Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết sau hội nghị toàn quốc ngành dược liệu lần 3 (tháng 5-2010), Bộ Y tế đã triển khai cho 17 đơn vị liên quan đến phát triển dược liệu, từ quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đến bệnh viện y học cổ truyền tham gia thực hiện kế hoạch hành động đến năm 2020 nhằm vực dậy ngành dược liệu. Song quý 1 này, yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị về việc có cơ quan chuyên trách về quản lý dược liệu mới thành hiện thực với việc thành lập phòng quản lý dược liệu tại Cục Quản lý dược.
Ông Cao Minh Quang – Ảnh: Việt Dũng
* Tại VN ghi nhận được 3.948 loài thực vật và nấm, 52 loài tảo biển, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có 206 loài cây thuốc còn khả năng khai thác, 144 loài cây thuốc quý hiếm như sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, hoàng liên, bách hợp, biến hóa núi cao, thanh mộc hương, ba kích, đẳng sâm… có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn.
* Hiện có một số vùng trồng dược liệu đã hình thành như cây quế ở Yên Bái, Quảng Nam, Thanh Hóa; cây hồi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn; hòe ở Thái Bình, Nghệ An, Đắk Lắk; thanh hao hoa vàng ở Hà Nội, Bắc Giang; cây tràm ở Đồng Tháp Mười, Long An, Thừa Thiên – Huế, Tây Ninh; kim tiền thảo ở Bắc Giang, Tây Ninh; gấc ở Hải Dương, Bắc Giang; bụp giấm, dừa cạn ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Tại VN có 22 địa phương có thể khai thác dược liệu ngoài tự nhiên.
* VN hiện có 322 cơ sở sản xuất dược liệu (trong đó hơn 200 cơ sở là hộ cá thể). Tính đến đầu năm 2010 có 10 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt). Về mặt hàng, cả nước mới có 1.086 số đăng ký thuốc đông y. Bộ Y tế đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho 30 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu.

* Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất với phát triển dược liệu hiện nay?

– Vướng mắc lớn nhất là chưa có cơ chế phát triển ngành dược liệu, kiểm soát chất lượng dược liệu. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công thương để pháp quy hóa những chính sách khuyến khích nông dân, ưu đãi nhà đầu tư. Bộ Y tế đã xây dựng một bản dự toán gần 400 tỉ đồng để xây dựng ngành dược liệu trong 10 năm tới. VN có trên 947 họ, với gần 1.700 loài cây thuốc khác nhau, nhưng rải rác trong tự nhiên, chưa có điều tra về trữ lượng, chỉ mới điều tra sơ bộ tám vùng trồng dược liệu. Trong khi muốn sản xuất lớn phải có vùng trồng dược liệu, còn chỉ khai thác mà không trồng là hổng về định hướng. Giải quyết đầu ra cho dược liệu cũng cần được pháp quy hóa để từ dược liệu thành dược phẩm. Muốn vậy phải có chính sách, nông dân trồng cây thuốc được gì, nhà đầu tư được gì…, nếu không thì họ không thể yên tâm đầu tư và trồng dược liệu.
* Chất lượng dược liệu đang là vấn đề gây khó cho doanh nghiệp và người sử dụng. Vì sao tình trạng chất lượng dược liệu bị thả nổi kéo dài?
– Kiểm soát chất lượng dược liệu cũng là vấn đề gây đau đầu hiện nay. Phần lớn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, chất lượng khó kiểm soát gây xáo trộn thị trường, những vấn đề như hàm lượng hoạt chất, có tồn dư chất độc hay không chưa trả lời được khiến phát triển ngành dược liệu chậm lại. Từ tháng 10-2010 đến nay, 17 đơn vị liên quan đến vực dậy ngành dược liệu đang hết sức tích cực, như tôi đã nói, quý 1 này Cục Quản lý dược sẽ thành lập phòng quản lý dược liệu nhằm có các chính sách tiếp theo để quản lý chất lượng dược liệu, nhập khẩu dược liệu… Tất nhiên cùng lúc không thể giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng nay đã tìm ra vấn đề vướng mắc với phát triển dược liệu, đang xây dựng cơ chế và tới đây sẽ có tiền, có định hướng, tôi đánh giá những hướng đi tới của ngành dược liệu sẽ khả quan hơn.
* Trong số bốn vướng

mắc mà ông đang cho là rào cản, điều gì gây khó khăn nhất cho phát triển dược liệu?

– Là giải quyết đầu ra cho nông dân trồng dược liệu và đầu ra cho nhà đầu tư. Điều này liên quan đến cả cơ chế kê đơn thuốc ở các bệnh viện. Nhưng với những hoạt động của 17 đơn vị liên quan đến dược liệu đang tiến hành, tôi cho rằng có thể khai thác tiềm năng dược liệu VN đang có. Chúng ta có tiềm năng về dược liệu, điều đó rõ ràng, nhưng không khai thác được mà lại đi nhập khẩu sản phẩm chất lượng chưa rõ. Đã đến lúc phải thay đổi điều đó.

(Theo Bộ Y tế, tại hội nghị phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia năm 2010)
LÊ THANH HÀ – VIỆT HÙNG – NGUYỄN HÀNG TÌNH thực hiện

0/50 ratings
Bình luận đóng