Tên khác: Cây ruột gà – Ba kích thiên – Chẩu phỗng xì (Quảng Ninh)…
Tên khoa học: Morinda officinalis How.
Họ: Cà phê (Rubiaceae)
1. Mô tả, phân bố
Ba kích thuộc loại cây thảo sống nhiều năm, leo bằng thân quấn, dài hàng mét. Thân non có màu tím và có lông, sau nhẵn. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn, nhọn, cứng, cuống ngắn. Hoa nhỏ, màu trắng hay hơi vàng, mọc tập trung thành tán ở đầu cành. Quả hình cầu, khi chín có màu đỏ. Rễ thắt lại từng đoạn giống như ruột gà.
Cây mọc hoang trong rừng thưa hay rừng thứ sinh. Các tỉnh có nhiều Ba kích là: Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình…
2. Bộ phận dùng thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của Ba kích là rễ. Thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa đông. Chọn những cây mọc lâu năm, đào lấy rễ to (đường kính từ 7mm trở lên), cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô. Ba kích có hình dạng cong queo. Mặt ngoài có màu nâu xám hay nâu nhạt, có nhiều chỗ nứt ngang đến tận lõi. Ba kích có vị hơi ngọt và hơi cay.
Dược liệu Ba kích đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Ba kích có chứa chủ yếu là antraglycosid, đường, nhựa, acid hữu cơ tinh dầu…; rễ tươi có vitamin C, rễ khô không có.
4. Công dụng, cách dùng
Dược liệu Ba kích có tác dụng ôn thận, trợ dương, mạnh gân cốt, trừ phong thấp. Dùng chữa các chứng bệnh: Liệt dương, nam sinh lý yếu, phụ nữ kinh nguyệt không đều, người yếu mệt, đau lưng, mỏi gối…
Cách dùng: Uống 3 – 9g/ngày, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Có thể dùng phối hợp với các thuốc khác.
Lưu ý: Người âm hư, hỏa vượng, rong kinh, táo bón không dùng.