RAU MÁ
Herba Centellae asiaticae.
    Dược liệu thường dùng tươi cây rau má – Centella asiatica Urb., họ Hoa tán Apiaceae.
Đặc điểm thực vật
    Rau má là loại cỏ sống dai, mọc bò, rễ mọc ở các mấu của thân. Lá có cuống dài 10-12 cm, phiến lá khía tai bèo tròn, gốc lá hình tim, rộng  2-4 cm. Gân lá hình chân vịt. Cụm hoa tán đơn gồm các hoa rất nhỏ. Quả dẹt. Cây mọc hoang ở ruộng vườn, bãi cỏ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, rau má được trồng nhiều trong các vườn nhà thuộc xã An phú đông, Thạnh lộc huyện Hóc môn. Cây còn được trồng ở Tiền Giang.
Bộ phận dùng
    Toàn cây có thể thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học
    Các hoạt chất chính là các saponin triterpennoid nhóm ursan. Chất quan trọng là asiaticosid, khi thủy phân thì cho phần aglycon là acid asiatic và phần đường gồm có 1 rhamnose và 2 glucose. Mạch đường nối theo dây nối ester với nhóm carboxyl ở C-28. Saponin thứ 2 là madecassosid. Chất này có phần aglycon là acid madecassic và mạch đưòng cũng giống như asiaticosid. Ngoài ra còn có một số saponin khác với hàm lượng thấp.
Acid asiatic
Asiaticosid
Acid madecassic

Madecassosid
R1= H
R1= H
R1= OH
R1= OH
R2= H
R2=glc6-glc4-rha
R2= H
R2=glc6-glc4-rha
Acid  asiatic và madecassic cũng tồn tại ở dạng tự do trong cây.
    Một saponin nhóm lupan: acid betulinic cũng được phân  lập từ rau má.
    Ngoài saponin ra còn có một số flavonoid: kaempferol, quercetin; một số chất khác như mesoinositol, một oligosaccharid được đặt tên là centellose, một alcaloid chưa được xác định cấu trúc: hydrocotylin (C23H33O8N), vit C, carotenoid, tinh dầu.
Tác dụng và công dụng
    Saponin toàn phần của rau má đã được nghiên cứu thấy có tác dụng tăng tổng hợp collagen và fibronectin. Tác dụng này có thể giải thích được tác dụng chóng làm lành vết thương của rau má.
    Dịch chiết rau má có tác dụng làm hạ huyết áp và chậm nhịp ttim.
    Nhân dân ta dùng rau má làm rau sống để ăn. Nước rau má là loại nước giải khát phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Kinh nghiệm nhân dân cho rằng rau má có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng để chữa sốt, rôm sảy, mẩn ngứa, các bệnh về gan, thổ huyết, đi lỏng, lỵ, viêm họng, viêm phế quản, viêm đường tiểu tiện.
    Hay dùng tươi, xay với nước, lọc lấy dịch ép thêm đường để uống. Ngày dùng 30g-40g.
    Ở Madagascar và An Độ người ta dùng rau má để chữa hủi. Năm 1956 Boiteau và Ratsimamanga có thử dùng asiaticosid điều trị hủi và lao da; hiện nay asiaticosid dùng chủ yếu để làm thuốc chóng lành sẹo, các vết thương, vết mổ, chữa loét, bỏng, eczema dưới dạng thuốc bột, thuốc mỡ hoặc thuốc tiêm dưới da. Phòng bào chế Syntex của Pháp có biệt dược Madecassol dưới dạng viên chứa 10 mg cao  của rau má, dạng thuốc mỡ mỗi ống chứa 0,1g cao và ống tiêm mỗi ống chứa 20 mg cao (cao có chuẩn độ). Thành phần hoạt chất trong cao có acid madecassic, acid asiatic và asiaticosid. Madecassol thuốc viên và thuôc tiêm được chỉ định trong các trường hợp rối loạn tuần hoàn tĩnh mạch và các rối loạn làm chậm lên sẹo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng