Tên khác: sốt dịch Rickettsia, sốt có chấm xuất huyết, sốt chấy rận, sốt phát ban kinh điển.
Mục lục
Định nghĩa
Bệnh rickettsia do rận truyền, khởi phát đột ngột có sốt cao, ngoại ban toàn thân đôi khi có ban xuất huyết và có rối loạn thần kinh (tuphos).
Căn nguyên
Mầm bệnh là Rickettsia prowazekii. Bệnh được truyền qua chất thải của rận (Pediculus humanus corporis) hút máu người bệnh.Vi khuẩn phát triển trong miêm mạc ruột rận. Rận đốt người và đào thải các chất lên da người. Vết đốt gây ngứa, bệnh nhân gãi là vi khuẩn xâm nhập qua da bị xây xước. Các chất thải của rận cũng có thể khô đi, rải trong đất và truyền bệnh qua tiếp xúc hay hít phải bụi có chứa vi khuẩn. Người là nguồn chứa vi khuẩn duy nhất và lây nhiễm ở người là điều kiện để bệnh tồn tại mãi. Bệnh gây miễn dịch bền vững; hiếm gặp trường hợp tái phát.
Dịch tễ học
Bệnh lưu hành ở những vùng có điều kiện vệ sinh kém, chật chội (trại tị nạn), kém dinh dưỡng. Các vụ dịch đã xảy ra tại các trại tập trung ở châu Âu trong thế chiến 1939-1945; từ đó, thỉnh thoảng lại có dịch bùng lên ở châu Phi (Ẻtiopia, Ruanđa, Burundi).
Triệu chứng
Ủ BỆNH: 1-2 tuần.
KHỞI PHÁT: sốt 39-40°, nhức đầu dữ dội, xung huyết ở mặt, ở kết mạc, Sợ ánh sáng. Khó thở, có dấu hiệu viêm thanh quản và viêm phế quản. Buồn ngủ ban ngày, mất ngủ ban đêm.
NGOẠI BAN: xuất hiện vào ngày thứ 4-5; là các nốt màu hồng mọc bắt đầu từ thân rồi lan ra các chi; không mọc ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Đây là các ban sẩn có xu hướng trở thành ban xuất huyết lúc đầu màu hồng, chuyển sang đỏ sẫm, đỏ-nâu rồi nâu.
TRẠNG THÁI LY BÌ (TUPHOS): xuất hiện khoảng 24 giờ sau khi mọc ban. Bệnh nhân có huyết áp thấp, mệt mỏi, sững sồ.
TIẾN TRIỂN: nếu không được điều trị thì sốt sẽ lui vào đầu tuần thứ 3 hoặc là bị chết do suy tim hay suy thận.
Biến chứng
Viêm cơ tim, suy thận, viêm phế quản-phổi, viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch và hoại tử chi, viêm loét thanh quản. Các bệnh thần kinh ngoại biên và suy động mạch chi dưới mạn tính có thể xuất hiện muộn.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Phản ứng Weil-Felix: phản ứng ngưng kết với Proteus 0X19 cao hơn 1/200. Chẩn đoán được xác định nếu hiệu giá tăng lên giữa 2 lần thử cách nhau 2-3 tuần. Phản ứng này ít đặc hiệu.
- Vi ngưng kết đặc hiệu (test Giroud) với Rickettsia prowazekii.Có ý nghĩa nếu hiệu giá trên 1/320. Dương tính từ ngày thứ 5.
- Phản ứng cố định bổ thể: dương tính từ tuần thứ 2.
- Huyết đồ: lúc đầu có giảm bạch cầu; sau đó tăng bạch cầu, không tăng bạch cầu ưa acid.
- Nước tiểu: protein niệu, hồng cầu niệu.
- Dịch não tuỷ: các kháng thể xuất hiện từ ngày thứ 4. Đôi khi có phản ứng albumin tế bào.
- Sinh thiết da: có thể thấy rickettsia bên trong tế bào nội mạc các mạch máu.
Chẩn đoán
- Sau các tiền triệu không điển hình có sốt cao, rét run, suy sụp.
- Nổi ban sẩn vào ngày thứ 5, sau đó trở thành ban xuất huyết ở thân mình và các chi; không có ban ở mặt, ở lòng bàn chân và lòng bàn tay.
- Tình trạng ly bì, lách to vừa phải.
- Chẩn đoán xác định bằng phản ứng huyết thanh.
Chẩn đoán phân biệt với: các bệnh khác do rickettsia, sốt thương hàn (các ban hồng khác, lách to hơn), viêm màng não do não mô cầu có ban xuất huyết, sốt dengue.
Tiên lượng
Tốt nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong là 5% đến 10% tuỳ theo vụ dịch và tuỳ theo vùng.
Điều trị
ĐẶC HIỆU: liều duy nhất doxycyclin 200 mg (2 viên) có tác dụng, không kể tuổi bệnh nhân, cần dùng kháng sinh trước khi mọc ban hay ban mối mọc, không cần chờ kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.
TOÀN THÂN: diệt rận, bù nước, nếu cần truyền theo đường tĩnh mạch, an thần.
Phòng bệnh
Khai báo bắt buộc.
Sấy quần áo bị nhiễm ở nhiệt độ > 70°c ít nhất là một giờ hay xử lý quần áo bằng các thuốc diệt côn trùng; xoa phấn.
Tiêm phòng: cần thiết để bảo vệ những người có tiếp xúc và người đi tối vùng có bệnh lưu hành. Vaccin (vi khuẩn bị giết bằng formol) được tiêm dưới da làm 2 hay 3 mũi (tuỳ theo hãng sản xuất) cách nhau 1-3 tuần và tiêm nhắc lại hàng năm.
GHI CHÚ: bệnh sốt phát ban hồi quy của Brill (hay bệnh Brill- Zinsser) là thể tản phát của bệnh thấy chủ yếu ở Bắc Mỹ, gặp ở người đã từng bị mắc sốt rickettsia phát ban. Bệnh tái phát nhẹ, có huyết thanh dương tính lâu sau đó và không bị rận. Người ta cho rằng do vi khuẩn hoạt hoá trở lại.