Khái niệm
Ven (rìa) lưỡi lồi lõm không bằng phẳng, thậm chí giống như vết răng cưa gọi là “Thiệt biên xỉ ngân” (ven lưỡi có vết răng) cũng gọi là “Xỉ ngân thiệt”, “Thiệt biên cừ ngân”.
Ở người bình thường mà thể lưỡi khá to thì thường kèm theo có vết răng, hoặc là răng có chỗ sứt mẻ, cao thấp không đều dẫn đến ven lưỡi có vết răng không thuộc nội dung thảo luận ở mục này.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Ven lưỡi có vết răng do khí hư: Có chứng chất lưỡi vàng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, thể lưỡi non bệu, ven lưỡi có vết răng, sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng bủng, đoản hơi, biếng nói, mệt mỏi yếu sức, tự ra mồ hôi, kém ăn, sau khi ăn trướng bụng, đại tiện lỏng nhão, mạch Tế Nhược vô lực.
- Ven lưỡi có vết răng do dương hư:Có chứng chất lưỡi trắng nhợt, bề mặt lưỡi ướt nhuận nhiều tân dịch hoặc bề mặt lưỡi ướt át trơn bóng thể lưỡi tròn, to và non bệu sắc mặt xanh nhợt hoặc xanh đen, tinh thần mỏi mệt, uể oải hay nằm, miệng nhạt không khát, kém ăn, trong bụng lạnh đau gặp ấm thì đỡ, sợ lạnh, chân tay lạnh, nước tiểu trong đại tiện nhão hoặc thấy phù thũng, mạch Trầm Vi.
Phân tích
- Chứng Ven lưỡi có vết răng do khí hư với chứng Ven lưỡi có vết răng do dương hư: Khí hư là do khí không làm lưu thông nước, thủy mất sự vận hóa, Dương hư là do không hun bốc được thủy dịch. Hai chứng này đều làm cho công năng khí hóa trở ngại, thủy thấp ứ đọng ở trong cơ thể ngấm ngầm thấm ra lưỡi đến nỗi thể lưỡi to bệu hơn so với lưỡi bình thường, phía trên lưỡi có hiện tượng ướt nhuận rõ rệt, thể lưỡi bị răng nén ép nên ven lưỡi xuất hiện vết răng. Khí hư dương suy, sự sinh hóa doanh huyết bất túc, huyết hành vô lực không thể tưới tắm lên thể lưỡi dẫn đến chất lưỡi trắng nhợt non nớt. Hai chứng đều thuộc hư chứng nhưng một là khí hư, một là dương hư. Ven lưỡi có vết răng thuộc khí hư phần nhiều do ốm lâu khí hư, tư lự quá độ lao thương Tâm Tỳ xuất hiện hàng loạt những biểu hiện lâm sàng về khí hư như đoản hơi, tự ra mồ hôi, sắc mặt không tươi hơi mệt nhọc hoặc sau khi hoạt động thì bệnh tăng. Nếu là Tỳ khí hư yếu thì kém ăn, bụng trướng, đại tiện nhão, tứ chi vô lực, đoản hơi biếng nói, mạch Tế Nhược. Ven lưỡi có vết răng do dương hư phần nhiều do tiên thiên bất túc hoặc ốm lâu lao thương và người cao tuổi thể lực yếu, dương khí hao tổn xuất hiện hàng loạt những biểu hiện lâm sàng thuộc dương hư ngoại hàn tức là Mệnh môn hỏa bất túc có chứng sắc mặt xanh đen hoặc trắng nhợt toàn thân ố hàn, lưng mỏi gối lạnh, bụng lạnh đau, bụng đầy ưa ấm, tinh thần mỏi mệt yếu sức, uể oải thích nằm, đại tiện lỏng loãng, mạch Trầm Trì hoặc Trầm Vi. Chứng khí hư và chứng Dương hư tuy có phân biệt nhưng lại có chỗ liên hệ như Trương Cảnh nhạc viết: “Khí vốn thuộc dương” ,”Khí bất túc sẽ là hàn”. Khí hư tiến thêm một bước có thể trở thành dương hư. Chứng Ven lưỡi có vết răng thuộc khí hư điều trị nên đại bổ trung khí,chọn dùng phương Bổ trung ích khí thang. Chứng Ven lưỡi có vết răng thuộc dương hư điều trị nên tân ôn bổ dương, chọn dùng phương Tứ nghịch gia Nhân sâm thang.
Tóm lại chứng Ven lưỡi có vết răng, thể lưỡi phần nhiều lớn mập, chất lưỡi phần nhiều non nớt, vô luận là sắc rêu lưỡi như thế nào, tật bệnh đều thuộc hư chứng, Trung y bệnh lý nghiên cứu – Thiệt tượng hình thành cơ lý thám thảo có viết: “Vết răng là biểu hiện dương hư, khí hư trên lâm sàng phần nhiều kiêm cả chứng lưỡi non bệu và lưỡi trắng nhợt.
Trích dẫn y văn
Ven lưỡi có hình lồi lõm như vết răng cưa đó là tạng khí suy sụp là chứng bất trị (Vọng chẩn tuân kinh – Chẩn thiệt hình dung điều mục).
Chứng thấp nhiệt có đờm, chất lưỡi trướng to đầy miệng và có vết răng (Biện thiệt chỉ nam – Quan thiệt chi tâm pháp).
Ven lưỡi lồi lõm không đều như vết răng cưa đó là Can Đởm khí huyết uất trệ (Trung y lâm chứng bị yếu – Thiệt biên cừ ngân).