BẠC HÀ Á
Tên khoa học: Mentha arvensis L.
Họ Hoa môi – Lamiaceae
Đặc điểm thực vật và phân bố:
Cây thảo, cao khoảng 0,20 – 0,70m. Thân vuông. Lá mọc đối, chéo chữ thập, hình trái xoan có khía răng cưa. Cụm hoa mọc vòng xung quanh kẽ lá. Hoa nhỏ, đài hình chuông, tràng hình ống.
Bạc ha Á ở Việt Nam có 2 nguồn gốc:
1. Bạc hà bản địa: Mọc hoang ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu. Cây có thể cao đến 1,50m. Thân màu xanh, xanh lục hoặc tím. Loại này đưa về đồng bằng trồng cho năng suất cây xanh cao, nhưng hiệu suất tinh dầu và hàm lượng methol trong tinh dầu thấp nên không có giá trị kinh tế. Ngoài ra, còn phát hiện các chủng mọc hoang khác ở một số vùng khác nhau, phổ biến nhất là chủng giàu piperiton oxyd và pulegon.
Hiện nay ở vùng Nghĩa Trai (Hưng Yên) có trồng một loại Bạc hà hoa mầu trắng hồng, mọc vòng quanh kẽ lá. Thành phần menthol trong tinh dầu loài Bạc hà này rất thấp (3,6 – 8,2%), trong khi đó tỷ lệ pulegon lại khá cao (33,0-56,5%). Loại này được bán trong vùng để sử dụng làm thuốc.
2. Bạc hà di thực: Có nhiều chủng loại:
Bạc hà 974.
Bạc hà 976.
Bạc hà Đài Loan.
Một số giống đang nghiên cứu TN – 8 và TN – 26.
Bạc Hà Nhật
Giống bạc hà 974 được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh phía Nam. Những năm cuối thập kỷ 70, bạc hà được phát triển nhiều nhất. Hiện nay giống bạc hà của Nhật đang được trồng nhiều ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ và một số tỉnh ở Trung bộ. Trên thế giới, bạc hà Á được trồng nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Paraguay, Triều Tiên.
Trồng trọt và thu hoạch
– Trồng bạc hà bằng thân ngầm.
– Thời vụ trồng: Tháng 2 – 3.
– Thu hoạch vào thời kỳ cây bắt đầu và đang ra hoa (khoảng 90 ngày sau khi trồng). Có thể thu hoạch 2 lần (miền núi), 3 lần (các tỉnh đồng bằng) hoặc 5 lần (các tỉnh phía Nam).
Sản lượng hàng năm trên thế giới là 4.300 tấn (1990). Các nước sản xuất chính: Trung Quốc (2.000 tấn), Ấn Độ (1.200 tấn), Paraguay (800 tấn), Bắc Triều Tiên (200 tấn), Đài Loan (50 tấn, Việt Nam (20 tấn).
Bộ phận dùng
– Thân, cành có mang lá và hoa (Herba Menthae):
Đặc điểm vi học của bột dược liệu: Mảnh biểu bì có mang lỗ khí có 2 tế bào đi kèm đặt vuông góc với khe của lỗ khí. Lông tiết đầu đa bào, chân đơn bào (hình bánh xe). Lông che chở đa bào.
– Tinh dầu bạc hà (Oleum Menthae arvensis): Là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, mùi thơm đặc biệt, vị cay mát. d20: 0,890 – 0,992, D20: – 20 đến – 400, nD20: 1,455 – 1,465.
– Menthol tinh thể.
Thành phân hoá học
1. Tinh dầu: 0,5% trên dược liệu khô tuyệt đối (theo yêu cầu của DĐVN IV).
2. Flavonoid.
Thành phân hoá học chính của tinh dầu là l – menthol, thường là trên 70%. Ngoài ra còn có menthol este, menthon, các hợp chất hydrocarbon monoterpenic. DĐVN IV  qui định hàm lượng menthol toàn phần là 60%, trong đó menthol este không được quá 9%.
Công dụng
Bạc hà Á (Mentha arvensis) được ghi trong DĐVN IV và được dùng chủ yếu trong Y học cổ truyền. Bạc hà được xếp vào nhóm tân lương giải biểu, có tác dụng phát tán phong nhiệt, chữa cảm nóng không ra mồ hôi. Ngoài ra còn dùng để chữa các triệu chứng tiêu hoá kém, thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác dưới dạng thuốc sắc.
Nói chung ở các nước khác trên thế giới, bạc hà Á được trồng chủ yếu là để cất lấy tinh dầu.
Tinh dầu:
– Dùng chiết xuất menthol: Do hàm lượng menthol trong tinh dầu cao (trên 75%), bạc hà Á được coi là nguồn nguyên liệu thiên nhiên để chiết xuất menthol.
– Phần tinh dầu còn lại, còn đạt tiêu chuẩn Dược điển, dùng để chế dầu cao xoa bóp.
– Menthol có tác dụng kháng khuẩn, chống co thắt, giảm đau, kích thích tiêu hoá, chữa hôi miệng. Nhu cầu menthol trên thế giới vào khoảng 5.600tấn/năm, trong đó

3.600 tấn là menthol tự nhiên, còn lại là nguồn tổng hợp. Menthol được dùng trong nhiều ngành kỹ nghệ: Kỹ nghệ dược phẩm (1.550 tấn/năm), kỹ nghệ bánh kẹo (570 tấn), kỹ nghệ sản xuất thuốc lá (1.350 tấn), sản xuất thuốc đánh răng, và các chế phẩm khác cho vệ sinh răng miệng (1.800 tấn), sản phẩm cạo râu (250 tấn) v.v.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

0/50 ratings
Bình luận đóng