MA HOÀNG
Có nhiều loài ma hoàng, chủ yếu là Thảo ma hoàng – Ephedra sinica Stapf., Mộc tặc ma hoàng – Ephedra equisetina Bunge, Trung gian ma hoàng – Ephedra intermedia Schrenk et C.A.Mayer …. thuộc họ ma hoàng Ephedraceae.
Đặc điểm thực vật
Thảo ma hoàng (Ephedra sinica Stapf.) còn gọi là xuyên ma hoàng. Cây nhỏ, thuộc thảo, sống nhiều năm, cao chừng 20-40cm. Thân hóa gỗ, hình trụ, ít phân nhánh, mọc bò, màu vàng xám, có nhiều đốt, mỗi đốt dài 2,5 – 3cm, trên có nhiều nhãnh nhỏ (18 – 20 rãnh). Lá mọc đối, ít khi mọc ba lá một,lá mỏng, dài 3 -4 mm mọc dính với nhau ở phía dưới, phía trên đầu lá nhọn và cong, lá thường thoái hóa thành vẩy. Hoa đực, hoa cái khác cành, cành hoa đực nhiều hoa hơn (4-5 đôi).Qủa thịt, khi chin có màu đỏ, trong có hai hạt và hạt hơi thò ra ngoài. Thời kỳ nở hoa vòa tháng 5, quả chín vào tháng 7.
Mộc tặc ma hoàng (Ephedra equisetina Bunge) còn gọi mà mộc ma hoàng hay sơn ma hoàng, cũng là loại cây nhỏ, hóa thân gỗ, mọc thẳng đứng, cao tới 2m, cành nhỏ, phân nhánh nhiều, màu xanh xám hay hơi trắng, đốt ngắn hơn có 13-14 rãnh dọc, thường chỉ dài 1-3cm. Lá hình tam giác, ngắn (1-2mm), đầu lá không cuộn lại. Hoa đực và hoa cái khác cành, quả thịt hình cầu, hạt không thò ra nhiều như thảo ma hoàng.
Trung gian ma hoàng (Ephedra intermedia Schrenk et C.A.Mayer): Cây nhỏ có đốt dài 2-6cm có 18-28 rãnh dọc, lá dài 2 -3 mm, ngọn lá nhọn.
Phân bố và trồng hái
Mahoàng chưa thấy mọc hoang và trồng ở nước ta. Trên thế giới, ma hoàng trồng ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi nhưng có ít hoạt chất, chỉ có ma hoàng mọc ở châu Á chưa nhiều hoạt chất nên được thế giới công nhận dùng làm thuốc.Nơi cung cấp ma hoàng là Ấn Độ, Pakistan, đặc biệt Trung Quốc là nơi cung cấp chính. Trung Quốc thường xuyên xuất cảng thảo ma hoàng vì sản lượng có nhiều, sau đó đến mộc tặc ma hoàng, còn trung gian ma hoàng thường tiêu thụ ở những địa phương có cây.
Mặc dù ephedrin là hoạt chất của ma hoàng đã tổng hợp được, nhưng D- pseudoephedrin và DL – ephedrin tổng hợp tác dụng kém hơn L – ephedrin chiết từ cây ma hoàng, mặc khác nhu cầu dùng ephedrin ngày càng tăng, cho nên ngoài việc thu hái cây mọc hoang, người ta còn trồng ở nhiều nơi.ma hoàng trồng bằng hạt.
Ma hoàng thu hái vào mùa thu vì theo dõi hàm lượng hoạt chất trong cây người ta thấy nếu hái vào mùa đông, hoạt chất chỉ còn 50%, sang mùa xuân chỉ còn 25-30%. Thần nông bản thảo cũng qui định ma hoàng phải hái vào tiết lập thu khi thân còn hơi xanh, bỏ các mấu và quả. Ngày nay đã chứng minh thấy mấu và quả có rất ít alvaloid.
Bộ phận dùng và chế biến
Dùng bộ phận trên mặt đất của cây ma hoàng (Herba Ephedrae). Đôi khi dùng cả rễ (Radix Ephedrae) gọi là ma hoàng căn. Sau khi thu hái, người ta đem phơi cho khô.
Thân hình trụ, dẹt, dài 5- 25cm, đường kính 1 – 3mm, đôi khi phân nhánh, mặt ngoài màu vàng lục đến vàng bẩn, có nhiều rãnh dọc. Chia thành đốt rõ, mỗi mấu mang 1 -3 lá vảy nhỏ mọc đối hoặc mọc vòng. Gióng dài 2 -6cm, giòn, dễ bẻ gẫy. Vết bẻ hơi có xơ giữa ó mày đỏ nâu, mùi nhẹ, vị hơi đắng.
Vi phẫu thân: Biểu bì ngoằn ngoèo, có lớp cuitn dày, ở chỗ lõm có lỗ khí, ở những chỗ lồi dưới biểu bì có các đám sợi thành rất dày không hóa gỗ. Mô mềm vỏ ngoài chứa diệp lục, mô mềm vỏ trong không mà. Trong mô mềm rải rác có những đám sợi và tinh thể calci oxalat nhỏ. Sợi vỏ trụ thành từng đám riêng lẻ nằm bên phía ngoài, gỗ ở phía trong. Trong tủy có các tế bào chứa tanin, đôi khi có các đám sợi hóa gỗ.
