Thuốc Skenan LP
Thuốc Skenan LP

SKENAN LP

UPSA

viên nang phóng thích chậm 10 mg: hộp 14 viên – Bảng nghiện. viên nang phóng thích chậm 30 mg: hộp 14 viên – Bảng nghiện. viên nang phóng thích chậm 60 mg: hộp 14 viên – Bảng nghiện.

viên nang phóng thích chậm 100 mg: hộp 14 viên – Bảng nghiện. viên nang phóng thích chậm 200 mg: hộp 28 viên – Bảng nghiện.

THÀNH PHẦN

cho 1 viên
Morphine sulfate10 mg

 

cho 1 viên
Morphine sulfate30 mg

 

cho 1 viên
Morphine sulfate60 mg

 

cho 1 viên
Morphine sulfate100 mg

 

cho 1 viên
Morphine sulfate200 mg

DƯỢC LỰC

Thuốc giảm đau loại opium (N: hệ thần kinh trung ương). Tác động trên hệ thần kinh trung ương:

Morphine có tác động giảm đau phụ thuộc vào liều. Nó có thể tác động trên hành vi tâm thần – vận động và gây trầm dịu hay kích thích, tùy thuộc vào liều dùng và cơ địa. Ngay ở liều điều trị, morphine có tác động ức chế các trung khu hô hấp và ho. Hiệu lực ức chế hô hấp của morphine giảm khi dùng kéo dài. Morphine cũng có đặc tính gây nôn do tác động lên trung khu gây nôn, có thể trên trung khu ốc tai – tiền đình và lên phản xạ gây ói mửa. Ngoài ra, morphine còn gây co đồng tử nguồn gốc thần kinh trung ương.

Tác động lên cơ trơn:

Morphine làm giảm trương lực và nhu động của các sợi cơ dọc và làm tăng trương lực của các sợi cơ vòng, gây tăng co thắt ở các cơ thắt (môn vị, van hồi – manh tràng, cơ thắt hậu môn, cơ thắt Oddi, cơ thắt bàng quang.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Dạng tác động kéo dài cho phép dùng liều uống mỗi ngày hai lần.

Hấp thu:

Morphine đạt nồng độ tối đa trong huyết thanh sau khi uống từ 2 đến 4 giờ. Chuyển hóa khi qua gan lần đầu trên 50%.

Sinh khả dụng của dạng uống vào khoảng 50% so với dạng tiêm dưới da, và vào khoảng 30% so với dạng tiêm tĩnh mạch.

Phân phối:

Sau khi hấp thu, morphine có tỉ lệ gắn kết với protein huyết tương vào khoảng 30%.

Chuyển hóa:

Morphine được chuyển hóa nhiều thành dẫn xuất liên hợp glucuronide, sau đó phải qua chu trình gan – ruột. Dẫn xuất 6-glucuronide là chất chuyển hóa có hiệu lực mạnh gấp 50 lần so với morphine. Morphine cũng bị chuyển hóa bằng phản ứng loại gốc methyl, cho một dẫn xuất khác là normorphine.

Đào thải:

Dẫn xuất liên hợp glucuronide được đào thải chủ yếu qua đường tiểu, theo hai cơ chế thanh lọc ở cầu thận và đào thải ở ống thận.

Đào thải qua phân thấp (< 10%).

CHỈ ĐỊNH

Đau nhiều, dai dẵng hay bất trị sau khi đã dùng các thuốc giảm đau khác, nhất là đau do ung thư.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Suy hô hấp mất bù.
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi (đối với dạng có tác động kéo dài).
  • Suy gan nặng.
  • Buprénorphine, nalbuphine và pentazocine (xem Tương tác thuốc).
  • Phụ nữ cho con bú (xem Lúc có thai và Lúc nuôi con bú).

CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG và THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

Chú ý đề phòng:

Dạng tác động kéo dài không dùng trong điều trị cấp cứu.

Tăng liều, ngay cả khi đã dùng ở liều cao, thường không làm tăng tiến trình gây nghiện thuốc. Nếu cần tăng cường điều trị hay dùng liều lặp lại, cần thường xuyên đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân, và phải thật sự do nhu cầu dùng thuốc giảm đau, chứ không phải là do tình trạng nghiện thuốc.

Trường hợp điều trị kéo dài, nếu ngưng thuốc đột ngột sẽ gây hội chứng cai thuốc, bao gồm các triệu chứng như lo âu, bồn chồn, ớn lạnh, giãn đồng tử, nóng phừng, toát mồ hôi, chảy nước mắt, chảy nước mũi, buồn nôn, nôn, co rút cơ ở vùng bụng, tiêu chảy, đau khớp. Để tránh tình trạng này, cần phải giảm liều từ từ.

