Bệnh giun kim là bệnh đường ruột do giun tròn nhỏ Enterobius Vermicularis rất phổ biến, có tính chất dễ lây lan, là một bệnh nhẹ ở đường ruột, với những chuỗi phản xạ và biến chứng có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung.

KÝ SINH TRÙNG

Enterobius Vermicularis là một loại giun tròn nhỏ, màu trắng đục, con đực dài 3-5mm, đuôi cong, có gai giao hợp. Con cái dài 9-12 mm, đuôi nhọn, thẳng, thường thấy ở quanh hậu môn bệnh nhân vào ban đêm với một tử cung chứa đầy trứng. Trứng có phôi nên có tính lây nhiễm ngay.

Giun sống ở quanh vùng manh tràng. Sau khi giao hợp, con cái di chuyển xuống trực tràng. Ban đêm, nó chui qua hậu môn và đẻ trứng ở vùng quanh hậu môn rồi chết. Trứng giun dính vào tay khi trẻ ngứa gãi hoặc bay lơ lửng trong không khí và xâm nhập vào người khác qua đường hô hấp hoặc bệnh nhân tự tái nhiễm do cầm thức ăn mà không rửa tay. Trứng nở ra ấu trùng ở tá tràng, ấu trùng di chuyển xuống vùng manh tràng và trưởng thành trong vòng 2-4 tuần. Giun trưởng thành sống được tối đa 2 tháng.

Sơ đồ bệnh giun kim
Sơ đồ bệnh giun kim

Trong một số trường hợp, giun cái sau khi qua hậu môn có thể chui ngược vào cơ quan sinh dục gây viêm âm đạo.

DỊCH TỄ

Bệnh giun kim có sự phân bố rộng rãi khắp thế giới. Tỷ lệ nhiễm giun kim thường cao, nhất là ở nơi tập trung đông người (trường học, nhà trẻ…), không phụ thuộc điều kiện địa lý, khí hậu, mà chủ yếu phụ thuộc điều kiện vệ sinh cá nhân và ngoại cảnh. Trẻ em thường nhiễm giun cao hơn người lớn. Các phương thức lây nhiễm là:

  1. Gãi hậu môn rồi đưa tay có trứng giun vào miệng (mút ngón tay, cầm thức ăn…).
  2. Hít phải trứng giun lơ lửng trong không khí sau đó mối nuốt vào thực quần.
  3. Trứng giun có thể khuyếch tán ở mọi chỗ (chăn, chiếu, ghế, bàn, sàn nhà. ..) từ đó xâm nhập vào những người khác trong gia đình hay tập thể qua đường hô hấp hoặc đường miệng.

BỆNH SINH

Giun có thể gây viêm loét niêm mạc ruột già, đôi khi có xuất huyết khi giun đẻ trứng ở quanh hậu môn và gây ngứa dữ dội, các vết trầy xước do gãi có thể bị bội nhiễm. Sự khó chịu và mất ngủ có thể dẫn bệnh nhân tới một chuỗi những triệu chứng phản xạ và gây suy kiệt cơ thể.

Khi giun kim lạc vào âm đạo sẽ bị chết vì điều kiện sống ở đó khác trong ruột. Các chất phóng thích từ xác giun gây phản ứng viêm.

TRIỆU CHỨNG

Một số người, thường là người lớn, nhiễm giun mà không có hoặc có rất ít triệu chứng.

Triệu chứng liên quan đến giun trong ruột

Ngứa hậu môn vào ban đêm.

Trầy, xước, có hay không có ứ mủ ở vùng da quanh hậu môn.

Đau hố chậu phải.

Ăn mất ngon, sụt cân, buồn nôn, đái dầm, cau có, nghiến răng.

Triệu chứng liên quan đến giun lạc chỗ

Ngứa âm hộ.

Viêm âm đạo.

U nhỏ ở vòi trứng, ổ bụng (hiếm).

CHẨN ĐOÁN: Dựa vào các yếu tố

  • Lâm sàng

Ngứa hậu môn vào ban đêm.

Thấy giun ở quanh hậu môn.

Không xét nghiệm phân vì giun không đẻ trứng trong ruột.

Tìm trứng giun bằng phương pháp Grahm: buổi sáng lúc bệnh nhân thức dậy chưa làm vệ sinh, dùng một miếng băng keo trong dính quệt vùng rìa hậu môn, sau đó dán lên miếng kính và quan sát dưới kính hiển vi.

ĐIỀU TRỊ

Mebendazol 100mg hay Flubendazol 100 mg hay Pyrantel Pamoat 10 mg/kg liều duy nhất.

Piperazin dưới dạng sirô citrat hay hydrat piperazin 50mg/kg/ ngày trong 5-7 ngày, hay dạng sebacat piperazin 50mg/kg/ ngày trong 2 ngày.

Cần tiến hành dùng thuốc ngay cho cả nhà hoặc cả tập thể, có thể lặp lại đợt 2 sau 10-15 ngày.

DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC

Điều trị hàng loạt cho gia đình, tập thể kết hợp với vệ sinh nhà cửa (lau nhà, thoáng khí, tránh ẩm ướt…).

Giáo dục vệ sinh cá nhân: Rửa tay trưác khi ăn, cắt móng tay, không để trẻ cắn móng tay, không mút ngón tay.

Không cho trẻ mặc quần thủng đáy.

0/50 ratings
Bình luận đóng