Sốt pappatassi là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do muỗi Phlebotomus pappatassi truyền sang người.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN

  1. Tác nhân gây bệnh:

Là một virut có độ lớn không quá 40-60mp. ; theo số liệu của một số tác giả, nó còn nhỏ bé hơn nữa. Virut có thể phát hiện trong máu người bệnh 1-2 ngày trước khi bắt đầu sốt và trong 24-36 giờ đầu tiên của bệnh.

Có thể nuôi virut trên phôi gà và trên các tế bào nuôi cấy ; điều này được sử dụng để chế tạo vacxin.

Virut này chịu đựng kém ở ngoài cơ thể. Trong huyết thanh để ở nhiệt độ trong phòng, virut chỉ sống được 3-5 ngày. Virut rất nhạy cảm đối với nhiệt độ cao và chết ở 55° sau 30 phút. Nhưng ở 4°, chúng vẫn sống trong 16 tháng ; trong huyết thanh virut đã dược làm khô trong chân không, có thể sống trong vài năm.

  1. Bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng:

Virut vào cơ thể bị muỗi đã nhiễm khuẩn đốt, sinh sản nhanh chóng ở trong máu và gây phản ứng mạnh mẽ trong cơ thể.

Thời kỳ ủ bệnh là 3-5 ngày. Bệnh tiến triển đột ngột. Trong vòng vài giờ, nhiệt độ tăng nhanh đến 39° và cao hơn. Sốt kéo dài 2-3 ngày, sau đó lại giảm xuống bình thường một cách đột ngột hoặc dần dần. Đôi khi, sau 1-2 ngày không sốt, nhiệt độ lại tăng lên đến 38-39°. Nhiều tác giả cho rằng đó là bệnh tái phát, nhưng nếu quan sát thận trọng hơn, thì thấy đó là hiện tượng nhiễm lại (réiníection).

Cùng với sốt, còn thấy hội chứng đau và xung huyết ở da và niêm mạc. Người bệnh đau đầu (đặc biệt ở trán), đau lưng và tứ chi ; mắt đỏ, kết mạc mắt bị xung huyết nặng. Triệu chứng đặc trưng (triệu chứng Pik) là mạch máu của giác mạc bị sưng nhiều, giống hình tam giác, theo chiều các cơ thẳng ngoài và thẳng trong của mắt. Ngoài ra, cần nêu lên triệu chứng Tayccuz (đau khi lật mi trên).

Trong máu, ngay ngày thứ hai của bệnh đã thấy giảm bạch cầu, đồng thời có nhịp tim chậm.

Bệnh thường tiến triển nhẹ, nhưng sau khi hết sốt, người bệnh cảm thấy yếu trong 2 tuần, sức lực hồi phục chậm. Gần đây, nhiều tác giả đã phát hiện thấy rải rác có trường hợp chết.

  1. Chẩn đoán bằng xét nghiệm:

Thực hiện bằng cách phân lập virut gây bệnh hoặc làm phản ứng kết hợp bổ thể. Tuy nhiên, các phương pháp xét nghiệm này ít khi dùng, vì phức tạp vả lại bệnh tiến triển nhẹ.

QUÁ TRÌNH DỊCH

  1. Nguồn truyền nhiễm:

Sốt do muỗi pappatassi là một bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Nguồn dự trữ virut trong thiên nhiên là các loài gậm nhấm nhỏ. Đồng thời ở những nơi tập trung dân chúng, virut truyền từ người sang người qua muỗi.

Việc sử dụng các phản ứng kết hợp bổ thể đã chứng tỏ là trong các ổ dịch, có thể thu được những phản ứng dương tính mạnh. Khi xét nghiệm huyết thanh lấy từ chuột và chó sống ở địa phương đó, người ta đã phân lập được một số mẫu virut từ máu chuột bắt được tại những ổ dịch đó.

Khi đưa virut qua đường mũi và qua đường não vào các động vật phòng thí nghiệm (thỏ, chuột lang, chuột bạch) thì thấy virut sinh sản trong cơ thể chúng, ở các động vật non (chuột lang nặng 120-150g, chuột bạch nặng 5-7g) thì thấy chúng có những triệu chứng lâm sàng của bệnh.

  1. Đường truyền nhiễm:

Người bị nhiễm virut sau khi bị muỗi cái Phlebotumus pappatassi đốt, tuy những loài muỗi khác cũng có thể truyền bệnh. Muỗi hút phải virut từ máu người

bệnh. Trong thiên nhiên, virut sống trong cơ thể muỗi cái một thời gian tương đối ngắn, chúng còn sống trong cơ thể bọ gậy trong mùa đông. Virut bệnh sốt pappatassi truyền đến đời con, thậm chí đến đời cháu của chúng, cho nên muỗi không chỉ là môi giới truyền bệnh cho người, mà còn là một nguồn dự trữ virut trong thiên nhiên.

  1. Tính cảm thụ và tính miễn dịch:

Trong ổ dịch, chủ yếu là bị bệnh là những người dân mới đến, thuộc mọi lứa tuổi. Dân địa phương đều bị bệnh này lúc còn nhỏ tuổi, cho nên có miễn dịch. Nhưng miễn dịch này là tương đối, vì ngay trong một mùa, có những người bị sốt đến 2-3 lần. Có đến 20% trường hợp bị nhiễm lại, khoảng cách giữa lần sốt thứ nhất và lần sốt thứ hai là từ 3-4 ngày đến 51 ngày.

ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ

Bệnh sốt pappatassi rất phổ biến ở vùng Địa Trung Hải, Iran, ấn Độ, Đông, Tây phi, Nam Mỹ, úc, một số nơi khác thuộc vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. sốt pappatassi là một bệnh theo mùa. Dịch xảy ra khi có nhiều muỗi (tháng 5-6) và kết thúc sau khi hết muỗi (tháng 9-10). Bệnh tăng lên nhiều nhất trong tháng 7,8

Dân địa phương bị bệnh ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, do đó họ có miễn dịch . Những người dân mới đến thuộc mọi lứa tuổi đều bị mắc bệnh

Sốt pappatassi là bệnh nhẹ, nhưng gần đây nhiều tác giả thấy có trường hợp chết rải rác.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

  1. Diệt muỗi truyền bệnh:

Thanh toán nguồn dự trữ virut và những ổ dịch lớn trong thiên nhiên, tạo miễn dịch bền vững cho dân chúng.

Diệt muỗi bằng phun DDT và 666 vào tường nhà và chuồng gia súc

Phải cách ly kịp thời người bệnh và diệt muỗi ở buồng bệnh. Cửa sổ và cửa ra vào phải có lưới bằng kim loại.

Chiều tối và ban đêm phải nằm màn để phòng muỗi đốt, những người cần ở ngoài trời phải dùng cao hoá chất xua đuổi muỗi, như đội mũ có phủ lưới tẩm chất lysol, xoa trên da hở chất dimetylphtalat hoặc dung dịch nước anabasin sunfat.

  1. Tạo miễn dịch chủ động cho dân chúng bằng vacxin sống, chế từ những mẫu virut đã thích nghi với cơ thể chuột bạch và nuôi cấy tiếp trên phôi gà. Vacxin thô được tiêm chủng trên da hoặc dưới da 2 lần cách nhau một tháng. Tiêm chủng phải thực hiện lần đầu 40-60 ngày và lần sau 20-25 ngày trước mùa dịch.

Những người không có miễn dịch từ nơi khác đến ổ dịch có thể được tiêm chủng với nhịp diệu nhanh hơn, ba lần, mỗi lần cách nhau 2 ngày.

Trong số những người được tiêm chủng, mức độ mắc bệnh đã giảm 2,5 đến 3,5 lần so với những người không tiêm chủng.

0/50 ratings
Bình luận đóng