1. Đại cương: Là biện pháp cho phép người thầy thuốc chẩn đoán bệnh lý xoang hàm, ngoài các phương pháp soi bóng mờ và chụp X-quang. Đồng thời giúp điều trị viêm xoang hàm.

Mục đích:

  • Để xem trong xoang hàm có mủ hay không? Nếu có mủ cho thử kháng sinh đồ, cấy khuẩn. Nếu không có mủ cho xét nghiệm tế bào.
  • Bơm thuốc cản quang vào xoang để chụp phát hiện các khối u trong xoang và thể viêm dày niêm mạc xoang.

Chỉ định:

  • Nghi trong xoang hàm có mủ và chắc chắn có mủ. Nghi trong xoang có khối u, khối polype hay nang dịch.
  • Bơm thuốc kháng sinh vào xoang trong điều trị viêm xoang hàm.
  • Bơm thuốc cản quang vào trong xoang hàm để chụp X – quang chẩn đoán.

Chống chỉ định:

  • Viêm xoang hàm cấp tính hay đang có đợt nhiễm khuẩn cấp tính.
  • Mắc các bệnh mãn tính chưa ổn định.
  • Phụ nữ có thai.
  • Trong vụ dịch sốt xuất huyết.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi.

Nguyên tắc:

  • Chọc chỗ thấp nhất của vách mũi xoang.
  • Phải có lỗ dẫn lưu, không chọc khi có thoái hoá cuốn giữa hay có polype che kín khe mũi giữa lấp mất lỗ dẫn lưu.
  1. Kỹ thuật:

Chuẩn bị dụng cụ – thuốc:

  • Đèn clar hoặc gương trán.
  • Kim chọc xoang thẳng hoặc cong.
  • Banh mở mũi.
  • Vòi cao su nối liền kim chọc xoang với bơm tiêm 50 ml.
  • Que tăm bông và kẹp khuỷu.
  • Khay quả đậu, ni lông choàng.
  • Nước muối (Natri clorua 9%0), thuốc tê: Lidocain hoặc Xylocain…

Tư thế bệnh nhân- thầy thuốc: 

  • Bệnh nhân ngồi ghế đối diện với thầy thuốc, quàng ni lông.
  • Thầy thuốc chọc bên nào của bệnh nhân, thì tay đối diện của phẫu thuật viên cầm mở mũi, còn tay kia cầm kim.

Gây tê: Dùng que tăm bông vê bông tẩm thuốc Naphtasolin + Adrenalin + Lidocain đặt vào khe mũi dưới, dưới nếp gấp của xương xoăn dưới, điểm định chọc kim.

Kỹ thuật: 

  • Thầy thuốc đeo đèn clar nhìn qua banh soi mũ, xác định khe mũi dưới, đưa kim chọc xoang vào đúng vị trí gây tê, chỗ nếp gấp xương xoăn dưới và thành ngoài hốc mũi, ở một điểm cách đầu xương xoăn dưới 1,5 cm và cách sàn mũi 1cm. Ở điểm này vách xương rất mỏng, đầu nhọn của kim chọc xoang hướng ra phía ngoài tức phía gò má, thầy thuốc làm động tác xoay và dùi ấn nhẹ thì đầu nhọn của kim sẽ chọc qua thành vách xương và đi vào trong lòng xoang. Nếu xoang có nhiều mủ sẽ thấy mủ chảy ra qua ống chọc hoặc có thể dùng bơm tiêm hút ra làm x t nghiệm và kháng sinh đồ.
  • Lắp bơm tiêm và bơm nhẹ dung dịch nước muối sinh lý vào xoang, khi bơm cho bệnh nhân bịt mũi bên đối diện, há mồm và xì mũi liên tục.
  • Rút kim và đặt vào khe mũi dưới một miến bông vô khuẩn có tác dụng ép và chống chảy máu.
  • Trường hợp lỗ thông mũi xoang bị tắc phải chọc thêm kim thứ 2 để dẫn lưu dịch mủ. – Nếu bị viêm xoang hàm do răng thì trước khi chọc rửa xoang hàm phải nhổ răng trước và chọc xoang qua lỗ chân răng.
  1. Tai biến, biến chứng trong chọc thông xoang hàm:
  • Phản ứng với thuốc tê (phải thử phản ứng trước khi gây tê): bệnh nhân choáng váng, buồn nôn, mặt tái vã mồ hôi, chân tay lạnh. Nặng hơn: ngừng tim, ngừng thở, co giật. Xử trí: cho bệnh nhân nằm đầu thấp, thở o xy, tiêm trợ tim, trợ lực.
  • Kim chọc chạm kim vào xương xoăn dưới hay làm xước niêm mạc gây chảy máu.
  • Chọc kim đi lên mặt trước của xoang lên vùng má, chọc lại.
  • Kim xuyên qua 2 lớp của thành xoang ra vùng má hoặc dưới hố chân bướm hàm. Bơm nước phồng ra má hoặc góc hàm, rút kim ra ngay, chườm nóng, dùng kháng sinh.
  • Kim chọc vào ổ mắt, làm tổn thương mắt.

Chú ý: 

  • Chọc 1 lần 1ngày, tối đa chọc 7 lần, nếu vẫn còn mủ thì phải chuyển phẫu thuật.
  • Nếu dịch chảy ra màu vàng chanh nghĩ đến u nang. Nếu dịch máu nghi ung thư xoang. Nếu nước trong nghĩ đến dị ứng. Nếu dịch mủ nghĩ đến viêm xoang mủ.
0/50 ratings
Bình luận đóng