Morphine là một chất gây nghiện do đó có thể dẫn đến tình trạng sử dụng sai lệch do gây lệ thuộc về thể chất và tinh thần, gây nghiện sau một thời gian dùng thuốc kéo dài.

Tuy nhiên khi có nhu cầu thật sự để điều giảm giảm đau, morphine vẫn có thể được kê toa.

Thận trọng lúc dùng:

Sử dụng morphine thận trọng trong những trường hợp sau:

  • Suy thận: morphine được đào thải qua thận dưới dạng chất chuyển hóa có hoạt tính, do đó nên bắt đầu bằng liều thấp, sau đó điều chỉnh liều và tần số sử dụng tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
  • Khi nguyên nhân gây đau được điều trị đồng thời: điều chỉnh liều của morphine tùy theo kết quả của việc điều trị nguyên nhân gây đau.
  • Suy hô hấp: cần đặc biệt theo dõi nhịp thở. Ngủ li bì là một dấu hiệu dự báo tình trạng mất bù.

Cần phải giảm liều morphine khi có nhiều thuốc giảm đau khác được kê toa đồng thời, vì dễ gây suy hô hấp đột ngột.

  • Người già: do có nhạy cảm đặc biệt với các tác dụng không mong muốn trên thần kinh trung ương (lú lẫn) hoặc trên đường tiêu hóa, kết hợp với việc chức năng thận bị giảm, cần phải thận trọng khi chỉ định morphine, nhất là nên giảm liều khởi đầu còn phân nửa.

Kê toa đồng thời với những thuốc khác, nhất là các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, làm tăng khả năng xuất hiện các tác dụng ngoại ý như lú lẫn hay táo bón.

Người già thường có các bệnh lý ở tuyến tiền liệt, do đó dễ có nguy cơ bị bí tiểu.

Không cần phải hạn chế sử dụng morphine ở người già một khi đã tôn trọng các điểm thận trọng khi sử dụng cho đối tượng này.

  • Táo bón: cần phải chắc chắn rằng bệnh nhân không bị hội chứng tắc ruột trước khi tiến hành điều trị.
  • Tăng áp lực nội sọ: trường hợp bị tăng áp lực nội sọ, phải thận trọng khi sử dụng.
  • Vận động viên thể thao: dùng morphine có thể cho kết quả dương tính xét nghiệm tìm chất kích thích.

Lái xe vận hành máy: Do morphine làm giảm sự tập trung và cảnh giác, cần thông báo cho người phải lái tàu xe hay vận hành máy móc về nguy cơ này khi dùng thuốc.

LÚC CÓ THAI và LÚC NUÔI CON BÚ

Lúc thai:

Các nghiên cứu thực hiện trên động vật không cho thấy morphine có tác động gây quái thai. Trên lâm sàng, khảo sát trên một số khá nhiều phụ nữ có thai không cho thấy morphine có tác động gây dị dạng hay độc phôi nào đặc biệt.

Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, dùng liều cao, ngay cả khi chỉ dùng ngắn hạn, có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh.

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu người mẹ dùng morphine dài hạn, dù với bất kỳ liều lượng như thế nào, cũng đều có thể gây ra hội chứng cai thuốc cho trẻ sơ sinh, với các triệu chứng như vật vã, nôn, co giật và tăng khả năng tử vong.

Tóm lại, trong những điều kiện sử dụng bình thường, có thể kê toa morphine cho phụ nữ đang mang thai nếu cần.

Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, nếu có dùng morphine liều cao ngắn hạn, hay điều trị mạn tính, thậm chí ở người đã bị nghiện morphine, cần phải tăng cường theo dõi trẻ trong giai đoạn chu sinh nhằm tránh nguy cơ trẻ bị suy hô hấp hay bị hội chứng cai thuốc.

Lúc nuôi con bú:

Do morphine qua được sữa mẹ, không được cho con bú trong thời gian điều trị.

TƯƠNG TÁC THUỐC

Chống chỉ định phối hợp:

  • Các chất chủ vận – đối kháng của morphine (buprénorphine, nalbuphine, pentazocine): làm giảm tác dụng giảm đau do cạnh tranh thụ thể, với nguy cơ gây hội chứng cai thuốc.

Không nên phối hợp:

  • Alcool: cồn làm tăng tác dụng gây trầm dịu của Việc giảm tập trung và cảnh giác có thể gây nguy hiểm khi lái tàu xe hay vận hành máy móc. Tránh dùng các thức uống và thuốc có chất cồn trong thời gian điều trị với morphine.

