Định nghĩa
Nhiễm khuẩn bể thận kèm theo có viêm kẽ nhu mô thận; thường bị ở một bên.
Căn nguyên
Nhiễm khuẩn thường theo đường từ dưới lên. Tắc nghẽn đường niệu (sỏi, trào ngược bàng quang-niệu quản, bàng quang không hết nước tiểu) hay đặt ống thông bàng quang là các yếu tố thuận lợi cho nhiễm khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là trực khuẩn coli (tới 75% số trường hợp), Pseudomonas, Proteus, Klebsiella.
Triệu chứng
Khởi phát đột ngột, đau thắt lưng và bụng, đau khi sờ nắn vào vùng thận (điểm đau sườn hoành). Sốt, rét run, buồn nôn, nôn, liệt ruột non, đôi khi có triệu chứng viêm bàng quang (khó tiểu tiện, đái rắt). Bệnh cảnh lâm sàng rất khác nhau, từ thể tối cấp có sốc nhiễm khuẩn huyết cho đến thể không đau, chỉ có sốt nhẹ. Trong những năm đầu, trẻ hay bị mắc viêm bể thận, chẩn đoán khó và di chứng ở thận đôi khi nặng (huyết áp cao hoặc suy thận).
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Máu: bạch cầu tăng. Cấy máu có thể dương tính.
- Nước tiểu: có mủ, có nhiều vi khuẩn (đếm số vi khuẩn và bạch cầu, nuôi cấy và làm kháng sinh đồ).
Chẩn đoán bằng hình ảnh: chụp thận qua tĩnh mạch có thể phát hiện thấy vật cản hoặc dị dạng ở đường niệu, và mức độ ảnh hưởng. Chụp siêu âm và chụp cắt lớp khi nghi ngờ có áp xe thận hoặc thận ứ mủ.
Với trẻ nhỏ, chụp nhấp nháy đồ là tốt nhất vì cho thấy một cách chính xác tình trạng của vỏ thận và phát hiện những tổn thương cấp.
Chẩn đoán
- Sốt cao, rét run.
- Đau vùng thắt lưng và bụng.
- Nước tiểu đục, có mủ.
Chẩn đoán phân biệt: cần phân biệt viêm bể thận với cơn đau quặn thận, viêm quanh thận, hoại tử gai thận. Viêm bể thận có thể bị nhầm với hội chứng bụng cấp, nhất là viêm ruột thừa cấp, viêm túi mật cấp, viêm tuỵ, viêm túi thừa, viêm phổi, tắc động mạch ở đáy phổi. Ở phụ nữ, cần phân biệt viêm bể thận với các bệnh phụ khoa cấp tính (viêm phần phụ, u nang buồng trứng xoắn). Nước tiểu có mủ và có vi khuẩn giúp định hướng chẩn đoán.
Biến chứng
Thận ứ mủ (thận to, đau và nước tiểu có mủ). Có thể dẫn tới áp xe thận, nhọt quanh thận hoặc nhiễm khuẩn huyết vi khuẩn
Gram âm và suy thận cấp (bệnh nhiễm khuẩn ở ống thận).
Nếu tiến triển thành viêm bể thận mạn tính cả hai bên thì sẽ gây suy thận.
Tiên lượng
- Nhiễm khuẩn đường niệu cao, không có bệnh thận: tiên lượng tốt.
- Nhiễm khuẩn đường niệu cao, có bệnh đường niệu: hay bị tái phát, nguy cơ bị biến chứng và có thể tiến triển thành mạn tính và suy thận.
- Các thể bệnh ở trẻ nhỏ không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng ở thận, có cao huyết áp hoặc suy thận.
Điều trị
Viêm bể thận cấp là một cấp cứu nội khoa, cần phải nằm viện nếu tình trạng nhiễm khuẩn không giảm sau khi điều trị bằng kháng sinh được 24 giờ.
- Trong khi chờ đợi kết quả kháng sinh đồ:dùng kháng sinh phổ rộng và được thải qua đường nước tiểu; ví dụ, một aminosid kết hợp với một cephalosporin hoặc một fluoroquinolon.
- Nhiễm khuẩn cao không có bệnh thận:một hoặc hai thuốc kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ. Thời gian điều trị không nên dưới hai tuần.
- Nhiễm khuẩn cao có bệnh thận: bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường niệu tái phát. Điều trị bằng kháng sinh kéo dài nhiều tuần, dựa trên kháng sinh đồ; cần kết hợp với dẫn lưu đường niệu và điều chỉnh các dị tật đường niệu có thể làm tái phát (cách xa đợt nhiễm khuẩn). Có thể phải cắt bỏ thận nếu một thận bị phá huỷ hoàn toàn do ứ rau,
- Trẻ nhỏ:trẻ bị nghi ngờ mắc viêm bể thận phải được điều trị bằng kháng sinh theo đường tiêm để tránh di chứng ở thận.
GHI CHÚ – với viêm bể thận mạn tính -> xem viêm thận kẽ mạn tính.