Bột: Có màu vàng nâu nhạt hay xanh. Soi kính hiển vi thấy:mảnh biểu bì có lỗ khí. Mảnh biểu bì với lớp cutin có ụ lồi. Sợi dài, đứng riêng lẻ, hoặc chụm thành từng đám, thường kèm theo tinh thể hình lập phương hoặc tế bào cát. Mảnh mổ mềm gồm tế bào hình chữ nhật. Những đám chất màu nâu trong mô mềm tủy.
Thành phần hóa học:
Thành phần chủ yếu của ma hoàng là alcaloid, hoạt chất chính là l – ephedrine ngoài ra còn có D – ephedrine, L – N – methylephedrin, L – norephedrin, D – N – methylpseudoephedrin, D – nor – pseudoephedrin , ephedroxan.Ngoài ra còn có ephedrine (C8H13O3N2) với điểm chảy là 760C và cấu trúc chưa xác định.
Hàm lượng alcaloid phụ thuộc vào loài , tuổi của cây và thời gian thu hái.
Bảng sau giới thiệu hàm lượng alcaloid toàn phần và tỷ lệ ephedrin ở một số loài ma hoàng
Loài ma hoàng
Hàm lượng alcaloid toàn phần
Tỷ lệ ephedrin
Ephedrin sinica
1,315%
80  –  85%
E.equisetina
1,01 – 1.33%
55 – 75%
E.intermedia
0,25 – 0.89%
40 – 46%
Ngoài alcaloid trong ma hoàng còn có tanin, flavonoid, tinh dầu, acid hữu cơ (acid citric, acid malic…)
Kiểm nghiệm:
1. Định tính
–      Cho vào 0,2g bột dược liệu 5ml nước và 1- 2 giọt HCl loãng, đun sôi 2 – 3 phút rồi lọc, lấy riêng dịch lọc đem kiềm hóa bằng NH4OH (T.T) rồi chiết bằng 5ml CHCl3. Tách dịch chiết CHCl3 vào 2 ống nghiệm riêng, ống 1 cho them 5 giọt carbon disulfua, lắc mạnh và để yên, lớp CHCl3 có màu vàng đậm; ống 2 để trắng sau đó them 5 giọt CHCl3 lắc mạnh, lớp chloroform không màu hoặc có màu vàng nhạt.
–      Vi thăng hoa: lấy ít bột ma hoàng làm vi thăng hoa sẽ được tinh thể không màu dạng hạt hoặc tinh thể hình kim nhỏ.
–      Lấy 1 g bột dược liệu cho thêm 15ml nước, đun nóng trên nồi cách thủy với ống sinh hàn ngược trong 30 phút, làm lạnh, lọc, thêm vào dịch lọc 1ml dung dịch NH­4OH đậm đặc, chiết 2 lần, mỗi lần với 10ml hỗn hợp ether – ethanol [8:2], hỗn hợp dịch chiết được loại nước bằng Na2SO4 khan, lọc, làm bốc hơi dịch chiết đến khô. Hòa tan cắn trong 1ml MeOH làm dung dịch thử. Hòa tan 5mg ephedrin tinh khiết vào methanol làm dung dịch chuẩn. Chấm 5-10μm dung dịch thử và 5 μm dung dịch chuẩn trên bản mỏng silicagel G, khai triển sắc ký bằng hệ dung môi n- BuOH – CH3COOH – H2O [8:2:1], làm khô tấm sắc ký trong không khí rồi phun dung dịch ninhydrin 0,5% trông aceton rồi sấy ở 1050 C khoảng 10 phút. Dung dịch thử có vết có cùng Rf và màu giống vết ephedrin của dung dịch chuẩn.
Định lượng
Cân chính xác khoảng 5g bột mịn dược liệu, cho vào đó 3ml NH4OH đậm đặc, 10ml ethanol và 20ml ether để trong bình Soxhlet trong 24h, sau đó thêm ether và chiết trên nồi cách thủy trong 4h cho kiệt alcaloid. Chuyển dịch chiết vào một bình gạn, tráng bình chiết bằng một ít ether rồi chuyển vào bình gạn, lắc dịch chiết với HCl 0.5M lần đầu với 20ml, sau đó lắc tiếp 4 lần, mỗi lần 10ml. Gộp dịch chiết acid, lọc, kiềm hóa bằng dung dịch NaOH (T.T) rồi lắc với ether lần đầu 20ml và 4 lần tiếp theo mỗi lần 10ml, gộp dịch chiết ether rồi thêm chính xác 30ml H2SO4 0,01M chuẩn độ, lắc mạnh rồi để yên cho phân lớp; lấy riêng lớp acid; rửa dịch ether 3 lần mỗi lần 5ml H2O. Gộp dịch chiết acid với nơpcs rửa đặt trên nồi cách thủy cho bốc hơi ether, để nguội rồi chuẩn độ acid dư bằng dung dịch NaOH 0,02M, dùng 2 giọt đỏ methyl làm chỉ thị màu
 1ml H2SO4 chuẩn độ 0,01M tương ứng với 3,305mg ephedrin (C10H15NO). Dược liệu phải chứa không ít hơn 0,8% alcaloid toàn phần tính theo ephedrine (C10H15N).

