Tên khác: viêm xương cấp tính
Định nghĩa
Viêm mủ cấp tính ở thân xương dài (đa số trường hợp ở phần dưới thân xương đùi, hoặc ở xương chày), thường do nhiễm tụ cầu vàng, đặc biệt người vị thành niên hay mắc bệnh này.
Căn nguyên
Tác nhân gây bệnh thường là tụ cầu vàng, staphylococcus aureus, hiếm hơn là do liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, hoặc dọ phối hợp nhiều vi khuẩn khác nhau. Mầm bệnh xâm nhập vào xương theo đường máu hoặc từ một “cửa vào” có thể nhận biết rõ rệt (như mụn nhọt, cụm nhiều nhọt còn gọi là hậu bối, apxe, chốc lở) hoặc không rõ rệt.
Chấn thương xương hoặc can thiệp ngoại khoa cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn tại chỗ. Vị trí nhiễm khuẩn xương hay xảy ra nhất là phần hành xương của những xương dài như xương chày, xương đùi, xương cánh tay (hành xương là đoạn nằm giữa các đầu xương và thân xương dài) và ở những thân đốt sống.
Triệu chứng
Bệnh hay gặp nhất ở các trẻ em từ 5 đến 15 tuổi.
- Hội chứng nhiễm khuẩn toàn thân thường nặng.
- Đau dữ dội, xuất hiện đột ngột ở nơi xương bị viêm. Tuy nhiên đôi khi chỉ phát hiện thấy đau khi khám thực thể hệ thống. Xét nghiệm X quang bình thường trong 10-12 ngày đầu tiên.
Muộn hơn thì có thể ở chỗ xương bị viêm thấy bị sưng rất đau, do có một apxe dưới cốt mạc (dưới màng xương hoặc dưới ngoại cốt). Khám X quang thấy hình ảnh cốt mạc bị tách ra khỏi mô xương ở bên dưới. Apxe dưới cốt mạc có thể hình thành ngay cả khi tưởng bệnh đã khỏi.
- Biến chứng: viêm mủ lan tràn ra vùng xung quanh (gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn ở gần), bong đầu xương, nhiễm khuẩn huyết, apxe xa ở các nơi khác (còn gọi là nhiễm khuẩn di căn).
- Diễn biến trở thành mạn tính (hiếm thấy trong những trường hợp được điều trị): biểu hiện bởi đoạn chi sưng, có lớp da dày, sẫm màu che phủ, rồi xuất hiện lỗ rò. Khám X quang thường hay thấy các mảnh xương chết (mảnh xương mục) dưới dạng các vết sẫm (cản quang), không đều, bị chia cắt và nằm trong một hốc sáng (kém cản quang).
- Tái phát: đôi khi sau nhiều năm.
- Di chứng: xương bị yếu (gãy xương bệnh lý), rối loạn tạo cốt dẫn tới ngắn chi và biến dạng chi.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Huyết đồ: tăng bạch cầu trong máu, nổi trội là tăng bạch cầu hạt.
- Cấy máu đôi khi cho kết qụả dương tính vào lúc bệnh khởi phát.
- Cấy mủ lấy được bằng chọc hút ổ viêm hoặc sinh thiết xương.
- Tốc độ máu lắng tăng.
Xét nghiệm bổ sung
- X quang: biến đổi hình ảnh của xương chỉ thấy được nhiều tuần sau khi bệnh khởi phát, dưới dạng hình ảnh xương dưới cốt mạc bị trợt (hoặc bị ăn mòn).
- Chụp nhấp nháy với technetium: tăng gắn chất phóng xạ xảy ra sớm, nhưng dấu hiệu này không đặc hiệu.
- Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ thường cho phép khu trú vị trí viêm xương tuỷ một cách chính xác.
Điều trị
- Thuốc kháng sinh: càng cho dùng sớm càng tốt, ngay sau khi có chẩn đoán dựa trên những yếu tố lâm sàng và công thức máu, không chờ đợi kết quả cấy máu và hình ảnh X quang có biến đổi, vì lúc đó bệnh đã muộn.
Nếu điều trị muộn, thuốc kháng sinh sẽ mất hiệu quả vì không còn tác dụng tới vi khuẩn ở trong những Ổ xương đã bị hoại tử.
Vì đa số trường hợp viêm xương tuỷ là do tụ cầu vàng gây ra, nên trong thời kỳ điều trị đầu tiên thì những kháng sinh đầu bảng là penicillin kháng penicillinase (oxacillin 2g tiêm tĩnh mạch cứ 4 giờ một lần) hoặc một loại cephalosporin (cefazolin 1,5 g tiêm tĩnh mạch cứ 8 giờ một lần).
Tiếp sau đó thuốc kháng sinh thích hợp nhất sẽ được lựa chọn, dựa vào kết quả phân lập mầm bệnh (cấy máu và cấy bệnh phẩm sinh thiết xương). Liệu trình còn phải tiếp tục từ 4-6 tuần sau khi đã khỏi bệnh về lâm sàng.
- Bất động bằng bột thạch cao đoạn chi bị viêm xương.
- Phẫu thuật: trong trường hợp có apxe dưới cốt mạc khó điều trị và có mảnh xương chết mảnh xương mục).