Các yếu tố vi lượng hay “yếu tố vết” là các kim loại hoặc á kim có trong cơ thể với lượng rất thấp (< 0,01%) và rất cần thiết (với lượng rất nhỏ) đối với một số protein, hormon và enzym. Ở các nước phát triển, các yếu tố này được cung cấp đầy đủ trong thức ăn nhưng các chế phẩm vẫn cần thiết cho việc phòng ngừa và cung cấp cho những bệnh nhân được nuôi dưỡng dài ngày bằng đường tiêm.
Crôm: là yếu tố phụ cho yếu tố dung nạp glucose. Yếu tố này có trong men bia, cùng với insulin, có tác dụng tăng cường sử dụng glucose ở mô. Nhu cầu là vào khoảng 20 μg/ngày. Thiếu crôm làm giảm khả năng dung nạp glucose. Đôi khi gặp ở người bị tiểu đường phụ thuộc insulin, ở phụ nữ mang thai, khi bị suy dinh dưỡng thiếu protein năng lượng và ở một vài thể Kwashiorkor. Chế độ ăn cân đối cung cấp hơn 100 μg crôm/ngày.
Côban: là thành phần của vitamin B12 (cobalamin). Chế độ ăn cân đối . cung cấp 0,05 – 1,8 mg côban /ngày là lượng cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp bình thường vitamin B12. Đậu lăng và nấm mồng gà chứa nhiều côban. Các triệu chứng đặc hiệu do thiếu côban còn chưa rõ. Cho trẻ uống các muỗĩ côban nguy hiểm và có thể gây rối loạn tuyến giáp và tim. Côban được sử dụng làm chất ổn định trong quá trình sản xuất bia: uống quá nhiều bia có thể dẫn đến nhiễm độc côban, thể hiện bằng bệnh ở cơ tim. Nồng độ bình thường trong huyết thanh la < 0,5 μg/1.
Đồng: là thành phần của nhiều enzym và có vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp hemoglobin và các cytochrom. Trong huyết thanh, phần lớn đồng gắn vào một alpha-2-globulin là ceruloplasmin (xem bệnh này). Nhu cầu vào khoảng 30 – 40 μg/kg/ngày. Chế độ ăn cân đối cung cấp 2 – 5 mg đồng/ngày. Trong phần lớn thức ăn có vết đồng. Gan, loài tôm cua, ngũ cốc, ca cao, rỉ đường là các thức ăn có nhiều đồng. Protein huyết giảm trong Kwashiorkor hoặc trong hội chứng thận hư ở trẻ có thể dẫn đến thiếu đồng, có thiếu máu, giảm bạch cầu và rối loạn cốt hoá. Thiếu đồng có thể là nguyên nhân hãn hữu gây thiếu máu tan huyết ở người lớn. Hội chứng Menkes (xem hội chứng này) có rối loạn bẩm sinh vận chuyển đồng qua niêm mạc ruột. Bệnh Wilson (xem mục bệnh này) là một rối loạn nặng về chuyển hoá đồng.
Flo: bình thường có dưới dạng các muối phức trong xương, nhất là trong men răng. Với liều thấp, flo có tác dụng chống sâu (hà) răng. Nhu cầu flo là khoảng 0,5 mg/ngày (trẻ dưới 3 tuổi) – 1 mg/ngày (trên 3 tuổi). Thêm flo (florua) vào nước uống làm giảm tỷ lệ sâu răng (xem florua natri).
Nước ở một số vùng rất ít flo và chế độ ăn bình thường không cung cấp đủ flo cần thiết cho phòng chống sâu răng. Trong trường hợp này, người ta bổ sung flo cho trẻ em hoặc cho flo vào nước uống (khoảng 1 mg/1) hoặc vào muối ăn. Các thức ăn giàu flo là: cá, một số rau (rau dền, rau cải), nước khoáng Vichy.
lod: là yếu tố cần thiết để tổng hợp hormon tuyến giáp. Nhu cầu vào khoảng 100 – 300 pg/ngày. Đất ở các vùng núi ít iod. Để tránh bướu cổ, người ta thêm iod vào muối ăn (5 – 76 μg iod/1 g muối ăn tuỳ theo từng nước). Các thức ăn giàu iod là: cá, hải sản. Phần lớn hoa quả có vết iod. Thiếu iod gây suy tuyến giáp bẩm sinh.
Mangan: là thành phần của nhiều enzym (ví dụ: phosphatase kiềm) nhưng không có triệu chứng đặc hiệu của thiếu mangan. Nhu cầu ở người lớn vào khoảng 2 -3 mg/ngày (có đủ trong chế độ ăn cân đối). Ngũ cốc, hạt dẻ, hạnh nhân là những thứ có nhiều mangan.
Molypđen: thiếu molypđen gặp trong trường hợp nuôi dưỡng hoàn toàn theo đường tiêm, thể hiện bằng nhịp tim nhanh, thở nhanh, ám điểm trung tâm. Trong các trường hợp này, cần bổ sung 300 pg molypđat ammoni /ngày theo đường uống.
Selen: là thành phần của một số enzym, đặc biệt là glutathione peroxydase. Nhu cầu là khoảng 100pg/ngày (có đủ trong chế độ ăn cân đối). Thiếu selen gây đau cơ.
Hội chứng Keshan được mô tả ở tỉnh Keshan (Trung Quốc) là nơi mà đất và nước có ít seien. Bệnh biểu hiện bằng bệnh cơ tim gây ứ máu ở trẻ. Phòng bệnh: cung cấp 150 μg selen/ngày.
Lưu huỳnh: yếu tố cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp nhiều protein (ví dụ insulin) và enzym. Nhu cầu hàng ngày chưa rõ nhưng có lẽ được cung cấp đủ qua các acid amin có chứa lưu huỳnh (cystein, cystin, methionin).
Kẽm: có vai trò trong chuyển hoá acid nhân, tổng hợp protein và tạo mô keo (collagen). Nhu cầu hàng ngày về kẽm chưa rõ. Chế độ ăn cân đối cung cấp 8 – 10 mg kẽm/ngày; liều này đủ cho các nhu cầu của cơ thể. Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên cần liều cao hơn, có thể tới 25 mg/ngày. Phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú có thể cần tới 50 mg/ngày. Lượng kẽm trong sữa mẹ thấp nhưng dưới dạng dễ được hấp thu ở niêm mạc ruột. Cung cấp thêm kẽm trong các trường hợp nuôi dưỡng hoàn toàn theo đường mạch máu dài ngày. Kẽm có trong tất cả các thức ăn có nguồn gốc động vật (thịt, cá, sữa và sản phẩm từ sữa, trứng). Người ta cho rằng thiếu kẽm làm cho da có màu đỏ, da quanh lỗ mũi và quanh miệng bị các tổn thương có vẩy, giảm cảm giác vị giác.
GHI CHÚ – thuật ngữ viêm da ngón do nguyên nhân tại ruột là một bệnh di truyền lặn theo nhiễm sắc thể thân làm kém hấp thu kẽm, xảy ra ở trẻ sau khi cai sữa mẹ. Trẻ bị viêm da dạng vẩy nến, rụng tóc, chậm lớn và tiêu chảy. Điều trị: uống 30 – 100 mg kẽm/ngày làm khỏi hoàn toàn.