an thần, hòa trung, hoãn cấp. Chữa chứng tạng táo hay buồn thương, tinh thần hoảng hốt, hay ngáp, vươn vai. Chứng này đàn bà hay gặp hơn. “Thương hàn luận”

Bài Chích cam thảo thang (Còn gọi là Phục mạch thang) Chích Cam thảo 12-20g, Sinh địa 16-20g, Nhân sâm 8-12g, Đại táo 10 quả, A giao 8-12g, Mạch môn 8-12g, Ma tử nhân 8- 16g, Quế chi 8-12g, Sinh Khương 3-5 nhát.

Rượu 1 bát, nước 5 bát, A giao để riêng, sắc còn 3 bát thì cho A giao (Sao châu) vào khuấy đều cho tan hết, chia uống 3 lần trong ngày. Có tác dụng ích khí bổ huyết, dưỡng Tâm âm, thông Tâm dương, phục hồi mạch. Trị người Tâm hỏa hư, mạch

kết trễ,Tim đập mạnh, khó thở như bệnh Basedow, chất lưỡi nhat, ít rêu, mạch kết đai hoăc hư sác.

Trên lâm sàng thường dùng trị viêm cơ Tim do virus, thấp Tim, bệnh Tâm Phế, động mạch vành, rối loạn nhịp Tim, suy nhược thần kinh, miệng lở loét, rối loạn tiêu hóa, Dạ dày viêm dạng teo, da khô, phiền nhiệt, suy dinh dưỡng.

Gia giảm: Khí hư thêm Nhân sâm, Hoàng kỳ. Âm hư thêm Sinh địa, Mạch môn. Nếu hung dương không hưng phấn thêm Phụ tử. nếu rối loạn nhịp tim thêm Khổ sâm.

-Bài Đại thanh long thang

Ma hoàng 16g, Thạch cao 32g, Hạnh nhân, Quế chi, chích Thảo, sinh Khương đều 8g, Đại táo 4 quả. Trước sắc Ma hoàng, vớt bỏ bọt, sau cho các vị khác vào sắc, uống một lần cho ra ít mồ hôi là được (không uống nữa). Có tác dụng phát hãn, giải biểu, thanh nhiệt, trừ phiền.

Trị các chứng ngoại cảm phong hàn, biểu thực, kiêm lý nhiệt, biểu hiện người sốt, đầu nặng, không ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng. mạch phù khẩn, hữu lưc.

-Bài Cam thảo tả tâm thang

Là bài bán hạ tả tâm thang, bội tăng lượng chích Cam thảo.

(Cam thảo 12g, Đại táo 6 quả, Bán hạ 10g, Hoàng cầm 10g, Can khương 10g, Hoàng liên 5g). Có tác dụng ích khí hòa Vị, giáng nghịch, tiêu bĩ. Trị Vị khỉ hư nhược, khí kết sinh đầv bụng, rối loạn tiêu hóa, bụng sôi, tiêu chảy, nôn khan.

Vương Húc Cao nói: Bán hạ tả tâm thang trị chứng bĩ vì hàn nhiệt giao kết lại cho nên vị đắng cay đều bằng nhau, Sinh khương tả tâm thang trị chứng bĩ vì thủy và nhiệt kết lại cho nên trọng dụng Sinh khương để tán thủy khí, Cam thảo tả tâm thang trị chứng Vị hư bĩ kết cho nên tăng nhiều Chích Cam thảo để bổ trung khí mà chứng bĩ tự khỏi.

0/50 ratings
Bình luận đóng