Bệnh than do trực khuẩn Bacillus anthracis (trực khuẩn than) gây ra, biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân nặng nề, kèm theo những tổn thương đặc hiệu ở da (90% các trường hợp, còn thể toàn thân và thể phủ tạng ít gặp hơn nhưng nguy hiểm và tỉ lệ tử vong rất cao). Trực khuẩn than có sức sống mãnh liệt, ở điều kiện bình thường nó có thể tồn tại nhiều năm trong đất, trong da, trong lông… của súc vật bị bệnh, dưới dạng nha bào. Do đó, bệnh than được xếp vào nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm và thường được kẻ địch lợi dụng làm vũ khí sinh học.
Ở nước ta, nhiều năm qua không có trường hợp bệnh than trên người nào được ghi nhận, chủ yếu vẫn là dịch bệnh than ở trâu bò tản phát ở một số địa phương miền Bắc.
Nguồn bệnh là các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, dê, hươu, nai… bị mắc bệnh than. Đường lây bệnh chủ yếu là đường da – niêm mạc bị xây xát, còn thứ yếu là đường tiêu hoá, đường hô hấp cũng do đường lây nhiễm này, vũ khí sinh học thường được sử dụng dưới dạng phun mù hoặc dạng bột chứa trực khuẩn than. Khi trực khuẩn than xâm nhập cơ thể, sau vài giờ hoặc vài ngày (trung bình là 48 giờ) bệnh sẽ khởi phát, với tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, và các tổn thương đặc hiệu trên da hoặc nội tạng ứng với từng thể bệnh.
Các thể bệnh
Đối với thể da, tại nơi da bị nhiễm trực khuẩn than xuất hiện các nốt sần, sau ít giờ sẽ tiến triển thành mụn phỏng màu đỏ tím (còn gọi là mụn máu). Nốt phỏng gây ngứa nhiều nên bệnh nhân thường gãi khiến vết loét càng lan rộng. Sau 2 – 4 ngày, trên mặt các đám loét bị phủ một lớp vảy cứng màu đen. Vùng da xung quanh đám loét phù nề trầm trọng và lan rất rộng. Vùng hạch tương xứng với vết loét sưng to nhưng không đau, không hoá mủ. Điều đặc biệt là, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn kể cả khi dùng kim châm vào các vết loét. Cùng với những tổn thương đặc hiệu trên da, bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng nề: Sốt cao, rét run, đau đầu, người mệt lả… Xét nghiệm máu lúc này thấy số lượng bạch cầu tăng rất cao. Nếu như bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể bị tử vong (tỉ lệ 5 – 20%); còn nếu được phát hiện sớm, điều trị tích cực thì bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn. Một điểm đáng lưu ý trong thể bệnh này là, không được trích rạch các mụn nước vì rất dễ gây nhiễm trùng máu.
Với thể phổi, ngoài dấu hiệu nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân nặng nề giống như thể da, bệnh nhân còn có các triệu chứng về hô hấp như khó thở, đau ngực, khạc đờm màu gỉ sắt… thậm chí bị tràn dịch màng phổi hoặc phù phổi cấp, bệnh nhân rất dễ bị tử vong do sốc, do suy hô hấp…
Còn với thể tiêu hoá, bên cạnh dấu hiệu nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân như các thể nói trên, còn có bệnh cảnh về tiêu hoá như nôn, đau bụng, đi ngoài phân nhày và máu; có thể có viêm hạch mạc treo ruột.
Về điều trị, bệnh nhân mắc bệnh than phải được điều trị càng sớm càng tốt, trong môi trường cách ly đặc biệt đê tránh lây nhiễm. Bên cạnh việc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân, các loại thuốc kháng sinh như tetracyclin, penicilin, chloramphenicol, ciprofloxacin… được coi là thuốc đầu tay của các thầy thuốc. Tuy nhiên, đối với các thể nặng như thể tiêu hoá, thể hô hấp cần phải dùng kháng sinh liều cao cùng với việc hồi sức cấp cứu tích cực thì mới hy vọng cứu sống được bệnh nhân.
Khi người bệnh đã giảm sốt, mụn than đã bong vảy, liền sẹo; bạch cầu trong máu ngoại vi đã trở về mức bình thường (6-7 ngàn/1 milimet khối); người bệnh ăn ngủ và sinh hoạt bình thường… thì vẫn phải làm xét nghiệm vi khuẩn trong đờm, phân, máu (ứng với từng thể bệnh), nếu sau ít nhất hai lần xét nghiệm âm tính (mỗi lần cách nhau 5 ngày) thì mới cho bệnh nhân ra viện.
Về phòng bệnh, ngoài các biện pháp chung như vệ sinh chuồng trại, vệ sinh nhà ở, chôn lấy tẩy trùng chất thải của người bệnh và động vật bị bệnh than… cần phải tiêm vaccin phòng bệnh cho người (chăn gia súc hoặc chuyên giết mổ gia súc) và gia súc ở những vùng có nguy cơ. Trong trường hợp khẩn cấp không có vaccin hoặc không kịp tiêm phòng, có thể uống tetracyclin hoặc penicilin để phòng bệnh.