RAU NGHỄ
Herba Polygoni hydropiperis
            Dược liệu là bộ phận trên mặt đất của rau nghễ – Polygonum hydropiper L. họ Rau răm – Polygonaceae.
Đặc điểm thực vật.
            Cỏ mọc hoang, mọc hàng năm, cao đến 70cm. Thân mềm có khía rãnh, phân nhánh, lúc non có màu xanh, khi già màu đỏ, hơi phình lên ở các mấu. Lá mọc ở các mấu, hình mũi mác dài, mềm, có cuống rất ngắn, các lá ở ngọn bé hơn và hẹp hơn lá ở thân. Lá dài 3-10cm rộng 1-2cm. Các lá hơi có lông ở mép. Lá có bẹ chìa mỏng. Cụm hoa là bông uốn cong ở đầu cành hoặc ngọn kẽ lá. Hoa đều, mẫu 3, không có cánh hoa, 6 nhị. Lá tươi có vị cay nóng. Cây mọc hoang ở những nơi đất ẩm, ruộng nước.
            Thu hái: bộ phận trên mặt đất, hái vào cuối mùa hạ trong thời gian ra hoa khi thân có màu nâu đỏ. Hái về thì rải lớp mỏng làm khô ngay và phải năng đảo vì nếu khô chậm dược liệu sẽ đen, hỏng.
Vi học: Trên vi phẫu cắt ngang lá có các đặc điểm sau: lông tiết đầu đa bào nằm ở những chỗ lõm của biểu bì, túi tiết hình cầu nằm dưới lớp biểu bì chứa chất tiết màu vàng và đây là đặc điểm của loài Hydropiper, tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
            Ở mép lá thỉnh thoảng có những bó lông đơn bào dính nhau theo chiều dài.
Thành phần hóa học.
            Các hợp chất flavonoid, hàm lượng 2-2,5%, gồm các chất sau: quercitrin (=quercetin-3-rhamnosid), hyperin hay hyperosid (=quercetin-3-galactosid), rutin, rhamnazin (=3,5,4′- trihydroxy-7,3′ dimethoxy flavon). Đặc biệt trong rau nghễ còn được tìm thấy các dẫn chất flavonoid sulfat: persicarin* (=isorhamnetin-3-sulfat), persicarin-7-methyl ether, rhamnazin -3-sulfat.
– Một lượng ít tinh dầu chứa những aldehyd sesquiterpen: tadeonal, isotadeonal, những thành phần này làm cho lá có vị cay nóng.
– Ngoài ra trong cây còn chứa vit. K, tanin (3-4%), polygopiperin glycosid, chất này có tác dụng kích thích co tử cung.

Công dụng.
            Xuất phát từ kinh nghiệm nhân dân, các nhà khoa học Liên xô cũ đã nghiên cứu tác dụng dược lý và đưa vào Dược điển Liên xô IX.
            Dùng trong, dưới dạng cao lỏng – Extractum Polygoni hydropiperis fluidum, làm thuốc co tử cung tương tự những chế phẩm của nấm cựa gà nhưng nhẹ hơn để làm thuốc cầm máu bên trong. Cao lỏng được pha với các thuốc khác để làm thuốc đạn chữa trĩ. Liên xô cũ có sản xuất chế phẩm “hydropiperin” chứa hỗn hợp các flavonoid glycosid.
            Rau nghễ còn được dùng làm thuốc thông tiểu và hạ huyết áp.
            Theo kinh nghiệm nhân dân thì rau nghễ có tác dụng nhuận tràng, chữa giun, diệt dòi và bọ gậy.

 

* Persicasin là flavonoid sulfat đầu tiên được biết  vào năm 1937.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng