Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì có đến 33% những người bệnh cao huyết áp không biết mình bị tăng huyết áp. Một phần là do bệnh không có triệu chứng cụ thể, một phần là do mỗi người có 1 triệu chứng bệnh khác nhau, nên để phát hiện sớm nhất bệnh này bạn cần đến bác sĩ khám định kỳ.
Cũng có rất nhiều những trường hợp người bị bệnh chủ quan, cứ nghĩ mình bình thường vì không có biểu hiện bệnh ra bên ngoài nên coi thường không đi khám cho đến khi bệnh chuyển biến nặng dẫn đến đột quỵ, khó thở rồi mới biết, lúc đó sẽ rất khó chữa.
Dưới đây là 1 số triệu chứng thường gặp của bệnh huyết áp cao, nếu như bạn thấy mình có những dấu hiệu, hay thấy bản thân mình có những hiện tượng này thì cần được tới cơ sở khám và theo dõi.
Người bệnh bị Tăng huyết áp có thể gặp các triệu chứng sau:
Đau đầu: Đau khu trú vùng trán, chẩm hoặc thái dương, có khi đau nửa đầu, thường đau về đêm, đau tăng khi bị các kích thích mạnh như ồn ào, tức giận…, đau âm ỉ nhưng cũng có khi đau dữ dội.
Ù tai, hoa mắt, chóng mặt….
Đi lại loạng choạng, không vững….
Hay quên, trí nhớ giảm, tập trung chú ý giảm….
Rối loạn vận mạch: Tê chân tay, mất cảm giác, run đầu chi….
Chảy máu cam
Rối loạn thần kinh thực vật: hay có cơn bốc hoả: đỏ mặt, nóng bừng người…. thường gặp về đêm.
Lưu ý các bạn rằng, các triệu chứng nói trên là các triệu chứng không đặc hiệu của người bệnh Tăng huyết áp. Nói như vậy có nghĩa là những triệu chứng đó còn là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Không hẳn nhức đầu là triệu chứng riêng của Tăng huyết áp, nó có thể gặp ở những người nhức đầu do thay đổi thời tiết, do bệnh lý mạch máu não, bệnh lý của não như u não…. Tê bì chân tay có thể gặp ở những người bị thoái hoá cột sống cổ, ngực, thắt lưng gây chèn ép thần kinh… ù tai, hoa mắt, chóng mặt là những triệu chứng của hội chứng rối loạn tiền đình. Hay quên, trí nhớ giảm, khả năng lao động trí óc giảm còn gặp trong bệnh thiểu năng tuần hoàn não, đây cũng là một bệnh rất thường gặp. Cơn bốc hoả thường gặp ở phụ nữ độ tuổi mãn kinh mà chẳng liên quan gì đến huyết áp.
Một vấn đề quan trọng rút ra từ kết luận này: Chẩn đoán Tăng huyết áp phải căn cứ vào chỉ số huyết áp động mạch khi đo bằng máy đo huyết áp. Hầu hết các trường hợp Tăng huyết áp phát hiện lần đầu đều được chẩn đoán trong một lần bạn được khám bệnh tổng quát mà thầy thuốc có đo huyết áp cho bạn, ví dụ như khám kiểm tra sức khoẻ ở cơ quan, đơn vị…, khi mà chính bạn cũng không biết mình đã mắc bệnh Tăng huyết áp.