Hàm răng, mái tóc là góc con người, cổ nhân ta đã dạy thế. Răng là bộ phận không kém gì mắt. Đã đành mắt là tâm hồn thì răng chính là cái duyên của tâm hồn. Các bạn thử nghĩ xem có đúng không? Khi tiếp xúc, bạn nhìn vào mắt người ta rồi sau đó nở một nụ cười duyên dáng thì sẽ làm người ta dễ dàng xao xuyến.
Mục lục
- Thế nào là hàm răng đẹp
- Phòng bệnh giữ gìn hàm răng như thế nào.
- Vậy đánh răng thế nào cho đúng?
- Có bạn hỏi có nên chải răng sau mỗi khi ăn không?
- Có bạn hỏi thuốc súc miệng có nên dùng không?
- Có bạn hỏi hiện nay có nhuộm trắng được răng không?
- Có khắc phục được hàm răng lệch lạc không?
- Răng khôn răng dại và lợi tràn
- Răng duyên đó là cái răng nanh mọc “lẫy” hoặc mọc “khểnh” ra ngoài một chút.
Thế nào là hàm răng đẹp
Nụ cười mê hồn của nàng Tây Thi thời xưa ở Trung Quốc là vậy. Nhưng chỉ với hàm răng đều đặn, trắng đẹp thì mới trở thành một nụ cười duyên được chứ răng đen như ngày xưa thì bây giờ chẳng chiếm được cảm tình với ai. Vậy chúng ta muốn có một hàm răng trắng đẹp thì cần phải có những yêu cầu gì và sự giữ gìn như thế nào.
Những bệnh làm cho răng không đẹp đó là bệnh sâu răng và bệnh nha chu viêm. Nó làm hôi thối, đau đớn, răng nhanh rụng, lệch lạc. Bạn có thể tự giữ gìn cho bản thân và đồng thời giữ gìn cho con các bạn mà không hề tốn tiền miễn là bạn phải học hỏi những điều sau đây:
Không được bọc vàng bọc bạc hay cùng những chất màu lên răng bình thường. Ngay những người răng bị sâu hỏng không phải lúc nào cũng đi làm răng, bọc răng vì hiện nay kỹ thuật bọc vàng, làm cần răng còn chưa cao. Những chỗ bọc ấy không khít vào với thân răng, lâu ngày gây nên hôi thối do thức ăn nhét vào kẽ bọc, chụp răng lên men thối. Riêng một số tiệm làm răng bằng vàng hoá học (chứ không phải vàng thật) thì càng nguy hiểm. Hiện nay y tế đã cấm không được dùng vàng hoá học để bọc răng nhưng một số người không hiểu biết và tham lợi vẫn còn dùng nó gây nên một ngộ độc nhẹ như nôn mửa, tanh miệng, dị ứng gây độc hại cho thận, gan trong cơ thể.
Chất vàng hoá học ấy thực chất chính là hợp chất kim loại gồm:
đồng | 65% |
kẽm | 33% |
nhôm | 2% |
Khi tiếp xúc lâu ngày với nước bọt và muối mặn trong các thức ăn hàng ngày phản ứng thành chất muối đồng (gây nên hiện tượng tanh đồng) rất nguy hại cho cơ thể.
Ngày nay người ta ít có xu hướng bọc răng vàng bạc mà thường dùng các loại men sứ, men trắng polyme tổng hợp rất phù hợp với răng trắng.
Gần đây người ta trám bề mặt răng bằng chất liệu khá tốt “Composite” với máy quang trùng hợp hoặc hoá trùng hợp khá hữu hiệu để khắc phục những hàm răng bị ố vàng hoặc nhiễm đen. Nhưng ở Việt Nam cũng chỉ được một thời gian nhất định vì dễ bong ra do nhiều yếu tố kỹ thuật và độ ẩm cao. Cần phải đến các cơ sở chuyên khoa cao và thầy thuốc có kinh nghiệm tốt mới đạt yêu cầu.
Một hàm răng đẹp cần đạt 3 yêu cầu sau đây:
- Hàm răng đều đặn không lệch lạc, không vẩu.
- Răng không bị đổi màu xanh, xám, đen, vàng mà phải trắng muốt hoặc trắng ngà.
- Răng không bị viêm lợi, không bị lung lay.
Muốn vậy ta phải xem xét nghiên cứu từng điểm trên để đạt được yêu cầu sau:
Muốn đạt được hàm răng đều đặn, không lệch lạc, không vẩu thì ta phải chăm sóc con cái từ lúc còn rất nhỏ thậm chí từ lúc mang thai, người mẹ phải ăn đầy đủ, bổ dưỡng đặc biệt là chất calci. Bạn có thể uống calci hay thuốc ống B12 calci forte bán ở các hiệu thuốc hoặc ăn các chất xương hầm nhừ càng tốt, các chất có chứa vitamin A, D, B2, B1… Phụ nữ trong thời gian mang thai và cho con bú cũng dễ bị sâu răng vì chất Calci có trong sữa được đưa vào trẻ nhỏ khá nhiều nên phải ăn uống đủ chất calci và vitamin hàng ngày. Trẻ gái khi còn nhỏ thường thích ăn kẹo bánh ngọt cũng là một yếu tố gây sâu răng. Bạn nên nhổ là đường, kẹo nếu ăn buổi tối mà không đánh răng thì dễ gây nên sâu răng nhanh vì đường ngọt sẽ lên men chua và gặm nhấm chất vôi non trẻ của răng trẻ em và trở thành sâu răng.
Sâu răng mới đầu chỉ là một chấm trắng đục trên mặt hoặc thân răng sau đó lan dần to ra và sâu xuống tạo thành một lỗ hổng nhét các thức ăn vào lên men và cứ thế tiếp tục to thêm, sâu thêm. Lúc này ta thường cảm thấy ê buốt khi ăn, khi uống nóng, lạnh nhưng những triệu chứng đó sẽ hết ngay khi ta ăn uống xong.
Trái lại, khi ta không ăn không uống mà vẫn đau liên tục, đau ghê gớm, đau chảy nước mắt, đau buốt lên đầu đó là triệu chứng tuỷ răng đã bị viêm (ai đã một lần đau răng kiểu này thì nhớ đời). Nếu không chữa kịp thời thì viêm tuỷ cấp tính sẽ trở thành mãn tính và gây viêm khớp răng, gây lung lay răng và cuối cùng trở thành biến chứng một khối u hạt dưới chân răng rồi phá xương hàm gây nên dò xương hôi thối và nhiễm trùng rất khó chữa.
Thậm chí, nếu nặng có thể gây nhiễm trùng máu chết người hoặc gây viêm mống mắt (hàm trên), gây mù loà, gây viêm xoang hàm hôi thối hoặc viêm tác xoang nhanh chóng đưa đến tử vong. Nếu nhẹ thì cũng gây áp xe, mủ vào ruột gây viêm ruột, dạ dầy, gan, thận, khớp… Như vậy, để thấy răng khi mới chỉ là sâu răng các bạn nên đến ngay bệnh viện để xin hàn răng (không đầy 15 phút) là bạn có thể chặn đứng được một hiểm hoạ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, răng có tốt thì bạn mới ăn uống tốt mới nhai kỹ (có nước bọt) thức ăn và mới chuyển tất cả chất bổ dưỡng vào nuôi cơ thể khoẻ mạnh được.
Phòng bệnh giữ gìn hàm răng như thế nào.
Cách phòng răng hữu hiệu nhất hiện nay trên thế giới là đánh răng với bàn chải có thuốc đánh răng hàng ngày sáng và tối (chủ yếu là buổi tối trước khi đi ngủ). Bàn chải đánh răng thì phải mềm mại (không cứng quá gây xây xát lợi, không mềm quá không có tác dụng xỉa vào các kẽ răng) vừa phải, không được quăn queo. Hiện nay các bàn chải như OralB, Aquefresh của Mỹ hoặc Colgate của Tây Đức rất đầy đủ tiêu chuẩn vì bền tốt. Bàn chải đánh răng phải để nơi khô ráo và dốc ngược cán xuống dưới để tránh ẩm ướt bàn chải.
Ngoài cách đánh răng với bàn chải còn có phương pháp cọ giây (chỉ tơ nha khoa) làm sạch răng cũng đã xuất hiện ít ỏi trên thị trường Việt Nam. Tức là dùng một loại giây nhỏ và dài cuộn thành hợp đã hấp vô trùng, đường kính dẹt chừng 1/2 milimét lấy từng đoạn dài hơn một gang tay cho vào kẽ răng kéo đi kéo lại làm sạch thân và cổ răng mà không gây xây xát cho lợi sau khi ăn xong bữa chính rồi súc miệng sạch. Phương pháp này rất tốt nhưng không đánh kỹ được mặt răng.
Một điểm cần chú ý nữa là bạn phải tập ngay lúc còn trẻ hoặc tập cho con cái bạn đừng xỉa tăm vì đó là một tật xấu (tăm của ta không đủ vệ sinh, cần hấp lại, vót lại cho đủ nhỏ, thon, nhọn và hơi dẹt) dễ gây viêm lợi do chọc vào lợi, dễ gây rộng kẽ răng làm dắt thức ăn và dễ gây mòn thân cổ răng, gây ê buốt cổ răng. Nếu chẳng may khi ăn bị dát thức ăn vào răng, thì bạn phải vót cẩn thận tăm đủ nhỏ, mềm mại (không dùng tăm cật) chọc nhẹ nhàng đẩy thức ăn ra chứ đừng chọc bừa xuống lợi cho đã ngứa rất nguy hiểm.
Thuốc đánh răng có Flour rất cần thiết cho trẻ em và cho người lớn vì hiện nay tỉ lệ sâu răng của Việt Nam khá cao, khoảng 60- 70% trong lứa trẻ.
Flour là chất khoáng hiếm rất cần cho sự phát triển răng. Hàng ngày trẻ em có thể súc miệng bằng nước có Flour hoặc uống viên Flour (liều lượng hỏi thầy thuốc nha khoa).
Cách đánh răng: điều này tưởng bình thường nhưng theo điều tra của chúng tôi thì hầu hết các bạn chưa biết kỹ thuật đánh răng, nên hàng ngày cho dù vẫn đánh răng đều mà vẫn bị sâu răng và viêm lợi.
Vậy đánh răng thế nào cho đúng?
Tôi hướng dẫn các bạn đánh răng như sau:
Đối với mặt nhai của hàm răng các bạn đánh bàn chải xoay tròn nhiều lần nhẹ nhàng trên mặt nhai, xoay đi rồi xoay lại.
Đối với mặt ngoài và trong vùng răng cửa trên và dưới thì cầm bàn chải đánh dọc lên trên và xuống dưới nhiều lần sau đó đánh ngang thân răng như các bạn thường đánh.
Đối với các mặt ngoài và trong răng hàm thì cũng đánh mặt chải dọc trên xuống, dưới lên rồi đánh ngang thân răng (đánh dọc theo hướng kẽ răng nhằm chải thức ăn nổi gốc kẽ lợi xuống và ra ngoài).
Cần chú ý để mặt bàn chải chạm vào lợi cổ răng nhẹ nhàng để thể dục xoa bóp cho lợi rắn chắc chứ không phải chỉ đánh thân răng. Đánh xong tốt nhất bạn nên rửa sạch ngón tay trỏ rồi chà xát nhẹ nhàng tất cả vùng lợi của hàm răng để hỗ trợ cho lợi thêm săn chắc, chống viêm lợi rất có kết quả.
Có bạn hỏi có nên chải răng sau mỗi khi ăn không?
Tốt chứ nhưng nhỏ chải nhẹ nhàng để đưa hết thức ăn ra ngoài (không cần đánh kỹ).
Có bạn hỏi thuốc súc miệng có nên dùng không?
Có chứ! Có nhiều loại nhưng thường người ta pha nước bạc hà 5% làm thơm miệng và sát trùng đồng thời có thể dùng khò khò trong họng để phòng ngừa viêm họng và chống thối hôi miệng .
Nếu có điều kiện bạn tự pha chế dung dịch sau để đánh trắng bóng răng và ngừa sâu răng:
- Natri-mêta-phosypate 38%
Silicat vừa đủ
Flourua 0,4%
- Hoặc than bột gỗ nghiền mịn 40%, dùng đánh răng hàng ngày.
Cần loại bỏ một số cách đánh răng trắng của một số bạn thường dùng sau đây:
- Đánh bằng cát sống hoặc cát biển. Tuy rằng chóng trắng, sạch nhưng vì cát quá cứng dễ làm xây xát men răng để hỏng mặt răng.
- Dùng acid để đánh tráng răng – rất trắng nhung sau đó sẽ trở thành màu vàng. Cách đánh tráng răng này thường xẩy ra ở các hiệu tư nhân không được học có bằng cấp do y tế cấp.
- Dùng mảnh chai, cật tre nứa để cạo răng cũng làm xây xát, hỏng men răng.
Hàng tuần nếu có điều kiện và vật liệu bạn có thể dùng khăn mặt bông chấm bột than gỗ nghiền rất mịn chà xát chừng 15 phút vào toàn bộ hàm răng để hấp phụ tất cả các chất hôi thối đọng lại ở kẽ răng và đồng thời hấp phụ chất màu làm trắng răng. Bạn chỉ nên làm như vậy một lần trong một tuần.
Có bạn hỏi hiện nay có nhuộm trắng được răng không?
Có chứ! nhưng hiện nay đang ở thời gian dùng thử nghiệm tại Việt Nam nhưng mất nhiều công và cũng có thể nhuộm tẩy tại nhà bằng cách cho thuốc bán sẵn của các hãng sản xuất nha khoa của Mỹ, CHLB Đức, CHLB Nga, Pháp vào một máng nhựa ngậm hàng ngày. Loại thuốc này chỉ tẩy nhuộm trắng những răng có nhiễm màu vàng xanh, vàng nâu chứ không tẩy nhuộm trắng được các răng bị nhiễm màu Tetraxycline xám đen.
Những bạn có răng như vậy có thể đi dán mặt răng bằng các loại nhựa quang trùng hợp ở các chuyên khoa RHM nhưng cũng dể bong lám nhất là khi tháo ra thì càng dễ bị nham nhở.
Nếu không có gì phiền phức thì bạn cứ để tự nhiên như vậy và chờ khoa học tiến lên xem có phương pháp tẩy trắng răng hiệu nghiệm hơn không.
Một số bạn tẩy trắng răng bằng nước oxy già loại đậm đặc. Xin có lời khuyên là không nên dùng vì trắng răng nhanh thật đấy nhưng răng bạn sẽ bị xốp và mềm thì lợi chẳng bằng bất cập hại.
Có khắc phục được hàm răng lệch lạc không?
Có chứ ! Nhất là lúc còn ít tuổi bạn cần có kiến thức vững vàng hướng dẫn cho con và cho mình. Như bạn đã biết, hàm răng hoàn toàn trở thành đều đặn là do mình nhổ răng sữa đúng thời gian cần thiết và nếu lẫy, lệch rồi thì cần phải đi nắn lại ở các phòng chỉnh hình răng miệng cho đến tuổi 20 nhưng càng sớm càng dễ nắn. Tuy nhiên, khi bạn đã ở độ tuổi 30, 40 vẫn có thể chỉnh lại được bằng phương pháp phẫu thuật chỉnh hình, tất nhiên là phiền phức, nhưng biết làm sao được, muốn đẹp cũng phải trả một giá chứ nhỉ.
Hệ thống răng cửa có 20 răng, hàm trên 10 răng, mỗi bên có 5 răng từ 1 đến 5 ký hiệu bằng chữ số la mã I, II, III, IV, va V.
Thường răng lệch lạc là do răng sữa rụng quá chậm mà mình không để ý.
Các bạn theo dõi bảng dưới đây về thời gian răng sữa cần phải mọc. Nếu quá thời gian này mà răng sữa còn chưa rụng mà răng vĩnh viễn chưa mọc lên thì cần phải đến xin ý kiến của bác sĩ nha khoa ngay để nhổ răng sữa đi tạo điều kiện cho răng vĩnh viễn mọc lên.
A/ Thời gian răng sữa mọc như sau:
Răng cửa giữa dưới: 6- 8 tháng
Răng cửa giữa trên: 7- 9 tháng
Răng cửa bên dưới: 8- 10 tháng
Răng cửa bên trên: 9- 10 tháng
Răng nanh dưới: 16- 20 tháng
Răng nanh trên: 18- 22 tháng
Răng hàm thứ nhất dưới: 12- 16 tháng
Răng hàm thứ nhất trên: 16- 20 tháng
Răng hàm thứ hai dưới: 20- 30 tháng
Răng hàm thứ hai trên: 24- 32 tháng
B/ Thời gian răng vĩnh viễn cần mọc như sau:
– Răng cửa giữa : 6- 8 tuổi (sau 8 tuổi chưa
– Răng cửa giữa : 6- 8 tuổi (sau 8 tuổi chưa mọc là chậm)
– Răng cửa bên : 7- 9 tuổi
– Răng nanh : 8-13 tuổi
– Răng hàm nhỏ 1 : 7-11 tuổi
– Răng hàm nhỏ 2 : 7-11 tuổi
– Răng hàm lớn 1 (tức răng số 6) : 5- 8 tuổi
– Răng hàm lớn 2 (tức răng số 7) : 8- 13 tuổi
Răng khôn răng dại và lợi tràn
Răng khôn chính là răng số 8. Hàm răng vĩnh viễn có đủ 32 chiếc mới là trưởng thành. Nhưng cái răng cuối cùng “khôn” này có khi lại mọc ở tuổi 30- 40 kia đấy. Tuy nhiên vào tuổi 17- 18 thì răng khôn đó phải mọc rồi, nên ta thường gọi nó là răng trưởng thành khôn lớn.
Khốn nỗi răng khôn mọc sau cùng nên dễ bị các răng khác mọc trước đã chiếm hết chỗ cho nên bạn nào có xương hàm ngắn dễ dàng bị răng khôn mọc lệch (đầu mặt nó chúi đầu húc vào răng số 7 ở phần thân răng làm sâu lõm thân răng số 7 và gây viêm tuỷ răng, viêm khớp răng. Ngoài ra, còn gây rất đau đớn phải nhổ răng mới hết đau mà nhổ răng số 8 cũng rất khó. Trước đây kỹ thuật nhổ răng và dụng cụ nhổ răng thường chưa tốt cộng với việc bệnh nhân đến chậm nên bị biến chứng có mủ gây dò xương, nên nhổ răng này dễ gây nguy hiểm gãy xương hàm hoặc nhiễm trùng chết người. Vì vậy, người ta mới gọi chệch là răng dại. Ngày nay, y học đã tiến bộ nhiều nên việc nhổ răng khôn mọc lệch dễ dàng và an toàn hơn nhiều. Các bạn đừng lo. Miễn là khi có hiện tượng đau răng khôn thì phải đến xin khám ngay ở phòng nha khoa.
Một bệnh nữa là lợi tràn vùng răng khôn cũng rất hay gặp vì bị thức ăn nhét vào túi lợi mà một phần lợi chùm lên mặt răng khôn, dễ gây viêm nhiễm và áp xe lợi, gây đau đớn, sưng góc hàm, không ăn uống gì được, gây cứng hàm, không mở to miệng được và phồng rộp. Bạn đừng lo lắng, đến nha khoa ngay vì ở đấy nha sĩ có cách phẫu thuật cắt lợi tràn bằng dao mổ hoặc dao nhiệt điện (thermocantyere) cộng với một liều kháng sinh là bạn khỏi ngay.
Răng duyên đó là cái răng nanh mọc “lẫy” hoặc mọc “khểnh” ra ngoài một chút.
Nhưng chính cái răng mọc khểnh vô trật tự này không hiểu tại sao nó lại vô tình làm đẹp duyên tình cho chị em Việt Nam chúng ta. Nhưng chỉ đối với Việt Nam thôi vì cái răng duyên này thì ở các nước Âu châu họ lại không thấy đẹp mà họ cần phải nhổ bỏ đi hoặc nắn lại thì mới cho là đẹp. Thế mới biết cái đẹp phụ thuộc vào yếu tố dân tộc hoặc sở thích riêng của từng người. Ví dụ, hàm răng vẩu đều cả trên lẫn dưới đối với dân tộc châu Phi thì lại là bình thường, là đẹp. Trái lại ở Châu Âu hai hàm răng hơi lẹm, mũi hơi lõ, lại là bình thường, có phải thế không các bạn?
Cũng như vậy màu da đen, vàng, trắng, đỏ cũng phù hợp với mỗi xứ sở, dân tộc.