Căn nguyên
Sử dụng trong công nghiệp kim loại (mạ cadimi), trong công nghệ gốm, và pin điện. Thực phẩm có thể bị nhiễm bởi cadimi từ những dụng cụ đựng được mạ bằng cadimi, kim loại này thôi ra thức ăn khi tiếp xúc với acid nhẹ (giấm, nước trái cây). Cadimi được sử dụng trong da liễu dưới dạng Sulfat.
Đường xâm nhập: tiêu hoá, hô hấp.
Độc tính: bắt đầu từ 10 mg trở lên thì gây triệu chứng nặng khi nhiễm độc theo đường tiêu hoá. Hàm lượng bình thường trong máu toàn phần là < 2 μg/l (< 18 nmol/l).
Triệu chứng
- Ngộ độc cấp tính theo đường tiêu hoá: gây ra co thắt cơ dạ dày, nôn, ỉa chảy, đôi khi dẫn đến tình trạng sốc. Hít thở phải hơi cadimi gây ra khó thở, đau ngực, bệnh phế quản-phổi cấp tính, có khả năng diễn biến tới phù phổi cấp (không do tim).
- Ngộ độc mạn tính do hít thở phải hơi cadimi: gây khô họng, ho, chứng mất khứu giác, suy nhược cơ thể, và đôi khi thiếu máu, giãn phế nang, và những dấu hiệu tổn thương tan tế bào gan. Có thể thấy hội chứng Fanconi thứ phát với những dấu hiệu thận bị tác động (bệnh ống thận với nước tiểu màu sẫm, protein-niệu) và xương mất muối khoáng (gây ra chứng nhuyễn xương có hoặc không gẫy xương tự phát).
Điều trị
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, thì rửa dạ dày, cho uống sữa hoặc lòng trắng trứng, cho thuốc tẩy ruột có muối, phục hồi nước cho cơ thể.
- Thuốc chống độc: edetat calci dinatri theo đường tĩnh mạch, chưa nhất trí về cách cho theo đường uống (liều 12,5 mg/kg, 4 lần một ngày). Chống chỉ định dimercaprol (BAL).
- Điều trị triệu chứng phù phổi cấp nếu xảy ra, tuỳ tình hình mà có thể cho hô hấp hỗ trợ.
- Trong trường hợp ngộ độc mạn tính, người ta đề nghị cho Vitamin D với liều cao.