Trong những ngày hè viêm nhiệt, uống vào một cốc bia ướp đá mát lạnh sẽ làm cho sự nóng bức trong con người tiêu tan hết, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Bia lạnh rõ ràng là có tác dụng hạ nhiệt, giải khát, ra mồ hôi, cộng với độ hòa tan tương đối cao của dioxide carbon trong bia dưới nhiệt độ tương đối thấp có thể có càng nhiều carbon dioxide theo với bia vào trong cơ thể, tỏa ra càng nhiều nhiệt lượng, vì thế rất nhiều người cho rằng “bia càng lạnh uống càng tốt”. Ngoài ra, do thời gian bảo quản bia trong điều kiện nhiệt độ bình thường chỉ bảo quản được thời gian tương đối ngắn, để làm cho bia uống càng ngon miệng, càng giải nhiệt và thời gian bảo quản bia được càng lâu hơn, rất nhiều người thường cho bia vào thùng để nước đá hoặc đặt trong tủ lạnh.
Thực ra thì nhiệt độ bảo quản bia tốt nhất về mùa hè là từ 5 đến 10°c, về mùa đông xuân là từ 9 đến 12°c. Nếu nhiệt độ quá thấp như dưới 0°c chẳng hạn thì không những sẽ làm cho bia ít có bọt mà còn làm cho chất protein trong bia kết hợp với tannic acid thành ra chất lắng đọng, làm cho bia xuất hiện “các vẩn đục lạ”, vì thế mà khẩu vị thơm ngon của bia giảm đi rất nhiều. Nếu thời gian bảo quản bia trong nhiệt độ thấp không quá lâu thì trước khi uống chỉ cần ngâm bia vào trong nước có nhiệt độ 50°c khoảng nửa giờ thôi thì tất cả các chất lắng đọng gọi là “các vẩn đục lạ” kia sẽ mất, hương vị của bia cũng sẽ trở lại bình thường như trước. Nhưng nếu thời gian bảo quản bia trong điều kiện nhiệt độ quá thấp trong thời gian quá dài thì chất lắng đọng này sẽ không thể nào khôi phục trở lại được như cũ nữa, mà hương vị đặc biệt của bia cũng sẽ mất đi hoàn toàn. Ngoài ra, bia quá lạnh sẽ làm cho các tế bào vị giác trong khoang miệng người ta bị tê cóng, làm cho vị giác trở nên thiếu nhạy bén, như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm giác thưởng thức mùi vị bia và các thức ăn khác của miệng lưỡi. Do đó, có thể khẳng định rằng: Nói rằng “bia càng lạnh uống càng tốt” là hoàn toàn sai lầm.
Đứng về góc độ đảm bảo sức khỏe thì cũng không phải “bia càng lạnh uống càng tốt”, vì bia càng lạnh bao nhiêu thì sự chênh lệch giữa nhiệt độ của nó với nhiệt độ cơ thể càng lớn. Đặc biệt là về mùa hè uống bia quá lạnh với lượng lớn tất sẽ làm cho các huyết quản ở dạ dày và ruột co rụt mạnh lại, tạo nên tình trạng thiếu máu trong thời gian ngắn ở đường tiêu hóa; nếu nhẹ thì sẽ làm cho người ta cảm thấy khó chịu ở dạ dày và ruột, đau bụng; còn nếu nặng thì sẽ có thể tạo nên tình trạng hoại tử gây thiếu máu ở đường tiêu hóa, có khi nguy hại cả đến tính mệnh nữa. Đồng thời với tác hại đó, bia để quá lạnh mới đem uống thì lạnh sẽ gây kích thích dạ dày và ruột, làm cho chúng vận động mạnh lên, dẫn tới tình trạng các thức ăn đã ăn vào trong dạ dày và đường ruột vẫn chưa được tiêu hóa và hấp thu đầy đủ đã nhanh chóng thoát qua dạ dày và đường ruột thải loại ra ngoài cơ thể, như vậy rất dễ sinh bệnh tiêu chảy.
Nói tóm lại, bất kể đứng về mặt bảo quản, về mặt khẩu vị cũng như về mặt đảm bảo sức khỏe mà xét thì nếu có ai đó nói hoặc nghĩ rằng “bia càng lạnh uống càng tốt” là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học và rất có hại.