Tác dụng dược lý

Tác dụng dược lý của ma hoàng chủ yếu là tác dụng của ephedrine. Ephedrin có công thức gần giống công thức của adrenalin. Do đó tác dụng của ephedrin gần giống tác dụng của adrenalin tuy có yếu hơn nhưng thường lâu hơn.

 

* Dùng liều cao hoặc  uống quá lâu ngày có thể gây ra mồ hôi ra quá nhiều gây nên suy nhược. Ma hoàng  nướng mật có tác dụng làm giảm trạng thái phát hãn này.
* Có thể làm tăng huyết áp.
* Tác dụng phát hãn: Chỉ dùng lúc nóng ở người thấy có tác dụng làm tăng bài tiết mồ hôi. Thử độc vị trên thực nghiệm chưa thấy rõ.
* Tác dụng giải nhiệt: Tinh dầu ma hoàng có tác dụng hạ nhiệt đối với chuật nhắt bình thường.
* Tác dụng chống co thắt phế quản từ từ  và kéo dài do ephedrin làm  giãn cơ trơn khí quản.
* Tác dụng lợi tiểu: Alcaloid ma hoàng có tác dụng lợi tiểu rõ.
* Có tác dụng làm co thắt cơ vòng bàng quang gây ra ứ nước tiểu.
* Alcaloid Ma hoàng có tác dụng kích thích bài tiết nước tiểu và dịch vị.
* Tác dụng tăng áp: Ephedrin làm co thắt mạch máu, vì vậy làm huyết áp tăng nhưng chậm và kéo dài vài giờ.
* Ephedrin có tác dụng hưng phấn vỏ não, làm tinh thần phấn chấn, hưng phấn trung khu hô hấp, làm giảm tác dụng của thuốc ngủ.
* Tác dụng kháng Virus: ma hoàng có tác dụng ức chế Virus cúm (do tinh dầu ma hoàng).
* Rễ ma hoàng có tác dụng hoàn toàn ngược với cành và thân ma hoàng.
* Cao lỏng ma hoàng tiêm vào động vật thấy huyết áp giảm, mạch máu ngoại vi giảm, hô hấp tăng nhanh.
Công dụng và liều dùng
Ma hoàng được dùng làm thuốc chữa ho, ho lâu năm, viêm khí quản, hen suyễn, đau khớp xương. Ngày dùng 5 – 10g, dạnh thuốc sắc. Rễ và đốt của thân của cây ma hoàng chữa mồ hôi trộm.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, ma hoàng được dùng trị ho trong ho gà, hen phế quản và ho, còn là thuốc làm ra mồ hôi, lợi tiểu, hạ sốt, giảm đờm, dãi.
Trong y học cổ truyền của một số nước khác ma hoàng có tác dụng điều trị mày đay, đái dầm, cơn ngủ thoảng qua, nhiệt cơ năng, hạ huyết áp tư thế mạn tính; còn làm thuốc giảm đau, kháng khuẩn, kích thích miễn dịch.
Công dụng đã được xác nhận trong tư liệu lâm sàng hiện đại: Chế phẩm ma hoàng dùng điều trị ngạt mũi do cảm mạo mùa, viêm mũi dị ứng, sổ mũi cấp tính, cảm lạnh, viêm xoang, hen phế quản.
Liều dùng: 5-10g dưới dạng thuốc sắc, thường dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Tây y thường dùng ephedrine dưới dạng muối hydoclorid hay sulfat, dùng riêng hay phối hợp với aspirin, cafein, papaverin.
* Dùng chữa hen, liều tối đa 0,05g ephedrine hydrolorid trong 1 lần; 0,15g trong 24 giờ, dạng thuốc viên : 0,01g/viên.
* Chữa sổ mũi, dùng dung dịch 1 – 3% ephedrin hydrolorid hòa trong nước làm thuốc nhỏ mũi, mỗi lần nhỏ 1 -12 giọt.
Chú ý:
Ma hoàng không được dùng cho người đau tim, người ra mồ hôi nhiều . Đối với người cao huyết áp dùng phải cẩn thận. Ngoài ra rễ ma hoàng được dùng để giảm mồ hôi đối với những người đổ môi hôi nhiều, mồ hôi trộm.
Ephedin có thể bán tổng hợp thành methamphetamin (D-desoxyephedrin) là chất kích thích mạnh thần kinh trung ương, gây nghiện và bị cấm.
Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Không dùng cùng một lúc ma hoàng với thuốc ức chế monoaminoxydase, vì sự phối hợp đó có thể làm tăng huyết áp nặng, làm chết người.
Chế phẩm ma hoàng dùng liên tục có thể gây mất ngủ và quen thuốc. Nếu có hiện tượng kích động, run, mất ngủ, ăn không ngon hoặc buồn nôn, cần giảm liều hoặc ngừng thuốc.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng