Các thành phần cấu tạo vi khuẩn được xếp thành 2 nhóm:

Thành phần chung: Gồm có vách , màng bào tương, bào tương và nhân. Thành phần riêng: nang, lông (flagella), nhung mao (pili) và bào tử.

Nang (capsule):

Thay vỏ, là thành phần ngoài cùng chỉ có ở một số loại vi khuẩn. Nang không cần thiết cho sự sống của vi khuẩn nhưng thường có vai trò trong động lực của vi khuẩn, vì nó ngăn cản sự thực bào, giúp vi khuẩn có thể sống được khi xâm nhập vào cơ thể. Nang còn chứa kháng nguyên đặc hiệu giúp ta định được typ vi khuẩn (ví dụ: Dựa vào thành phần cấu tạo của nang người ta phân biệt được Pneumococcus có trên 85 typ khác nhau). Nang có thể nhìn thấy rõ qua kính hiển vi sau khi nhuộm vi khuẩn bằng phương pháp đặc biệt như nhuộm bằng mực tàu.

Vách tế bào:

  • Là phần vỏ cứng che chở và giữ vững hình dạng của vi khuẩn. Cấu trúc của vách tếbào về cơ bản giúp ta phân chia vi khuẩn thành 2 nhóm theo phương pháp nhuộm màu Gram:

Vi khuẩn Gram dương: Vách tế bào của nhóm này chứa chủ yếu là peptidoglycan đến 80-90%, và một số thành phần khác như acid teicheic. Do cấu trúc của vách tế bào, nên trong phương pháp nhuộm Gram vách tếbào sẽ giữ màu của thuốc nhuộm gentian, làm vi khuẩn có màu tím.

Vi khuẩn Gram âm: Vách tế bào của nhóm này có cấu trúc hoá học phức tạp. Lớp peptidoglycan ít hơn của loại vi khuẩn Gram dương, chỉ chiếm khoảng 10%. Mặt ngoài của lốp peptidoglycan là một lớp dầy chiếm khoảng 80% gồm các chất protein, lipo- polysaccarid. Lớp lipo- polysaccarid này thường là nội độc tố và là kháng nguyên O; giúp ta định danh được một số vi khuẩn như nhóm vi khuẩn đường ruột. Do cấu trúc trên, nên trong phương pháp nhuộm Gram, vách tế bào của nhóm vi khuẩn Gram âm sẽ không giữ được thuốc nhuộm gentian nên vi khuẩn sẽ có màu hồng do bắt màu với phẩm nhuộm safranin o.

Màng bào tương:

Còn gọi là màng tế bào chất, là một lớp mỏng sát liền bên trong vách tê bào, cấu tạo bỏi những chất protein và lipid. Màng này chứa nhiều enzym nên giữ nhiều nhiệm vụ sinh lý quan trọng như:

  • Thẩm thấu chọn lọc: Vì có khả năng kiểm soát sự đi qua của các chất dinh dưỡng và cặn bã.
  • Hô hấp để cung cấp năng lượng.
  • Điều khiển sự phân bào.

Tiêu hoá tại chỗ một số thức ăn.

Bào tương:

Còn gọi là tế bào chất. Là chất ở thể keo, thành phần hoá học chính là ARN. Trong bào tương có nhiều enzym để thực hiện sự chuyển hoá, sự tổng hợp các nguyên liệu cần thiết cho tế bào. Trong bào tương còn có nhiều thể ribo (ribosom) là những hạt nhỏ dùng làm nơi tổng hợp các loại protein.

Nhân:

Nhân vi khuẩn chỉ gồm 1 sợi ADN duy nhất có trọng lượng phân tử khoảng 3. 109Daltons, độ dài 1mm. Sợi ADN này được coi là nhiễm sắc thể duy nhất của hạt nhân. Nhân không có màng bọc, không có bộ máy gián phân đẳng nhiễm . Nhân có nhiệm vụ di truyền những đặc tính của vi khuẩn mẹ sang vi khuẩn con, cháu.

Lông (flagell):

Cấu tạo bằng protein, xuất phát từ bên trong màng bào tương. Đây là bộ phận di chuyển của.vi khuẩn. Lông còn mang tính kháng nguyên, gọi là kháng nguyên H.

Nhung mao (pili):

Là những sợi nhỏ ngắn. Có 2 loại pili:

  • Pili chung: Có nhiệm vụ giúp vi khuẩn bám vào mô.
  • Pili giới tính: Có nhiệm vụ di chuyển chất liệu di truyền.

Bào tử:

Là một hình thái biến đổi của vi khuẩn giúp vi khuẩn chịu đựng được hoàn cảnh bất lợi như: Khô, nóng, hoá chất sát khuẩn… bào tử cấu tạo bởi những lớp vỏ chứa rất ít nước. Bình thường trong bào tử không có hoạt động biến dưỡng. Dạng bào tử chỉ tìm thấy ở một số vi khuẩn thường là trực khuẩn Gram dương, khi gặp hoàn cảnh bất lợi cho đời sống thì thành lập bào tử để tồn tại. Đến khi có hoàn cảnh thuận lợi thì sẽ nẩy mầm trở lại thành vi khuẩn.

0/50 ratings
Bình luận đóng