Tên khác: bệnh sán fasciolopsis.
Định nghĩa: bệnh do nhiễm loài sán lá ruột ký sinh ở trong ruột non của người bị nhiễm.
Căn nguyên: tác nhân gây bệnh là loài sán lá có tên khoa học là Fasciolopsis buski. Sán trưởng thành dài 4,5 cm, lưỡng tính, đẻ trứng có nắp đậy. Khi trứng rơi vào môi trường nước, thì máo ấu trùng (miracidium) của sán được giải phóng ra nước và chui vào nhuyễn thể thuộc loài Segmentina. Trong nhuyễn thể này, ấu trùng biến thể thành kén và nằm ở trên các cây mọc dưới nước (loài củ ấu Trapa natans ở Trung Quốc và T. bicornis ở Bengale, Ấn Độ). Túc chủ cuối cùng là những động vật và người ăn phải củ ấu có dính kén của sán. Trong cơ thể những túc chủ cuối cùng này, sán sẽ sống ký sinh bám chặt vào thành ruột non.
Dịch tễ học: bệnh gặp ở Trung Quốc, Việt Nam, và Ân Độ, ở những nước này lợn hay bị nhiễm sán và đôi khi cả người.
Triệu chứng: đau bụng và ỉa chảy xảy ra sớm, sau đó xuất hiện cổ chướng (báng nước) và thiếu máu.
Xét nghiệm cận lâm sàng: tìm trứng sán trong phân.
Tiên lượng: ở trẻ em, tiên lượng dè dặt nếu không được điều trị sớm.
Điều trị: người lớn uống liều duy nhất niclosamid 2 g, hoặc praziquantel 75 mg/kg cân nặng cơ thể 3 lần trong cùng một ngày.