E. THUỐC TÁN

Thuốc tán, còn gọi là thuốc bột, dùng uống trong hay đắp ngoài. Thuốc tán có ưu điểm dễ bào chế, dễ uống, hấp thu nhanh, công hiệu lại chóng, tiết kiệm nhiều dược liệu hơn thuốc thang. Thường dùng trị bệnh mới cảm hoặc bệnh tương đối cấp tính. Dùng ngoài, có thể rắc vào chỗ đau để trị cục bộ.
Dược liệu thường dùng là thuốc phiến, sấy nhẹ cho khô đem tán bột, rây lấy bột mịn, dùng rây số 22-24.
Các dược liệu phải tán riêng, khi hợp lại phải chú ý trộn thật đều theo phương pháp trộn bột kép, lấy một màu sắc nổi bật làm cữ. Thuốc tán dùng cho ngoại khoa phải tán thật mịn, dùng rây nhỏ (số 22) thì tốt hơn, có khi phải dùng cách thủy trị để khỏi kích thích và đau nhức.
Thuốc tán không nên bào chế nhiều vì chóng mất chất và mốc, mọt. Đựng trong lọ hoặc thùng kín.
Bài thuốc điển hình: khô trĩ tán.
Thành phần:
Bột phèn phi 500g      Bột thần sa    300g
Bột ô mai    200g      Bột thạch tín 40g
Điều chế:
–   Phèn phi: lấy 2kg phèn chua cho vào chảo gang đun nóng cho đến khi chảy và khô hoàn toàn. Chỉ tắt lửa khi nào chắc chắn miếng phèn đã khô. Để nguội, cạo bỏ chỗ đen, tán bột mịn rồi chà lại trên miếng vải phin căng trên miệng cái bát.
–   Ô mai: lấy 2 kg ô mai cho vào chảo gang, vừa đun vừa đảo, tới khi thấy khói đen nhiều thì lấy vung đậy lại rồi nhắc xuống, để nguội, tán bột mịn chà lên vải phin.
–   Thần sa: tán nhẹ với ít nước trong cối sứ thành bột mịn, chà lên vải phin (thuốc này dùng ngoài nên không cần thủy phi).
–   Thạch tín: lấy 100g (một trăm) thạch tín cục cho vào nồi đất đun bằng than củi trong 2 giờ, cử 15 phút đảo một lần. Để nguội cạo bỏ chỗ bị cháy rồi tán bột mịn, chà lên vải phin.
Bốn vị trên đây điều

chế xong, cân đúng số lượng trong công thức, trộn đều với nhau, trừ bột ô mai trộn sau cùng (màu đen, để bảo đảm độ đều), rồi tất cả lại rây nhiều lần (4 – 5 lần) để cho thật đều.

Đóng lọ kín, dán nhãn thuốc độc bảng A, thuốc bôi ngoài không được uống, dùng theo chỉ dẫn của lương y và bác sĩ.

0/50 ratings
Bình luận đóng