Một số phối hợp cần lưu ý:

  • Các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác: các dẫn xuất morphine khác (giảm đau và trị ho), thuốc chống trầm cảm gây trầm dịu, kháng histamine H1 gây trầm dịu, nhóm barbiturate, nhóm benzodiazépines, thuốc giải lo âu không thuộc nhóm benzodiazépines, thuốc an thần kinh, clonidine và các thuốc cùng nhóm: tăng ức chế thần kinh trung ương (gây trầm dịu và ức chế hô hấp) có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là khi dùng thuốc khi đang lái tàu xe hay vận hành máy móc.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Các tác dụng ngoại ý thường gặp khi dùng ở liều thông thường gồm buồn ngủ, lẫn lộn, buồn nôn, nôn, táo bón. Các triệu chứng đầu tiên thường chỉ thoáng qua nhưng nếu dai dẳng thì phải tìm hiểu nguyên nhân. Ngược lại, triệu chứng táo bón thì vẫn kéo dài nếu duy trì điều trị. Các triệu chứng này chắc chắn sẽ xảy ra và phải được dự đoán trước nhằm tối ưu hóa việc điều trị, nhất là đối với triệu chứng táo bón. Thường có thể dùng các liệu pháp điều chỉnh.

Ngoài ra, có thể ghi nhận một số tác dụng không mong muốn khác:

  • trầm dịu, kích động, ác mộng, thường xảy ra ở người già, đôi khi gây ảo giác ;
  • ức chế hô hấp ;
  • tăng áp lực nội sọ, cần phải được điều trị trong thời gian đầu ;
  • bí tiểu nếu bệnh nhân bị adenom tuyến tiền liệt hay hẹp niệu quản.

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi.

Liều lượng:

Liều khởi đầu:

  • Người lớn: thông thường, liều khởi đầu là 60 mg/ngày.
  • Trẻ em: liều khởi đầu là 1 mg/kg/ngày.
  • Bệnh nhân bị suy thận: cân nhắc giảm liều tùy theo chức năng thận và nhu cầu của bệnh nhân.

Chỉnh liều:

Cân nhắc chỉnh liều khi liều được chỉ định trước đó tỏ ra không hiệu quả.

  • Đánh giá:

Không nên để trễ quá 24-48 giờ khi một nấc liều tỏ tra không hiệu quả. Trên thực tế, vào thời gian đầu điều trị, nên đánh giá tình trạng của bệnh nhân mỗi ngày.

  • Tăng liều:

Nếu không kiểm soát được chứng đau, nên tăng liều morphine khoảng 50%. Trong quá trình chỉnh liều, không có giới hạn trên của liều morphine nếu có thể kiểm soát được các tác dụng không mong muốn.

  • Tương quan giữa các đường sử dụng khác nhau: Liều dùng thay đổi tùy theo đường sử dụng.

So với đường uống, liều khi dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch phải giảm 2/3 và giảm 1/2 nếu dùng đường tiêm dưới da.

Khi chuyển từ đường sử dụng này sang đường sử dụng khác phải lưu ý đến hệ số chuyển đổi nêu trên nhằm duy trì cùng một lượng sinh khả dụng của morphine trong cơ thể.

Nếu chuyển từ morphine uống có tác dụng nhanh sang dạng uống có tác dụng kéo dài, liều hàng ngày của morphine không thay đổi.

Cách dùng:

Với dạng giải phóng kéo dài, liều hàng ngày phải chia làm 2 lần, thường cách đều nhau mỗi 12 giờ.

Trường hợp bệnh nhân không thể nuốt được viên nang, phần thuốc trong viên có thể được cho vào thức ăn sệt (thức ăn nghiền, mứt, sữa chua) hoặc cho vào ống thông dạ dày hay lỗ mở dạ dày qua da có đường kính trên 16 F.G, có đầu xa được mở hay có những lỗ bên cạnh. Ống thông được rửa với 30-50 ml nước là đủ.

QUÁ LIỀU

Triệu chứng:

Ngủ li bì là một dấu hiệu báo trước của suy hô hấp.

Co đồng tử quá mức, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, hôn mê cũng được ghi nhận.

Xử lý:

  • Hỗ trợ tăng thông khí trước khi chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để hồi sức tim mạch và hô hấp.
  • Điều trị chuyên biệt: tiêm naloxone, tăng cường theo dõi cho đến khi hết các triệu chứng ngộ độc.
0/50 ratings
Bình luận đóng