Có người nói: “ăn tim bổ cho tim” “ăn gan bổ gan” “ăn thận bổ thận”, nói như vậy chỉ đúng một phần nhỏ, vì trong các cơ quan bộ phận đó có phần lớn các chất cần thiết cho sự cấu tạo và hoạt động của cơ thể, trong đó có tim; gan và thận. Cơ thể ta phát triển và hoạt động được là nhờ sự tiếp tế liên tục vào cơ thể các chất đạm, chất béo, chất bột, các chất sinh tố, muối khoáng, nước và dưỡng khí. Những thức ăn ta ăn hàng ngày có đủ các chất kể trên được tiêu hóa, bởi các men đặc biệt, cuối cùng ngấm vào máu, lọc qua gan, chảy vào nửa tim phải, lên phổi trao đổi khí, trở về nửa quả tim trái để đi nuôi cơ thể, trong đó có quả tim.
Vậy đối với người khỏe mạnh, thức ăn là các chất bổ cho toàn cơ thể mà mỗi cơ quan bộ phận chọn lọc lấy phần cần thiết cho nhu cầu cấu tạo, thay thế và hoạt động của cơ quan bộ phận đó.
Khi một cơ quan bộ phận nào bị bệnh, nó cần điều trị và làm việc điều độ hoặc nghỉ ngơi do đó những thức ăn nào không phù hợp, làm tăng thêm gánh nặng cho sự hoạt động của nó hoặc làm bệnh càng ngày càng nặng lên, đều phải cố gắng tránh, bỏ. Ví dụ đối với người mắc bệnh xơ vữa động mạch cần phải kiêng cữ những thức ăn có nhiều mỡ. Não, gan, thận, lòng đỏ trứng v.v… là những chất có chứa nhiều cholesterol, tránh ăn mặn, uống rượu, cà phê, thuốc lá và trà đậm v.v… Như vậy, đối với bệnh xơ vữa động mạch, các thức ăn kể trên không bổ cho hệ thống tim mạch vì nó có hại cho sự hoạt động của tim, và làm tăng sự phát triển của bệnh.
Tóm lại, không nên đặt vấn đề thức ăn nào bổ cho tim, mà nên hiểu rằng, các thức ăn có đủ chất, không có hại cho sự hoạt động của tim, không bắt nó phải làm việc nhiều và không làm cho bệnh nặng lên thì có thể coi như những thức ăn đó bổ thực sự cho tim trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể hiện tại.