CẢI BẮP
Tên khác: Bắp cải, Bắp sú, Người Pháp gọi nó là Su (Chon) nên từ đó có những tên là Sú, hoặc các thứ gần gũi với Cải bắp như Su hào, Súp lơ, Su bisen.
Tên khoa học: Brassica oleracea L. var. capitata L.; thuộc họ Cải (Brassicaceae).
Mô tả: Cây thảo có thân to và cứng, mang vết sẹo của những lá đã rụng. Lá xếp ốp vào nhau thành đầu, phiến lá màu lục nhạt hay mốc mốc và có một lớp sáp mỏng, có những lá rộng với một thuỳ ở ngọn lớn, lượn sóng. Vào năm thứ hai cây ra hoa. Chùm hoa ở ngọn mang hoa màu vàng có 4 lá đài, 4 cánh hoa, cao 1,5-2,5cm, 6 nhị với 4 dài, 2 ngắn. Quả hạp có mỏ, dài tất cả cỡ 10cm, chia 2 ngăn; hạt nhỏ cỡ 1,5mm.
Bộ phận dùng: Thân cây trên mặt đất (Herba Brassiae Oleraceae).
Phân bố sinh thái: Là loài rau ôn đới gốc ở Địa Trung Hải được nhập vào trồng ở nước ta làm rau ăn. Thông thường có 3 loại hình. Cải bắp bánh dày, tròn và nhọn. Cải bắp cuốn là cây ưa nắng, không chịu bóng râm, nhất là trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nhiệt độ trên 25oC không thích hợp, nhiệt độ cao liên tục sẽ làm rễ yếu, cây giống ra hoa dị dạng. Cải bắp có 4 thời kỳ sinh trưởng: cây non 5-6 lá trong 22-30 ngày, hồi xanh tăng trưởng 2 ngày; trải lá cuốn bắp 20-25 ngày, cần nhiều nước và phân; thời kỳ cuốn đến khi thu hoạch 10-15 ngày. Ở Việt Nam, cải bắp được trồng ở miền Bắc vào mùa đông làm rau ăn lá quan trọng trong vụ này; cũng được trồng ở Cao Nguyên miền Trung như ở Đà Lạt; còn ở Nam Bộ, trong những năm sau này, do cải tiến về giống nên Cải bắp được trồng khá nhiều và bà con quen gọi là Cải nồi.
Thành phần hóa học: Người ta đã biết thành phần của Cải bắp: nước 95%, protid 1,8%, glucid 5,4%, cellulose 1,6%, tro 1,2%, phosphor 31mg%, calcium 4,8mg%, sắt 1,1mg%, magnesium 30mg%. Lượng vitamin C trong Cải bắp chỉ thua Cà Chua, còn nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, gấp 3,6 lần so với Khoai tây, Hành tây. 100g cải bắp cung cấp cho cơ thể 50 calo.
Tính vị, tác dụng: Cải bắp có vị ngọt, tính mát, có nhiều tác dụng như bồi dưỡng, trị giun, tẩy uế, trừ sâu bọ, làm dịu đau, chống hoại huyết, lọc máu, chống kích thích thần kinh.
Công dụng:
– Cải bắp thường được dùng làm rau để chế biến các loại thức ăn như rau luộc, rau xào với thịt nạc và tôm như các món xào khác, nấu canh thịt; cũng dùng làm nộm, muối dưa ăn xổi như muối dưa cải gia thêm tỏi, rau răm, đường, muối; cải bắp muối xổi ăn giòn, hơi mặn, hơi chua, thơm mùi rau răm, tỏi. Khi có nhiều thì đem muối vào khạp chứa muối và phèn chua, rồi ngâm trong một vài tuần thì cải bắp sẽ chua và ăn được. Người ta còn nhồi thịt lợn nạc băm nhỏ vào các lá Cải bắp để hầm nhừ, hoặc dùng các Lá Cải bắp cuốn thịt nạc để vào xửng mà hấp. Cải bắp đã được sử dụng làm thuốc ở châu Âu từ thời Thượng cổ. Người ta đã gọi nó là “Thầy thuốc của người nghèo”.
– Ngày nay, người ta đã biết nhiều công dụng của Cải bắp. Trước hết, nó là loại thuốc trị giun tốt. Dùng đắp ngoài để tẩy uế và làm liền sẹo các vết thương, mụn nhọt, các vết thương độc, đồng thời là loại thuốc trừ sâu bọ đốt (ong, ong vò vẽ, nhện…). Còn là loại thuốc dịu đau trong bệnh thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh hông (lấy các lá cải bắp rồi dùng bàn là ủi cho mềm, sau đó đắp lên các phần bị đau). Nó làm sạch đường hô hấp bằng cách hoặc dùng đắp (trị viêm họng khản tiếng) hoặc uống trong (ho, viêm sưng phổi). Cải bắp cũng là thuốc chống hoại huyết, trị lỵ và cung cấp cho cơ thể một yếu tố quan trọng là lưu huỳnh (S). Nước cải bắp dùng lọc máu. Sau hết, nó là loại thuốc mạnh để chống kích thích thần kinh và chứng mất ngủ. Những người hay lo âu, các thí sinh đi thi, các người bị suy nhược thần kinh, những người mệt mỏi liên miên nên dùng Cải bắp thường xuyên.
class="MsoPlainText" style="margin-bottom: .0001pt;margin-bottom: 0cm;margin-left: 0cm;margin-right: 0cm;margin-top: 6.0pt;text-align: justify;text-indent: 14.2pt">– Trong thời gian gần đây, người ta đã sử dụng Cải bắp để chữa đau dạ dày, Năm 1948, người ta đã phát hiện trong cải bắp có chứa vitamin U có tác dụng chống viêm loét, kích thích quá trình tái sinh tế bào trong niêm mạc dạ dày và ruột; do đó, cải bắp có thể dùng làm thuốc chống loét dạ dày, ruột tá (tá tràng) viêm dạ dày ruột, đau đường ruột, viêm đại tràng. Vitamin U bị huỷ ở nhiệt độ cao, nên người ta phải dùng nước ép Cải bắp tươi. Một kg lá Cải bắp tươi sẽ cho ta từ 500ml tới 700ml nước ép; nếu giã lấy nước cốt thì được 350-500ml. Dùng nước ép hoặc nước cốt cải bắp uống trong ngày với liều 1000ml chia làm 4-5 lần uống (có thể pha thêm đường hay muối, dùng nóng hay lạnh). Điều trị liền trong vòng hai tháng, thấy có kết quả rõ rệt đối với bệnh nhân có ổ loét chưa sâu lắm. Có thể dùng lọ sành, lọ thuỷ tinh hoặc xoong tráng men đựng nước cải bắp cất vào tủ lạnh để uống dần. Nhưng không được để trong tủ lạnh quá hai ngày đêm vì các vitamin dễ bị phân huỷ.