Bánh Việt Nam thường được chế biến từ bột gạo. Gạo là loại lương thực chính của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Người Việt Nam quan niệm gạo hay các món ăn chế biến từ gạo thì dễ tiêu, chắc bụng mà lại lành. Món bánh đúc được chế biến từ bột gạo, từ lâu đã thành một món ăn quen thuộc của người Việt Nam từ Bắc đến Nam, từ thành thị đến nông thôn. Tuy vậy, chiếc bánh đúc của miền Bắc cũng hơi khác với bánh đúc miền Trung và cũng không giống với chiếc bánh đúc của miền Nam. Món bánh đúc nhân mặn là món bánh miền Nam với hương vị béo, thơm quen thuộc của nước cốt dừa và các nguyên liệu phong phú khác tạo nên một món ăn hấp dẫn…
Nguyên liệu
150g bột gạo tẻ
20g bột năng
200g dừa nạo
50g thịt nạc dăm
50g tôm khô
100g củ sắn xắt sợi
Hành lá, ngò, chanh, ớt
Nước mắm, giấm, đường, nước dừa tươi, dầu ăn
Thực hiện
Thịt nạc, củ sắn cắt nhuyễn.
Tôm khô ngâm mềm, giã bông.
Dừa nạo vắt lấy 1 lít nước.
Trộn bột với nước cốt dừa. Nêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng xúp đường.
Củ sắn luộc, vắt ráo. Xào thịt, củ sắn, tôm khô. Nêm 1 muỗng cà phê đường.
Pha nước mắm: Nước mắm pha dùng để chấm bánh đúc có vị ngọt tự nhiên của nước dừa xiêm và vị chua nhẹ của chanh, được thực hiện với công thức sau: 3 muỗng canh nước mắm, 2/3 chén nước dừa xiêm cô đặc, 1 muỗng canh đường, 1 tép tỏi băm nhỏ, 1 muỗng cà phê nước cốt chanh. Hòa tan nước dừa, đường, nước mắm với nhau, khuấy cho tan đường. Vắt chanh và cho tỏi băm vào. Khi dọn ra mới cho ớt băm vào cho hấp dẫn.
Hấp bánh: Đặt xửng lên bếp, chờ nước trong xửng sôi. Khuôn thoa dầu, cho vào xửng. Cho 1/2 lượng bột vào khuôn. Hấp bột gần chín, cho một lớp nhân vào bánh. Tiếp tục hấp cho bánh chín kỹ. Cho tiếp lượng bột còn lại vào, tiếp tục hấp bánh cho chín.
Trình bày
Nhắc bánh ra khỏi xửng, để nguội, gắn lá ngò trên mặt bánh.
Bánh đúc được ăn với nước mắm pha bằng nước dừa xiêm. Khi ăn, cắt bánh thành miếng nhỏ, vừa ăn (vuông 3 đến 4 cm) xếp ra đĩa, sao cho phần nhân nổi rõ bên trên. Xếp vài lá ngò, ớt. Dọn kèm với nước mắm pha, dọn chung với nước mắm pha.